Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công (*): Huy động nguồn vốn tư nhân

Nghị quyết 98/2023 đã có quy định về đầu tư công, TP HCM có thể vận dụng cơ chế quan trọng về tài chính để huy động các nguồn vốn tư nhân cùng tham gia

Sau Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - Phiên thứ 3: "Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công", Báo Người Lao Động tiếp tục ghi nhận ý kiến của các chuyên gia đề xuất giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ một trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế của TP HCM và cả nước.

Vận dụng Nghị quyết 98 vào đầu tư công

Ngày 16-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (Nghị quyết 98), cho biết đầu tư công là một trong 3 trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng và Nghị quyết 98 là một quyết sách quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP HCM cũng như cả nước. "Nghị quyết 98 đóng góp rất lớn cho việc bố trí và giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, nghị quyết này cho phép tách dự án thành 2 phần gồm phần đền bù và xây dựng, từ đó tạm ứng ngân sách để đền bù trước nhằm giải quyết tắc nghẽn. Tuy nhiên, dự án mới được tách ra đền bù riêng nhưng dự án dang dở chưa áp dụng được. Nếu Nghị quyết 98 và các quy định khác tiếp tục mở rộng phân cấp phân quyền thủ tục sẽ thúc đẩy tích cực đầu tư công và huy động nguồn lực, hạ tầng xã hội" - TS Trần Du Lịch nói.

Gói thầu số 9 dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (TP HCM) vừa thông xe chiều 10-8. Ảnh: THU HỒNG

Gói thầu số 9 dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (TP HCM) vừa thông xe chiều 10-8. Ảnh: THU HỒNG

Cũng theo TS Trần Du Lịch, TP HCM đang tổng kết 1 năm triển khai Nghị quyết 98 với rất nhiều ngành nghề vận dụng các cơ chế đặc thù vào quá trình hoạt động. Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 98, TP HCM đã bố trí 1.500 tỉ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; thành phố đã ban hành 23 danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong ngành văn hóa và thể thao...

Theo các chuyên gia, thành phố có thể áp dụng những cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án giao thông kết nối với những địa phương khác. TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho biết các dự án đường sắt đô thị, dự án Vành đai 2 và Vành đai 3 đều quy hoạch thực hiện theo phương thức TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng). Vì vậy, ông kiến nghị bổ sung quỹ đất được quy hoạch dành làm TOD khi tiến hành đấu giá và tiền từ đấu giá sẽ được sử dụng cho chính dự án đó và giao cho HFIC quản lý chứ không hòa vào ngân sách chung của thành phố. "Việc triển khai TOD, giao thông xanh cần đổi mới cách tổ chức. Cần sự cam kết mạnh mẽ từ các sở, ngành chuyên môn, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ trên cơ sở kịch bản cụ thể. Trước mắt, phải tập trung hoàn tất tuyến metro số 1 để cho thấy hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại, từ đó nhân rộng ra 8 tuyến metro còn lại mới bảo đảm hoàn thành 180 km metro đến năm 2036" - TS Huy Vũ nói.

Liên quan đến pháp lý trong quá trình triển khai TOD, Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 kiến nghị mỗi sở, ngành sẽ cùng nhau xây dựng một kế hoạch chung, cam kết tiến độ thực hiện trong đó phải dự kiến được những vướng mắc về pháp lý để báo cáo kịp thời cho lãnh đạo TP HCM kiến nghị trung ương.

Cần phân cấp, phân quyền rõ ràng

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) - nhận định Nghị quyết 98 mới chỉ ở bước thăm dò, chưa có tháo gỡ mạnh mẽ. Muốn góp phần tạo đột phá cho đầu tư công nhìn từ nghị quyết này, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng để thành phố giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc. "Cần có sự khẩn trương quyết liệt hơn, mạnh dạn vận dụng Nghị quyết 98" - ông Hòa nói.

TS Huỳnh Phước Nghĩa, Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), cũng cho rằng khi Nghị quyết 98 được triển khai hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư công nhưng để đầu tư công tăng trưởng như kỳ vọng đòi hỏi rất nhiều cơ chế, chính sách, thủ tục đồng bộ từ TP HCM đến các tỉnh lân cận trong vùng Đông Nam Bộ và Trung ương. Cần cơ chế phối hợp giữa TP HCM và các bộ, ngành cũng như các địa phương liên quan trong quá trình triển khai dự án để Nghị quyết 98 thật sự là "công cụ sắc bén" của thành phố. "Ngay mới đây, câu chuyện thành phố dự thảo điều chỉnh bảng giá đất cũng gây xôn xao dư luận, trong khi việc ban hành bảng giá đất mới là cần thiết, tốt ở nhiều phương diện. Việc áp dụng bảng giá đất mới liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư công. Dẫn câu chuyện trên để thấy muốn thúc đẩy đầu tư công đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ rất nhiều sở, ban, ngành, địa phương tới bộ, ngành Trung ương. TP HCM có cơ chế đặc thù nhưng khi triển khai vẫn cần sự phối hợp của các ban, ngành Trung ương" - TS Huỳnh Phước Nghĩa phân tích.

Nhìn rộng hơn về những điểm nghẽn đầu tư công, Chủ tịch HUBA cho rằng hiện có vướng mắc liên quan đến cơ chế quy hoạch, phê duyệt, đấu thầu và cách thức vận hành. Đồng thời, có sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và chủ đầu tư. "Các dự án đầu tư công thừa tiền nhưng nghẽn do cơ chế thủ tục, quy trình, trình tự và đòi hỏi giải quyết đồng bộ. Cơ quan ban ngành cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận khác. Các dự án đầu tư công cần xã hội hóa để giải quyết điểm nghẽn. Tất cả thủ tục và phê chuẩn để tư nhân làm, sau khi hoàn thành chỉ cần nghiệm thu, đây có thể là cách tiếp cận trôi chảy và nhanh hơn" - ông Hòa đề xuất.

Ở góc độ khác, theo PGS-TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đang có một vấn đề không nhỏ trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công là tâm lý còn e ngại của những người liên quan. Cần có khung pháp lý an toàn để những người thực hiện không cảm thấy lo lắng. Vì chính sách và các quy định là có nhưng mỗi khâu hiểu một cách khác nhau, ngay cả năng lực thực thi và phối hợp giữa các cấp cũng còn nhiều vấn đề phải cải thiện. "Việc TP HCM có Nghị quyết 98 tạo không gian cho thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết, trong đó có cả lĩnh vực đầu tư công. Quan trọng hiện tại là cần rà soát xem cần bổ sung, điều chỉnh gì sau một năm để đồng bộ, triển khai hiệu quả" - PGS Tuấn góp ý.

Vận dụng cơ chế về tài chính

Theo TS Trần Du Lịch, nếu những vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư công được tháo gỡ, chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay đã đề ra từ 90%-95%, sẽ thúc đẩy kinh tế, tạo được cú hích cho năm sau - năm cuối cùng giai đoạn 2020-2025. Riêng TP HCM cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 98 để hình thành khung quy định, trong đó có lĩnh vực đầu tư công. Qua đó, TP HCM đáp ứng nguồn vốn và tận dụng cho được 2 cơ chế quan trọng về tài chính. "Đó là phát hành trái phiếu để tăng bội chi đầu tư lên 120% nhằm đi trước một số công trình đầu tư hạ tầng và huy động được nguồn vốn tư nhân thông qua các hình thức tham gia vào đầu tư công, để TP HCM tiến đến giai đoạn "cứ 1 đồng vốn nhà nước, thu hút được 10 đồng vốn tư nhân" - TS Trần Du Lịch nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-8

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thao-diem-nghen-giai-ngan-dau-tu-cong-huy-dong-nguon-von-tu-nhan-196240816201358504.htm