Thanh niên trốn nhà 8 năm vì phải thừa kế công ty gia đình

Thanh niên được cha đề nghị làm tổng giám đốc công ty nhưng trốn đi 8 năm rồi trở thành nhạc sĩ.

Bạn ạ, bất cứ ai cũng đều phải xây dựng cho chính mình, phải lập nghiệp. Vậy thì việc khởi nghiệp/lập nghiệp không dành riêng cho một thiểu số, có phải thế không!

Ai cũng phải hiểu, thất bại ban đầu là những bước vô cùng tích cực để mình lựa chọn đúng nghề phù hợp cho mình. Tôi xin nhắc lại là, những thất bại ban đầu vô cùng cần thiết để giúp cho mỗi “thí sinh” trẻ tuổi cuối cùng làm đúng, chọn đúng, nhận đúng vị trí, tạo giá trị đúng, tự mình trở thành người hữu dụng một cách đúng đắn nhất cho cho xã hội.

Đây là một giai đoạn vô cùng quan trọng để rồi, cuối cùng, mỗi chúng ta tìm ra sứ mệnh thiêng liêng, hiểu mình sinh ra thực sự để làm gì, đóng góp gì và nhận lại những gì. Hành trình tự khám phá, tự té ngã, tự đứng dậy, tự gây dựng, tự lập trình, tự đầu tư, tự học hỏi, tự lực, tự cường, tự kiến, tự tạo, tự nỗ lực nhọc nhằn, tự rút tỉa, tự đúc kết, tự nhủ, tự khuyên, tự khôi phục, tự phóng thích để rồi tự do, tự tái tạo, tự đi một mình để hoàn thành sứ mệnh.

Bạn ạ, đây là một hành trình thiêng liêng của riêng mỗi cá nhân, cho dù là sinh vật hay thực vật. Không ai nên hoặc có quyền can thiệp vào, đó là câu chuyện cá nhân của mỗi con người đứng trước Vũ trụ.

Ở đây, tôi xin cảnh cáo các bậc phụ huynh hoặc gia đình cố tạo dựng hết cho con. Những người cha, người mẹ khi làm vậy là có tội với chính đứa con của mình, vì cho dù có đạt được thành quả nào chăng nữa, đứa con đó đã không thực sự thành công, một thành công của chính nó.

Ảnh minh họa. Nguồn: cottonbro studio/Pexels.

Cha mẹ nào phạm lỗi này sẽ thấy đứa con của mình bị trả giá, không sớm thì muộn. Thương con thì đã đành, nhưng chính khi thương con thì nên hiểu rằng Vũ trụ muốn mỗi đứa trẻ tự cứng cáp để tự trưởng thành, như tất cả các sinh vật trên địa cầu và trong Vũ trụ. Không có gì thảm thương bằng những người thành công do ảnh hưởng của gia đình mà lại chưa bao giờ và sẽ không bao giờ trưởng thành.

Đến tuổi xế chiều rồi, vẫn chưa biết và chưa bao giờ sử dụng bàn tay, bàn chân, trái tim, nội lực và trí tuệ. Các bạn phụ huynh đôi khi sẽ chột dạ khi thấy đứa con của mình, nhờ mình lựa chọn thay, làm giàu bằng nghề bác sĩ, kỹ sư, nhưng mỗi khi có một phút rảnh rỗi lại quay sang mê say với cây đàn hay bút vẽ họa sĩ, phải chăng những nghề này mới là nghiệp? Hãy để cho mỗi người tự nhận lấy quyền thiêng liêng nhất và chính đáng nhất: quyền lựa chọn, tự do lựa chọn, hạnh phúc lựa chọn, và nói một cách khác, vui sướng hay đau khổ đều tự mình, do mình, và phải quả cảm giữ lấy cho riêng mình.

Vì đó là lẽ sống! Thoát lẽ sống một cách giả tạo là điều vô cùng sai lầm, nhưng đây là sai lầm của cả kiếp người.

Xã hội Tây phương, vì yêu con nên họ để cho đứa con tự lựa chọn, rồi sau nhiều thử thách, khi đứa con đã lựa chọn xong, lúc đó không có gì cấm cha mẹ đỡ con một tay, nếu đó chính là ý muốn của người con.

Xã hội Á đông thì khác. Tôi quen rất thân một gia đình vô cùng giàu có bên Canada, gốc Anh. Đứa con trưởng được cha đề nghị trao cho vị trí tổng giám đốc công ty, thằng bé hốt hoảng trốn nhà biền biệt trong tám năm, rồi trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng, nó đã trở về ôm cha mẹ sau khi thành công.

Người cha lúc đó mới chột dạ, lúc con trốn nhà thì chỉ thấy một đứa trẻ đầy mặc cảm, phản đối cha mẹ kịch liệt, đến khi nó trở về thì chứng kiến một con người tươi cười hạnh phúc. Gia đình chẳng ai dám hỏi đứa con đã có bao nhiêu triệu đô-la rồi, vì cứ trông vẻ mặt nghệ sĩ hạnh phúc của nó thì mọi người đành dẹp bỏ nỗi hiếu kỳ về tài sản vật chất, nói làm gì khi tài sản tinh thần của đứa con là vĩ đại.

Phan Văn Trường và nhiều tác giả/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/thanh-nien-tron-nha-8-nam-vi-phai-thua-ke-cong-ty-gia-dinh-post1459707.html