Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm về kinh tế gần 7.000 tỷ đồng
Toàn ngành đã triển khai 6.712 cuộc thanh tra hành chính, riêng Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm về kinh tế 6.750 tỷ đồng, 1.205 ha đất.
Trong báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 về kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cho biết:
Năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, Thanh tra Chính phủ đã tập trung chỉ đạo ngành Thanh tra căn cứ tình hình thực tế, có phương án điều hành linh hoạt, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Trung ương, nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và địa phương về việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
riêng Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm về kinh tế 6.750 tỷ đồng, 1.205 ha đất (ảnh minh họa)
Thanh tra Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực trong việc kết luận thanh tra, phát hiện, kịp thời chuyển cơ quan chức năng xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp và tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra các vi phạm tại dự án trọng điểm, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Toàn ngành đã triển khai 6.712 cuộc thanh tra hành chính, riêng Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm về kinh tế 6.750 tỷ đồng, 1.205 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 4.082 tỷ đồng, 691 ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 2.668 tỷ đồng, 514 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính nhiều tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 16 vụ việc, trong đó có 07 vụ việc chuyển ngay trong quá trình thanh tra, xây dựng dự thảo kết luận (chưa ban hành kết luận thanh tra).
Ngoài ra có 188.047 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 61.846 tỷ đồng, 7.206 ha đất; kiến nghị thu hồi 16.775 tỷ đồng và 3.497 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 45.071 tỷ đồng, 3.708 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.925 tập thể và 4.286 cá nhân; ban hành 120.504 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 4.103 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 245 vụ, 182 đối tượng (tăng 58% số vụ).
Toàn ngành tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.067 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Kết quả các cơ quan đã xử lý, thu hồi 10.072 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 76%), 81 ha đất; xử lý hành chính 2.627 tổ chức, 7.579 cá nhân; khởi tố 14 vụ, 16 đối tượng.
Có 330.971 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 21,6% so với năm 2020), với tổng số người được tiếp là 358.661 người (giảm 21,9%) về 274.233 vụ việc (giảm 7,6%), trong đó có 3.439 đoàn đông người (giảm 9,%).
Các cơ quan hành chính tiếp nhận 359.339 đơn các loại (bao gồm: đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh); đã xử lý 336.645 đơn, có 274.988 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 76,5% tổng số đơn đã xử lý.
Đã giải quyết 17.272 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 76,3% (giảm 7,2%). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 13,7 tỷ đồng; 15,6 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 441 tỷ đồng; 41,6 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 51 tổ chức, 1.071 cá nhân; kiến nghị xử lý 571 người (trong đó có 442 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 12 vụ, 17 đối tượng (có 15 cán bộ, công chức).
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo; ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng và địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần cho sự thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, năm 2021 có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người). Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCTN tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.