Tháng 7 ở 'chảo lửa' Cò Nòi

Trong lịch sử của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), Ngã ba Cò Nòi (xã Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là một trong những trận địa ác liệt nhất, sớm nhất. TNXP cùng quân và dân anh dũng chiến đấu, hy sinh, góp phần làm nên một Ðiện Biên Phủ 'lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu'.

 Tượng đài TNXP tại Ngã ba Cò Nòi.

Tượng đài TNXP tại Ngã ba Cò Nòi.

Từ “chảo lửa” đến di tích lịch sử quốc gia

Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi nằm bên sườn đồi, ở điểm giao nhau giữa quốc lộ 6 (nối từ TP Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc) và Quốc lộ 37 (nối từ cảng Diêm Điền, tỉnh Hưng Yên đến bản Cò Nòi, xã Mai Sơn, Sơn La). Đây là nơi mà người dân tỉnh Sơn La và nhiều đoàn khách Trung ương và các tỉnh đến dâng hương vào các dịp lễ trọng của đất nước. Đặc biệt, trong những ngày tháng 7 này, khi cả nước đang hướng đến kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, khu di tích đón đông người dân, cựu chiến binh, cựu TNXP… đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Giữa hè nhưng tiết trời ở Ngã ba Cò Nòi mát mẻ. Mùi hương được ai đó mới thắp trên tượng đài lồng vào trong gió như muốn níu bước chân du khách chậm lại. Vừa dẫn tôi đi tham quan khu di tích lịch sử, ông Phạm Anh Minh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông xã Mai Sơn (tỉnh Sơn La) kiêm Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, chia sẻ, ngã ba Cò Nòi nằm ở vị trí chiến lược, là điểm giao giữa đường 13 (từ Chiến khu Việt Bắc sang, nay là Quốc lộ 37) và đường 41 (Quốc lộ 6 ngày nay, từ đồng bằng, Liên khu 3, Liên khu 4 lên). Có thể nói, các hướng đến Điện Biên Phủ lúc đó đều phải qua Cò Nòi.

“Tài liệu lịch sử ghi lại và được lưu giữ tại Khu di tích cho thấy, thực dân Pháp xác định, có cắt đứt được đường vận chuyển tại ngã ba Cò Nòi hay không sẽ quyết định thành bại ở Điện Biên Phủ. Vì vậy, chúng đã huy động tối đa không quân, sử dụng các loại bom có sức hủy diệt lớn để đánh phá trọng điểm này. Vì vậy, nơi đây đã trở thành “chảo lửa” hay “cửa tử”, “túi bom” không khác gì ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) trong kháng chiến chống Mỹ”, ông Minh nói.

Ông Minh nói thêm, để cắt nguồn cung cấp hậu cần, vũ khí của ta cho chiến trường Điện Biên Phủ, mỗi ngày, thực dân Pháp trút gần 70 tấn bom xuống ngã ba Cò Nòi. “Nơi đây đã có hơn 100 TNXP anh dũng hy sinh. Nếu tính cả dân thường, tại ngã ba Cò Nòi có hàng nghìn người ngã xuống vì bom đạn của thực dân Pháp”, ông Minh cho biết. Theo lời kể của các cựu TNXP hoạt động tại Cò Nòi mà chúng tôi gặp trước đây, thời điểm đó, máy bay Pháp thả bom liên tục từ sáng đến chiều tối. Những cánh rừng quanh ngã ba bị quật trọc như nương mới cày. Nhưng khi bom vừa ngớt, TNXP từ khắp các lán trại, hang đá đổ ra vá đường. Đường vá đến đâu, bộ đội rồi dân công tải đạn pháo, thực phẩm trên xe thồ chen chúc tiến lên. Dòng người cứ thế kéo dài suốt đêm, hướng về Điện Biên Phủ.

Để tưởng nhớ những cống hiến, hy sinh của lực lượng TNXP góp phần vào thắng lợi lẫy lừng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 2000, tỉnh Sơn La đã xây dựng Đài tưởng niệm TNXP tại ngã ba Cò Nòi. Dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004), Đài tưởng niệm TNXP ngã ba Cò Nòi được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cấp Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Ông Minh cho hay, Đài tưởng niệm TNXP được xây dựng bên cạnh Ngã ba Cò Nòi trên diện tích 20.000m2. Cụm tượng đài được xây dựng với nhóm tượng 3 nam TNXP cao 12 mét, đặt trên bệ khối đá nặng 280 tấn. Cùng với tượng đài là hai bức phù điêu thể hiện hình ảnh toàn dân ra trận chiến đấu, chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ…

Ông Minh dẫn tôi đi thăm Nhà trưng bày của Khu di tích - nơi đang bảo quản 28 hiện vật được trưng bày (gồm 15 hiện vật và 13 tư liệu ảnh). Theo ông Minh, thực hiện dự án bảo tồn tôn tạo khu di tích, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang tiếp tục sưu tầm các hiện vật có giá trị về TNXP chiến đấu tại đây. Trong những hiện vật đó có “Thư gửi U” của một TNXP tái hiện giai đoạn chiến đấu ác liệt.

Thư có đoạn viết: “Từ những ngày mở đường Tây Bắc, rồi chiến đấu gian khổ với bom đạn địch để đảm bảo giao thông cho Chiến dịch Điện Biên Phủ gay go, đơn vị con làm nhiệm vụ giữ đèo, khó khăn, gian khổ. Có những lần, con và anh em trong đơn vị rà, phá bom nổ chậm, trong lúc trên đầu máy bay địch đến bắn phá và thả hàng tấn bom hòng chặn đường tiếp tế của ta. Nhưng anh em trong đơn vị đã quyết tâm đảm bảo không để một đêm nào tắc cả…”.

 Toàn cảnh Khu di tích Ngã ba Cò Nòi.

Toàn cảnh Khu di tích Ngã ba Cò Nòi.

Cựu TNXP vui mừng, tuổi trẻ hôm nay tiếp bước

Để phát huy giá trị của di tích, tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục tôn tạo, mở rộng di tích. Dự án tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi giai đoạn 2 có tổng kinh phí khoảng 61 tỷ đồng, đầu tư vào các hạng mục: tháp chuông, khu công viên chứng tích, tôn tạo tượng đài TNXP… Dự kiến đến tháng 12 tới sẽ hoàn thành.

“Ngã ba Cò Nòi mãi mãi là cột mốc lịch sử trường tồn của đất nước, của dân tộc Việt Nam, biểu thị cho tinh thần, ý chí bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và vẻ đẹp của non sông gấm vóc. Ðây là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc của quân, dân ta; là mạch nguồn bồi đắp, giáo dục truyền thống yêu nước, tình cảm cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.

Anh Nguyễn Thanh Lâm, Bí thư Ðoàn xã Mai Sơn

Hơn 71 năm qua, Ngã ba Cò Nòi đã trở thành địa chỉ đỏ trong những trang sử vàng của dân tộc, là nơi ghi dấu những chiến công đặc biệt tiêu biểu của lực lượng TNXP, của quân và dân ta trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chúng tôi may mắn gặp được ông Lò Văn Pọm (bản Cò Nòi, xã Mai Sơn; người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ làm giao liên dẫn bộ đội, dân công từ ngã ba Cò Nòi lên Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Dù đã 94 tuổi, sức khỏe yếu, nhưng nghe tin Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi được xây dựng khang trang, đúng với tầm vóc giá trị lịch sử của nó, ông rất vui sướng. Ông Pọm cho hay, có sống và chiến đấu ở thời kỳ ác liệt đó mới thấm được những chiến công vẻ vang năm xưa của lực lượng TNXP tại đây. Những chiến công anh dũng của lực lượng TNXP đã khắc sâu trong ký ức của đồng bào Tây Bắc và người dân cả nước. Chiến công vẻ vang đó phải được tái hiện để trở thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

 Khu di tích Ngã ba Cò Nòi địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Khu di tích Ngã ba Cò Nòi địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi mỗi năm đón hàng nghìn người dân, cựu chiến binh cựu TNXP đến tham quan. Anh Nguyễn Thanh Lâm, Bí thư Đoàn xã Mai Sơn (tỉnh Sơn La), chia sẻ, thế hệ trẻ xã nhà rất tự hào về tinh thần yêu nước, sự quả cảm và ý chí bất khuất, kiên cường của những TNXP đã không tiếc tuổi thanh xuân, cống hiến máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Anh Lâm cho biết, chào mừng 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Huyện đoàn Mai Sơn lúc đó đã cho ra mắt công trình thanh niên số hóa giới thiệu về Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi. Công trình được thiết kế dưới dạng Infographic gồm 18 trang, màu sắc đa dạng, nội dung chủ đạo được nhấn mạnh bằng chữ kích thước to, màu sắc nổi bật kèm hình ảnh minh chứng sắc nét, dễ hình dung, làm nổi bật giá trị lịch sử của địa danh ngã ba Cò Nòi. Anh Lâm nói, đoàn viên thanh niên địa phương sẽ tiếp tục tham gia gìn giữ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích để tri ân những hy sinh mất mát và lan tỏa tinh thần xung kích của các cựu TNXP đến thế hệ trẻ hôm nay.

Viết Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thang-7-o-chao-lua-co-noi-post1764103.tpo