Tháo gỡ bất cập của Luật Trồng trọt, tránh tình trạng doanh nghiệp 'giành giật' giống cây trồng

Từ ngày 22/4/2023, tất cả các giống cây trồng đều phải được doanh nghiệp làm thủ tục khảo nghiệm để xin cấp giấy công nhận lưu hành mới được tiếp tục sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang 'giành giật' với nhau những giống cây trồng đã được các nguồn lực khoa học của Nhà nước nghiên cứu tạo ra…

Doanh nghiệp phải mua bản quyền giống cây trồng, không có chuyện được tự do sử dụng các giống do Nhà nước tạo ra.

Ngày 25/5/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp với các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng về thực thi Luật Trồng trọt. Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Quy định nào, điều nào trong Luật Trồng trọt, nghị định, thông tư cần thiết phải sửa thì nhất định phải nghiên cứu để sửa.

NHIỀU BẤT CẬP TRONG LUẬT TRỔNG TRỌT

Sở dĩ có cuộc họp này là do trước đó, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) và 8 doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh giống cây trồng đã có văn bản kiến nghị nêu lên những bất cập trong thực thi Luật Trồng trọt.

Trong công văn kiến nghị, VSTA cho rằng Luật Trồng trọt mới (có hiệu lực chính thức ngày 1/1/2020) đang có những điểm mâu thuẫn với các Luật khác thể hiện ở mục công nhận lưu hành và tự công bố lưu hành.

Theo quy định tại Điều 22 Luật Trồng trọt, tất cả các đơn vị muốn tiếp tục sản xuất kinh doanh các giống đã quá 10 năm đều phải được ủy quyền của tổ chức cá nhân được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng đó.

"Kiến nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các Cục, Vụ xây dựng nhanh và ban hành sớm một thông tư quy định cũng như hướng dẫn Chương II của Nghị định 94 về giống cây trồng, nhằm giải quyết các rào cản, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật Trồng trọt".

Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA).

Thực tế sản xuất làm nảy sinh những vấn đề mà các nhà làm luật không tính đến: Đó là rất nhiều giống được các Viện, Trường, Trung tâm chọn tạo ra bằng ngân sách Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, đề tài. Theo luật thì đây là tài sản công vì nó được tạo ra bằng ngân sách của Nhà nước. Một số Viện đã đứng ra làm “gia hạn lưu hành” và chia sẻ quyền sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp có nhu cầu không thu phí để đảm bảo ổn định thị trường giống.

Tuy nhiên, một số lại được ủy quyền cho một doanh nghiệp nào đó đứng ra làm thủ tục “gia hạn lưu hành”, dẫn đến các doanh nghiệp đó nhầm tưởng mình đã “sở hữu” các giống được ủy quyền. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống đang “giành giật” với nhau những giống cây trồng đã được các nguồn lực khoa học của Nhà nước nghiên cứu tạo ra… Trong khi, đây là các giống “xã hội hóa”, mọi doanh nghiệp giống đều đã và đang sản xuất kinh doanh từ hàng chục năm qua.

Theo các doanh nghiệp giống cây trồng, rất nhiều giống lúa, giống ngô không được bảo hộ nằm trong danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh, như các giống lúa Xi21, Xi23, CR203, Q5, Khang dân, Hương thơm, Bắc thơm 7, Nếp 97, Ải 32, ĐV-108…; các giống lúa lai Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Sán ưu…, giống ngô LVN-10…

“Trước hết, phải khẳng định rằng tất cả những giống nêu trên đều thuộc nguồn lực của Nhà nước, vì chúng được nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội… bởi các viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những giống này đã được đưa vào sản xuất, kinh doanh một thời gian dài, ngắn nhất cũng đã có thời gian 20 năm, được đông đảo các doanh nghiệp ngành giống khuyến cáo sản xuất, kinh doanh nhiều năm trên hầu hết các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện tại, đây vẫn là các loại giống chủ lực của sản xuất và có thể nói đây là những giống đã được xã hội hóa”, công văn kiến nghị nêu rõ.

Thực thi Luật Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra quy định từ ngày 22/4/2023, tất cả các giống cây trồng đều phải làm thủ tục cấp quyết định công nhận lưu hành thì mới được tiếp tục sản xuất kinh doanh. Dẫn đến, nguồn lực giống xã hội hóa của Nhà nước đã bị một số ít đơn vị chiếm dụng (chỉ bỏ ra vài chục triệu đồng làm khảo nghiệm kiểm soát để được gia hạn quyết định lưu hành) để được độc quyền như giống được bảo hộ nhằm tăng giá, thu lợi bất chính…

KHÔNG CÓ GIỐNG XÃ HỘI HÓA

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đã giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp về các quy định của Luật Trồng trọt.

Theo ông Cường, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận lưu hành các giống cây trồng được quy định tại Luật Trồng trọt và tổ chức, cá nhân là chủ bằng bảo hộ giống cây trồng được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ là khác nhau.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định cộng nhận lưu hành được quy định tại Điều 31 Luật Trồng trọt, Quyền lợi và nghĩa vụ của chủ bằng bảo hộ được quy định tại Điều 186, 187, 191 của Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật nào được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đó.

Ông Nguyễn Như Cường trả lời tại cuộc họp.

Ông Cường cũng cho rằng tất cả các văn bản pháp luật hiện hành về giống cây trồng không có khái niệm “giống xã hội hóa”. Việc các doanh nghiệp cho rằng các giống được nhà nước nghiên cứu, các doanh nghiệp tự do sử dụng để sản xuất kinh doanh đã 20 năm, nay cần được tiếp tục tự do sản xuất kinh doanh – suy nghĩ như vậy là không đúng.

Ông Cường giải đáp: Giống cây trồng là đối tượng sinh học, do vậy cần được tác giả, cơ quan tác giả (Viện Nghiên cứu) duy trì nguồn giống theo đúng đặc tính ban đầu, đặc biệt là tính chống chịu sâu bệnh của giống. Nếu tác giả không thường xuyên duy trì thì giống sẽ bị thoái hóa, trở nên nhiễm với sâu bệnh khi loài sâu bệnh đó xuất hiện các nòi mới có độc tính cao hơn (với giống lúa theo các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước với rầy nâu hay bệnh đạo ôn, bạc lá thường 5 năm sẽ xuất hiện các nòi mới có độc tính cao hơn).

"Tính từ khi Luật Trồng trọt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đến ngày 22/4/2023, đối với lúa đã công nhận lưu hành 96 giống; công nhận lưu hành đặc cách 9 giống; gia hạn lưu hành 74 giống. Đối với ngô, công nhận lưu hành 45 giống, gia hạn".

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Do vậy, việc thực hiện gia hạn lưu hành với giống cây trồng (chỉ cần thực hiện khảo nghiệm có kiểm soát 3 loài sâu bệnh đạo ôn, bạc lá, rầy nâu) là cần thiết để các cơ quan chuyên môn biết thông tin để chỉ đạo sản xuất, bố trí mùa vụ, định hướng vùng sản xuất...”, ông Cường khẳng định.

Ông Cường cho biết đối với các giống cây trồng là giống đặc sản, giống cây trồng bản địa, giống đã tồn tại lâu dài trong sản xuất… sẽ được hưởng quy chế về “giống đặc cách”. Khi giống cây trồng được một địa phương đề nghị công nhận đặc cách thì các địa phương khác đều được sản xuất, buôn bán và các tổ chức, cá nhân đều được sản xuất buôn bán theo quy định.

Như vậy, các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán đối với giống cây trồng đã được cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách không cần phải được sự ủy quyền của tổ chức có giống cây trồng đã được cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách.

Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt (hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ ban hành) không quy định xử phạt hành chính đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lưu hành đặc cách khi chưa được ủy quyền của tổ chức đứng ra đăng ký lưu hành đặc cách.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Giống cây trồng quyết định tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Do đó, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là không ngại chỉnh sửa các thủ tục hành chính để những quy định của pháp luật sát với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất ra những bộ giống mới có chất lượng phục vụ sản xuất.

“Quy định nào, điều nào trong Luật Trồng trọt, nghị định, thông tư cần thiết phải sửa thì nhất định phải nghiên cứu để sửa", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, đồng thời chỉ đạo Cục Trồng trọt tiếp tục trao đổi với các hiệp hội giống, tham khảo ý kiến từ Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các cơ quan liên quan trên tinh thần cầu thị để nhanh chóng điều chỉnh những quy định còn chưa phù hợp. Trong đó, những giống nào chưa được công nhận gia hạn lưu hành mà vẫn có tỷ trọng lớn trong sản xuất phải có hướng dẫn xử lý vướng mắc ngay, không để ảnh hưởng tới sản xuất.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thao-go-bat-cap-cua-luat-trong-trot-tranh-tinh-trang-doanh-nghiep-gianh-giat-giong-cay-trong.htm