Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em

Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em đầu tiên tại TP.HCM (ở Bệnh viện Hùng Vương) sẽ tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thay vì phải đi đến nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực chỉ cần đến “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” đặt tại Bệnh viện Hùng Vương để được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý.

Hay nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển, gửi nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội-Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu.

Đây là trọng tâm hoạt động của "Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực" đầu tiên thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.

Mô hình do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, chính thức ra mắt tại Bệnh viện Hùng Vương (địa chỉ số 128 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5) vào sáng 24/3.

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, việc triển khai thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” đặt tại cơ sở y tế là một giải pháp mới chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

Kinh nghiệm ứng phó với bạo lực giới cho thấy cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên bệnh nhân ở các nhóm độ tuổi, ngành nghề và hoàn cảnh khác nhau tìm đến.

“Mô hình khi vận hành sẽ tiến hành rà soát khoảng trống về chính sách, quy định riêng của các ngành tiến tới thống nhất về nguyên tắc, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ một đầu mối cho nạn nhân. Mô hình một cửa là điểm đến an toàn, là nơi can thiệp, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu khép kín và phù hợp cho từng nạn nhân trên địa bàn thành phố” - ông Lê Văn Thinh chia sẻ.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với đại diện Tổ chức Planète Enfants & Développement (PE&D) tại Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với đại diện Tổ chức Planète Enfants & Développement (PE&D) tại Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng hay bạn tình gây ra trong cuộc đời.

Tuy nhiên, 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới Thành phố Hồ Chí Minh, Mô hình ra đời sau hơn hai năm nghiên cứu với sự chủ trì, điều phối chuyên môn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế cùng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và sự vào cuộc trực tiếp của Bệnh viện Hùng Vương.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và sự đồng hành của Tổ chức Planete Enfants & Développement (PE&D) tại Việt Nam.

Mô hình đặt tại Bệnh viện Hùng Vương, hướng đến trợ giúp kịp thời cho bệnh nhân nhận diện ứng phó với các hành vi bạo lực; đồng thời chuyển bệnh nhân đến dịch vụ một cửa để được tư vấn, cung cấp gói dịch vụ phù hợp.

Bên cạnh đó, sẽ can thiệp và trợ giúp khẩn cấp đối với bệnh nhân của bạo lực nhưng không có khả năng tự bảo vệ bản thân, giúp giải cứu bệnh nhân an toàn.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam đánh giá cao việc Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em.”

Đây là kết quả nỗ lực của các bên liên quan, hướng đến việc cung cấp dịch vụ thiết yếu đa ngành có sự điều phối nhịp nhàng dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của họ.

Bà Elisa Fernandez Saenz tin tưởng sự phối hợp của các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực sẽ tạo ra sự thay đổi cần thiết góp phần tăng tỷ lệ phụ nữ và trẻ em tìm kiếm sự trợ giúp từ chính quyền, giúp phụ nữ và trẻ em ứng phó tốt hơn trước bạo lực tâm lý, trừng phạt thân thể.

UN Women cam kết tiếp tục đồng hành với Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới để việc thực hiện thí điểm thành công và kỳ vọng Mô hình sẽ được nhân rộng trên toàn quốc.

Thời gian thực hiện thí điểm mô hình trong giai đoạn từ năm 2022-2026./.

Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-ra-mat-mo-hinh-mot-cua-ho-tro-phu-nu-va-tre-em/853121.vnp