Tham vọng đưa NIC trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo tầm khu vực
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, tham vọng trong thời gian tới là đưa Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia trở thành trung tâm đẳng cấp khu vực, giúp Việt Nam trở thành điểm đến của ĐMST khu vực và thế giới.
Trong 2 ngày 1-2/10, lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Ngày hội Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam 2024 sẽ được tổ chức tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Sự kiện dự kiến sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế. Nhân dịp này, Chủ tịch Quan hệ toàn cầu của Tập đoàn Meta sẽ tới dự sự kiện và công bố các cam kết lâu dài của Meta tại thị trường Việt Nam.
NIC được thành lập ngày 2/10/2019 tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học và công nghệ.
Sau 5 năm thành lập, Trung tâm đã từng bước khẳng định vai trò đầu mối quốc gia về ĐMST, là đơn vị dẫn dắt kết nối hệ sinh thái ĐMST hoàn chỉnh cho Việt Nam. NIC đã xây dựng được chính sách trong ĐMST để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã hoàn thiện hạ tầng các cơ sở hoạt động; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho ĐMST; phát triển hệ sinh thái ĐMST Việt Nam với đầy đủ các chủ thể tham gia; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam...
Cụ thể, về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, NIC đã hỗ trợ, ươm tạo hơn 1.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (start-up); hỗ trợ kết nối hơn 1.500 start-up; tổ chức đào tạo thông qua 30 chương trình, dự án, hoạt động.
Về kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: Đã kết nối 50 doanh nghiệp, tập đoàn, hơn 200 quỹ đầu tư, khoảng 10 viện, trường; phát triển mạng lưới 2.000 chuyên gia, trí thức tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Đồng thời, ký kết hơn 50 biên bản ghi nhớ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để thiết lập quan hệ đối tác, hợp tác thực hiện các chương trình, hoạt động, dự án.
Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Trung tâm đã phối hợp với các đối tác đào tạo, các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để phát triển nguồn nhân lực cho ĐMST, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường lao động công nghệ cao. Trong đó, Trung tâm đã tập trung triển khai nhiệm vụ lớn là xây dựng Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024.
Về vận hành, phát triển Mạng lưới ĐMST Việt Nam, Trung tâm đã bám sát các chủ trương, chính sách nhằm phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn, các viện nghiên cứu, trường đại học đầu ngành để tham gia thúc đẩy và kết nối với hệ thống ĐMST trong nước.
Không thỏa mãn khi thách thức là rất lớn
Trước sự kiện kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh thành tựu và định hướng hoạt động của Trung tâm.
Sau 5 năm thành lập, Bộ trưởng đánh giá NIC đã để lại những dấu ấn gì trong việc kết nối các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: NIC là hạt nhân của hệ sinh thái, với nhiệm vụ kết hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp, viện - trường đến các trung tâm nghiên cứu, tổ chức tài chính, các đơn vị hỗ trợ ươm tạo… để hỗ trợ nghiên cứu công nghệ mới, start-up, hỗ trợ các doanh nghiệp. Mục đích chính của NIC là dẫn dắt, xây dựng, phát triển hệ sinh thái, dẫn dắt ĐMST của Việt Nam. Hiện nay, NIC được quốc tế đánh giá rất cao.
5 năm qua, NIC đã vượt qua muôn vàn khó khăn để hoạt động. Với sự ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, đến nay, cơ bản bước đầu đã có những thể chế cho ĐMST nói chung. Về cơ sở vật chất, đã hình thành 2 cơ sở, một là ở tòa nhà Tôn Thất Thuyết, hoạt động rất hiệu quả, được coi là một trong những trung tâm tốt nhất Việt Nam hiện nay.
Còn cơ sở Hòa Lạc được xây dựng rất quy mô với sự tài trợ của nước ngoài, với 9 ngành công nghệ mũi nhọn ưu tiên lựa chọn đang dần hình thành. Tòa nhà này đến nay đã được tổ chức xếp hạng của thế giới đặt tại Singapore bình chọn là một trong 2 tòa nhà thương mại tốt nhất châu Á 2024.
Hoạt động của NIC rất mới, phải làm nhiều việc như hình thành thể chế, xây dựng cơ sở vật chất, bộ máy. Quan trọng nhất là chúng ta không chờ đợi xong cái này mới làm cái kia, mà làm song song. Khi xây dựng cơ sở vật chất thì chúng ta vẫn tổ chức hoạt động liên quan đến ĐMST, hội nghị, hội thảo tư vấn, ươm tạo, hỗ trợ cho start-up, tổ chức diễn đàn cho các quỹ đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ đã được hưởng lợi từ Trung tâm, nhất là trong hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp.
Trong thời gian ngắn, NIC đã làm được rất nhiều việc, nhưng đây mới là khởi đầu. Chúng ta không nên thỏa mãn khi thách thức đặt lên vai rất nặng nề, làm sao phải trở thành trung tâm hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, kết nối với các trung tâm trong và ngoài nước; là cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, viện-trường trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm…; làm sao trở thành trung tâm đẳng cấp khu vực, giúp Việt Nam trở thành điểm đến của ĐMST khu vực và thế giới. Đó là tầm nhìn và tham vọng mà chúng tôi đang thực hiện hằng ngày hằng giờ, trước mắt là hình thành 9 ngành công nghệ đã xác định ưu tiên lựa chọn.
Để thúc đẩy hoạt động ĐMST nói chung và của NIC nói riêng, Bộ KH&ĐT có chiến lược, kế hoạch như thế nào trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trước hết, cần hình thành cơ chế chính sách cho đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, làm sao vận hành tốt nhất theo chuẩn quốc tế.
Thứ hai, về cơ sở vật chất, phải hoàn chỉnh các trung tâm nghiên cứu, phòng lab, khu nhà ở cho chuyên gia để giữ chân chuyên gia.
Thứ ba là nhanh chóng hình thành 9 ngành công nghệ, trong đó có sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, môi trường, y tế, bán dẫn, hydrogen…
Sắp tới, NIC còn được giao một nhiệm vụ quan trọng là quản lý chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Đây là mục tiêu rất tham vọng, chiến lược, đó là từ nay đến 2050, đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn, cung cấp cho thị trường Việt Nam và có thể là nước ngoài.
Chúng ta đang có nguồn lực rất mạnh là con người, nhưng phải khai thác triệt để. Nhu cầu rất lớn, con người rất sẵn, chúng tôi tin tưởng là sẽ đào tạo thành công, nhanh chóng vươn lên, chiếm lĩnh trong chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn./.