Tháo gỡ rào cản để hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP
Những năm qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thu hút sự tham gia của nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm nông sản hợp tác xã, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên. Tuy nhiên, các hợp tác xã vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc phát triển sản phẩm OCOP.
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, thực hiện chương trình OCOP, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm, mạnh dạn đưa sản phẩm nông sản của hợp tác xã đăng ký đạt chuẩn OCOP. Kết quả, có nhiều sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 12 hợp tác xã tham gia chương trình OCOP với hơn 20 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang Phạm Thành Trăm đánh giá phần lớn các sản phẩm OCOP của hợp tác xã đều đạt chất lượng tốt, được người tiêu dùng đón nhận. Nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp đánh giá cao, đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng, điểm trưng bày sản phẩm OCOP, hệ thống siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. So với trước đây, các chủ thể OCOP là hợp tác xã đã có sự chăm chút, đầu tư nhiều hơn về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm và chú trọng hơn vào công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP, ngày càng có thêm nhiều hợp tác xã đăng ký đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Thời gian qua, cùng các sở, ngành, địa phương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang có nhiều chính sách để hỗ trợ các hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP. Hàng năm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức mở các lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hợp tác xã về lợi thế khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP; tạo điều kiện cho lãnh đạo các hợp tác xã đi tham quan thực tế các cửa hàng, điểm trưng bày sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ một số máy móc, thiết bị từ các chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương để giúp các hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng nhãn mác, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ các hợp tác xã tham gia những hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Đầu năm 2024, từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thành lập khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của hợp tác xã ngay tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã tỉnh và xây dựng 12 gian hàng trưng bày OCOP tại 12 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Thông qua sự kết nối từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh có một số doanh nghiệp, đối tác tìm đến ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã.
Bên cạnh những mặt đạt được, từ khi tỉnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến nay, số lượng các hợp tác xã tham gia còn khá khiêm tốn, số lượng sản phẩm chưa nhiều. Việc phát triển sản phẩm OCOP trong các hợp tác xã chưa tương xứng với tiềm năng. Các hợp tác xã chỉ mới dừng lại ở việc bán sản phẩm thô, chưa quan tâm nhiều đến khâu sau chế biến. Nguồn lực của hợp tác xã còn hạn chế, thiếu vốn đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm.
Năng lực quản lý, điều hành của cán bộ quản lý hợp tác xã còn yếu, chưa nhìn nhận được tiềm năng của những sản phẩm hiện có của hợp tác xã để tiến hành xây dựng thành những sản phẩm OCOP. Sự đồng thuận của thành viên hợp tác xã chưa nhiều. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước còn vướng mắc nhiều vấn đề, có những chương trình, dự án khi triển khai đòi hỏi hợp tác xã phải có tài sản đảm bảo, năng lực nội tại của hợp tác xã thiếu, nên hợp tác xã khó tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang Phạm Thành Trăm cho biết trước những khó khăn, vướng mắc của hợp tác xã trong phát triển sản phẩm OCOP, Liên minh Hợp tác xã tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xem xét bàn giao cho Liên minh Hợp tác xã chủ trì triển khai các cơ chế, chính sách dành riêng hỗ trợ các hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ thêm kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực quản lý hợp tác xã, bởi đây là điểm mấu chốt, nếu ban quản lý hợp tác xã có năng lực lãnh đạo tốt, họ sẽ tận dụng được những tiềm năng, lợi thế sẵn của hợp tác xã để xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP trong tương lai…