Thăng trầm câu chuyện mật ong Manuka

Mật ong manuka - thứ mật óng vàng có nguồn gốc từ New Zealand với kết cấu sánh đặc và công dụng kháng khuẩn, là một trong năm loại mật ong hảo hạng được ưa chuộng nhất thế giới, theo xếp hạng của chuyên trang Beelixir. Thậm chí, vài năm trở lại đây, ở New Zealand còn xuất hiện loại 'tội phạm mật ong' có tổ chức bởi giá trị kinh tế lớn mà mật manuka mang lại.

Nhưng có một thực trạng trái ngược đang xảy ra. Đất nước Nam bán cầu này hiện “chìm” trong mật ong manuka, dẫn tới việc giá sản phẩm giảm đột ngột gần 50% và hậu quả là hàng loạt trang trại nuôi ong phá sản. Điều gì đã và đang xảy ra với loại siêu thực phẩm quý giá mang tính biểu tượng của New Zealand khiến mọi thứ thay đổi 180 độ?

Tạo “cơn sốt” trên toàn cầu

Năm 2017, sự quan tâm trên toàn cầu đối với mật ong manuka của New Zealand bắt đầu tăng vọt. Ngôi sao quần vợt Novak Djokovic, siêu mẫu Kourtney Kardashian hay diễn viên Gwyneth Paltrow đều chia sẻ việc sử dụng mật ong manuka như một loại siêu thực phẩm, nhờ những đặc tính tốt cho sức khỏe đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. Nổi bật nhất, Tiến sĩ Peter Molan, Giáo sư Hóa sinh tại Đại học New Zealand đã phát hiện ra rằng, mật ong manuka có tính kháng khuẩn cao hơn hầu hết tất cả các loại mật ong khác, do chứa một lượng lớn hoạt chất hữu cơ Methylgluoxal.

Mật ong manuka được sử dụng ở các bệnh viện tại châu Âu và Mỹ trong việc điều trị vết thương nhờ khả năng tái tạo tế bào bị nhiễm khuẩn. Nguồn: Shutterstock.

Mật ong manuka được sử dụng ở các bệnh viện tại châu Âu và Mỹ trong việc điều trị vết thương nhờ khả năng tái tạo tế bào bị nhiễm khuẩn. Nguồn: Shutterstock.

Tuy nhiên, việc thu hoạch loại mật này khá khó khăn do hoa manuka chỉ nở trong 12 ngày, nên trữ lượng của nó chiếm vỏn vẹn 1% số mật ong trên toàn thế giới. Vì thế, mật ong manuka càng đặc, càng tinh khiết, có tính kháng khuẩn càng cao thì giá trị cũng tỉ lệ thuận với chất lượng. Nếu năm 2010, mật ong manuka có giá khoảng 21,2 USD/ kg thì đến năm 2021, các đại lý phải thu mua với giá 56,5 USD/ 1kg, tăng 2,6 lần. Đặc biệt, ở dạng tinh khiết nhất, một hũ mật ong 230 gram có giá lên tới 2.621 USD.

Báo cáo của Bộ các ngành Công nghiệp cơ bản (MPI) New Zealand cho biết, thời gian qua, nhu cầu về việc tìm kiếm thực phẩm tăng cường sức khỏe khi đại dịch bùng phát đã góp phần giúp New Zealand đạt kỷ lục về sản lượng xuất khẩu mật ong manuka và tổng doanh thu của ngành này đạt 428 triệu USD năm 2021, tăng 5,9 lần so với số liệu ghi nhận được năm 2010. Theo New Zealand Herald, sự bùng nổ của mật ong manuka đã đẩy giá mặt hàng này lên cao trên diện rộng, khiến nó nằm ngoài khả năng tiêu dùng của nhiều gia đình trong thị trường nội địa. Năm 2021, người New Zealand chỉ tiêu thụ 450 gram mật ong manuka, thấp hơn con số 750 gram của một thập kỷ trước. Không những vậy, New Zealand thời điểm đó còn chứng kiến sự lộng hành của làn sóng “tội phạm mật ong”. Các trang trại bị trộm hàng ngàn tổ ong hút mật manuka, nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm này cũng bị đánh cắp số lượng lớn. Một số báo cáo của cảnh sát New Zealand cũng xác định rằng, đã xảy ra nhiều vụ phá hoại và đầu độc hàng loạt tổ ong giữa những người nuôi ong trong bối cảnh mật càng hiếm thì giá càng tăng.

Đặc biệt, mật ong manuka còn dẫn tới một vụ kiện pháp lý giữa New Zealand và nước láng giềng Australia trong nỗ lực đăng ký thương hiệu. Theo đó, Hiệp hội Nhãn hiệu Mật ong Manuka của New Zealand (UMF) tuyên bố họ có độc quyền sở hữu đối với thương hiệu “manuka”. UMF lý giải, manuka xuất phát từ ngôn ngữ của người thổ dân Maori bản địa ở quốc gia này và mật ong manuka cũng vậy. Cụ thể, năm 1839, Mary Bumby - một nhà truyền giáo Methodist đến từ Anh quốc, người đem mật ong tới New Zealand, đã xây dựng một trang trại nuôi ong đầu tiên ở nước này. Điều đáng nói là ở gần trang trại có rất nhiều cây manuka (leptospermum scoparium) – loài cây thường được những người Maori coi là cây thuốc, vì các bộ phận như hoa, lá, vỏ, đều có thể sử dụng để làm lành vết thương. Do vậy, những giọt mật ong manuka đầu tiên trên thế giới có khả năng được sản xuất tại trang trại của bà Mary Bumby. Và từ những năm sau đó, bà Mary Bumby đã hướng dẫn những thổ dân Maori nuôi ong lấy mật manuka.

Phát ngôn viên UMF John Rawcliffe bày tỏ: “Mật ong manuka New Zealand cũng cần được bảo vệ thương hiệu như rượu vang champagne của Pháp hay thịt nguội Parma. Việc luật hóa sản phẩm theo chỉ dẫn địa lý giúp duy trì tiêu chuẩn cao cho người dùng. Rõ ràng, tôi có thể lấy một ít ngô để làm rượu whisky nhưng đó không thể được gọi là whisky Scotland”. Tuy vậy, cây manuka không chỉ có duy nhất ở New Zealand, một số vùng ven biển ở Australia cũng có loài cây này như Tasmania hay Victoria. Hiệp hội Mật ong Manuka của Australia cho rằng, mật ong manuka là một thuật ngữ thông thường, được sử dụng để mô tả mật ong làm từ cây manuka, nên việc sở hữu riêng nhãn hiệu là không thỏa đáng. Tháng 12/2021, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ của Anh đã từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu và cho biết không có bằng chứng nào thể hiện sản phẩm này là độc quyền từ New Zealand.

Mật ong manuka được sử dụng ở các bệnh viện tại châu Âu và Mỹ trong việc điều trị vết thương nhờ khả năng tái tạo tế bào bị nhiễm khuẩn. Nguồn: Shutterstock.

Mật ong manuka được sử dụng ở các bệnh viện tại châu Âu và Mỹ trong việc điều trị vết thương nhờ khả năng tái tạo tế bào bị nhiễm khuẩn. Nguồn: Shutterstock.

Hiện trạng đầy thách thức

Nghiên cứu về tính kháng khuẩn của mật ong manuka từ Giáo sư Peter Molan đã đặt nền tảng cho việc lan tỏa thương hiệu và xuất khẩu loại chế phẩm này vươn xa ngoài New Zealand và châu Đại Dương. Nhưng giờ đây, những người nuôi ong ở nước này đang phải đối mặt với một thực tế hết sức cay đắng.

Báo nông nghiệp New Zealand Farmers Weekly đưa tin, đối với những người nuôi ong, loại manuka tầm trung vốn có thể được bán với giá 65-85 USD/kg vào năm 2018 hiện đang phải chật vật để bán được với giá 25 USD/kg. Loại mật ong manuka ở phía Nam New Zealand trước đây có giá 36 USD/kg cũng giảm xuống còn 20 USD/kg. Jane Lorimer, Chủ tịch Hội những người nuôi ong New Zealand cho biết: “Mọi người nghĩ rằng mật ong manuka là con gà đẻ trứng vàng, mang lại nguồn lợi rất lớn và quả thật tình hình thời gian qua đã chứng minh điều này không sai. Tuy nhiên, khi ai ai cũng đổ dồn đầu tư vào ngành này chỉ vì lợi nhuận thì mọi chuyện đã khác hoàn toàn. Nuôi ong không phải là một công việc dễ dàng và đòi hỏi rất nhiều kiến thức cũng như kỹ năng. Năm 2020, New Zealand có gần 1 triệu tổ ong, tăng 300.000 tổ so với hai thập kỷ trước đó”.

Theo bà Jane Lorimer, nếu bạn lựa chọn khởi nghiệp bằng một trang trại nuôi ong, bạn cần nghiên cứu thị trường và đầu ra cho sản phẩm trước khi bắt tay thực hiện. Nếu mọi thứ chỉ mang tính tự phát và không có kế hoạch cụ thể, phần thua thiệt phải gánh chịu sẽ rất kinh hoàng. Còn Giám đốc điều hành của Apiculture New Zealand Karin Kos cho biết, trữ lượng mật ong manuka của nước này hiện ở mức 15.000-30.000 tấn. Theo bà Karin Kos, thông thường, New Zealand xuất khẩu 11.000 – 13.000 tấn mật ong mỗi năm, nhưng vụ mùa bội thu năm 2020 với sản lượng thu hoạch đạt 27.000 tấn nhưng nhu cầu về mật ong thời gian này giảm mạnh, đã khiến giá của loại chế phẩm này tuột dốc. Bà Karin Kos thừa nhận: “Những người nuôi ong đang tìm mọi cách để cắt giảm chi phí và thực tế là nhiều trang trại không còn đủ khả năng duy trì nên phải tuyên bố phá sản hoặc hợp nhất. Hiện nay, số lượng tổ ong tại New Zealand chỉ còn khoảng 720.000 và chắc chắn con số này sẽ tiếp tục giảm trong vài năm tới. Ước tính, để phát triển bền vững, New Zealand chỉ cần khoảng 600.000 tổ ong”.

Như vậy, nếu các nhà nghiên cứu và những người nuôi ong tại New Zealand phải mất hàng thế kỷ để có thể định vị được thương hiệu của mật ong manuka thì hiện nay công cuộc tìm lại giá trị của loại siêu thực phẩm này cũng đặt ra một bài toán phức tạp. New Zealand là nhà xuất khẩu mật ong lớn thứ ba toàn cầu trên cơ sở giá trị sau Trung Quốc và Argentina. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm của họ đều có giá trị thấp hơn đáng kể so với mật ong manuka của New Zealand. Theo giới chuyên gia, khoảng 97% doanh số thu được từ mật ong manuka đến từ 15 thị trường quốc tế, vì vậy nếu bài toán thương hiệu được giải đáp, khả năng tăng trưởng của ngành này sẽ trở lại. Được biết, chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern và một tập đoàn các công ty tư nhân đặt mục tiêu nâng cao giá trị của ngành công nghiệp mật ong manuka lên 874,7 triệu USD mỗi năm vào năm 2028. Chính vì thế, chính phủ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các thủ tục pháp lý của những nhà xuất khẩu mật ong manuka sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU), nhằm giành được thương hiệu độc quyền, bất chấp phán quyết từ Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Anh và các kháng cáo từ Australia. Nếu thành công, điều này sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn trong lĩnh vực xuất khẩu mật ong manuka. Hơn nữa, tháng 8 vừa qua, New Zealand đã chính thức mở cửa đón khách du lịch. Đây cũng là một trong những cơ sở để người dân nước này tìm cách đưa mật ong manuka đến gần hơn với khách hàng.

Nghề nuôi ong lấy mật hoa manuka tại New Zealand đang gặp “khủng hoảng” vì cung vượt cầu. Nguồn: Healthista.

Nghề nuôi ong lấy mật hoa manuka tại New Zealand đang gặp “khủng hoảng” vì cung vượt cầu. Nguồn: Healthista.

Ở nhiều thành phố, các nhà hàng hay quán café chuyên sử dụng mật ong manuka ra đời. Các trang trại nuôi ong giờ cũng trở thành những địa điểm du lịch để khách tham quan và trải nghiệm cách lấy mật. Không những vậy, có rất nhiều dòng mật ong manuka được bày bán trong các cửa hàng miễn thuế ở sân bay nước này, để bạn sẽ không phải cảm thấy tiếc nuối nếu như quá bận hay quên việc mua một hũ mật ong manuka về làm quà.

“Khi chính phủ luôn sẵn sàng đồng hành, những người nuôi ong như chúng tôi sẽ luôn tin vào “manuka””, Chủ tịch Hội những người nuôi ong New Zealand Jane Lorimer nhấn mạnh.

Linh Đan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/thang-tram-cau-chuyen-mat-ong-manuka-i671638/