Thanh Hóa: Nguy cơ chậm tiến độ nhiều dự án tái định cư
Tính đến đầu tháng 4/2025, các dự án tái định cư (TĐC) cho đồng bào vùng có nguy cơ bị sạt lở do thiên tai tại Thanh Hóa đang góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều dự án chưa thể đưa vào vận hành do phát sinh những vướng mắc, bất cập.

Nhiều dự án tái định cư cho đồng bào vùng có nguy cơ sạt lở cao tại các huyện miền núi của Thanh Hóa vẫn chưa được triển khai xây dựng vì nhiều khó khăn.
Hiệu quả từ việc tái định cư
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến hết năm 2025, sẽ sắp xếp, ổn định cho 2.255 hộ dân, trong đó có 1.326 hộ TĐC xen ghép, 599 hộ TĐC liền kề và 300 hộ TĐC tập trung. Đến cuối tháng 3/2025, toàn tỉnh đã có 21 dự án sắp xếp ổn định dân cư thuộc đề án được các cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư để sắp xếp ổn định chỗ ở cho 707 hộ dân. Bên cạnh đó, có 4 dự án đang được triển khai thực hiện theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm sắp xếp, ổn định cho 259 hộ dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhìn chung, kết cấu hạ tầng tại các khu TĐC đang từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, giúp cho đồng bào yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Các hộ dân đã chủ động bố trí nguồn lực của gia đình và hỗ trợ của địa phương để chỉnh trang nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống. Các dự án sắp xếp, ổn định dân cư, góp phần nâng cao đời sống dân cư, phát triển sản xuất bền vững, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản do thiên tai gây ra.
Bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát được xem là bản nghèo, khó khăn nhất huyện khi có đến 95% hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều hộ dân sống trên rẻo núi cao, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ, tiềm ẩn thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đầu tư dự án TĐC tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, với nguồn vốn hơn 15 tỷ đồng, trên diện tích hơn 3 héc ta. Mục tiêu giúp người dân đồng bào dân tộc Mông xuống ở những vị trí thuận lợi để ổn định cuộc sống. Khu TĐC mới được đầu tư quy mô, đồng bộ từ đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt tập trung… Mỗi hộ dân được cấp 150m2 đất ở, hỗ trợ tiền dựng nhà và phát triển kinh tế. Sau khi được Nhà nước quan tâm đầu tư khu TĐC tập trung, 42 hộ chuyển nhà về nơi ở mới, ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế.
Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Ón, Giàng A Chống cho biết: Phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông thường thích ở trên núi cao hoặc những nơi biệt lập. Vì thế tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao. Việc giao thương với bên ngoài của đồng bào thường rất khó khăn. Sau khi được di dời đến nơi ở mới, bà con phấn khởi và yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.
Tại dự án khu TĐC Co Hương, thuộc bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện biên giới Quan Sơn đã bố trí đất ở cho 36 hộ dân, trong đó chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng là 300 triệu đồng/1 hộ, hỗ trợ 50 triệu đồng/1 hộ để ổn định đời sống ở khu TĐC mới. Về nơi ở mới, có điện, đường, nhà văn hóa, nước về tận từng nhà. Xe thu mua lâm sản vào tận nơi, nan nứa được giá hơn, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, việc lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia vào các dự án TĐC cũng đã và đang góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế tại các địa phương.
Còn nhiều khó khăn
Hiệu quả từ các khu TĐC đối với đồng bào tại các huyện miền núi của Thanh Hóa là rất rõ rệt. Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án TĐC cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chủ yếu do đặc điểm địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt bởi nhiều sông, suối nên việc lựa chọn vị trí TĐC đảm bảo an toàn càng khó khăn khi quỹ đất ở rất hạn chế.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện xây dựng được 4 dự án TĐC tập trung để sắp xếp cho 151 hộ dân theo hình thức khẩn cấp. Ngoài ra, có 17 khu TĐC tại các huyện miền núi đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thực hiện quy trình tiếp theo để thực hiện ổn định đời sống cho 556 hộ dân và 18 khu TĐC đang được rà soát lại số hộ, địa điểm TĐC cho phù hợp. Nhưng đến nay, các dự án này vẫn chưa trình được chủ trương đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: Về thực hiện các dự án TĐC tập trung, trong quá trình triển khai, một số dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ thực hiện như: Địa hình các huyện miền núi bị chia cắt mạnh, có độ dốc lớn; quỹ đất ở hạn chế; khối lượng san lấp lớn; chi phí xây dựng cao; kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh chưa đủ để đầu tư xây dựng đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của khu TĐC.
“Chúng tôi đang tích cực phối hợp với UBND các huyện miền núi thực hiện việc rà soát từng khu vực có thể di dời người dân đến khu TĐC và hoàn thiện. Đồng thời, đối với các dự án đang còn gặp vướng mắc, Sở cũng đang khẩn trương bổ sung hồ sơ điều chỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt để sắp sếp lại dân cư, ổn định cuộc sống người dân vùng có nguy cơ sạt lở đúng với tiến độ đã đề ra”- ông Cường nói.