Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu

Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định thời hạn bổ nhiệm lần đầu 5 năm đối với Thẩm phán là cần thiết, bảo đảm thận trọng, giúp Thẩm phán tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gửi các đại biểu Quốc hội. Theo nghị trình, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật này vào sáng 28-5 và bấm nút thông qua sáng ngày 24-6.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập đến các vấn đề đang còn ý kiến khác nhau của dự thảo, trong đó có quy định về ngạch, bậc Thẩm phán (Điều 88, Điều 90).

2 ngạch Thẩm phán

Dự thảo Luật do TAND Tối cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 quy định: Thẩm phán có 2 ngạch (ngạch Thẩm phán TANDTC và ngạch Thẩm phán). Về bậc Thẩm phán, Thẩm phán TAND Tối cao có 2 bậc; Thẩm phán có 9 bậc.

Quá trình tiếp thu, chỉnh lý, TAND Tối cao tiếp tục đề nghị quy định 2 ngạch Thẩm phán. Riêng bậc Thẩm phán, cơ quan soạn thảo đề nghị giao: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc Thẩm phán theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay nhiều ý kiến tán thành quy định ngạch, bậc Thẩm phán trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến không tán thành. Trong đó, có ý kiến cho rằng tiêu chí nâng bậc Thẩm phán chưa rõ ràng, chưa thống nhất với Luật Cán bộ, công chức. Một số ý kiến đề nghị quy định ngạch, bậc của Thẩm phán phải gắn với cải cách tiền lương.

Ngoài ra, một số ý kiến băn khoăn về bậc Thẩm phán; chưa rõ bố trí ngạch, bậc Thẩm phán tại các cấp Tòa án; đề nghị việc nâng bậc Thẩm phán phải qua thi nâng bậc.

 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định quy định Thẩm phán TAND gồm 2 ngạch là Thẩm phán TAND Tối cao và Thẩm phán. Ảnh: HOÀNG GIANG

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định quy định Thẩm phán TAND gồm 2 ngạch là Thẩm phán TAND Tối cao và Thẩm phán. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng khác với công chức hành chính khác, Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm, là chức danh tư pháp đặc thù, trực tiếp xét xử và phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình khi xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

Quy định này cơ bản phù hợp với đặc thù công tác xét xử; khắc phục được nhiều vướng mắc, bất cập hiện nay trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách đối với Thẩm phán. Đồng thời góp phần nâng cao niềm tin đối với Thẩm phán; khuyến khích Thẩm phán phấn đấu, yên tâm công tác.

Với những phân tích trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. Theo đó, quy định Thẩm phán TAND gồm 2 ngạch là Thẩm phán TAND Tối cao và Thẩm phán.

Về bậc Thẩm phán, dự thảo Luật giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc Thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc Thẩm phán theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.

Về việc này, cơ quan thường trực của Quốc hội cho rằng do dự thảo Luật quy định ngạch Thẩm phán TAND Tối cao và ngạch Thẩm phán nên cần thiết phải quy định các bậc Thẩm phán để xác định thẩm quyền xét xử tại từng cấp Tòa án và sắp xếp vị trí việc làm theo Nghị quyết 27-NQ/TW về chính sách cải cách tiền lương…

Quy định này cũng phù hợp với Nghị quyết 27 NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó ghi rõ: “… tăng cường phân cấp, phân quyền…”; góp phần để Thẩm phán phấn đấu, rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ, nghiệp vụ; tạo điều kiện cho Thẩm phán trưởng thành từ vị trí thấp lên vị trí cao và bảo đảm chế độ chính sách cho Thẩm phán yên tâm công tác.

Đây cũng là cơ sở cho việc sắp xếp vị trí việc làm đối với từng bậc Thẩm phán, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ lập luận trên, cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đề nghị chỉnh lý khoản 2 Điều 90 theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc Thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.

Liên quan đến việc bố trí bậc Thẩm phán tại các cấp Tòa án, theo quy định của Luật hiện hành và dự thảo, TAND Tối cao quản lý các Tòa án về tổ chức. Trên cơ sở số lượng Thẩm phán và cơ cấu tỷ lệ bậc Thẩm phán tại từng cấp Tòa án được cơ quan có thẩm quyền quyết định, Chánh án TAND Tối cao sẽ phân bổ Thẩm phán cho các Tòa án, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao, phù hợp với bậc Thẩm phán.

Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán, Luật hiện hành quy định: “Nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm”.

Còn theo dự thảo Luật, Thẩm phán TAND Tối cao làm việc đến khi nghỉ hưu; Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật về nhiệm kỳ Thẩm phán. Có ý kiến đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán một lần đến khi nghỉ hưu.

Một số ý kiến không tán thành dự thảo Luật, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật có thể ảnh hưởng đến sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của Thẩm phán.

Có ý kiến đề nghị Thẩm phán xét xử oan, sai thì phải có biện pháp xử lý; cần xem xét tính tương thích về nhiệm kỳ Thẩm phán với nhiệm kỳ của người giữ chức vụ, chức danh tư pháp khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Thẩm phán là chức danh tư pháp đặc thù do Chủ tịch nước bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ khác theo quy định của luật. Thẩm phán có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Quy định như dự thảo Luật là tiếp tục đổi mới về nhiệm kỳ Thẩm phán và thể chế hóa Nghị quyết 27: “Đổi mới… thời hạn bổ nhiệm… nhất là đối với đội ngũ Thẩm phán”.

“Quy định này không ảnh hưởng đến sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của Thẩm phán; tạo điều kiện để Thẩm phán thực sự yên tâm công tác, góp phần bảo đảm nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; giảm thủ tục, thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm lại”- theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng theo cơ quan thường trực của Quốc hội, Thẩm phán chịu sự giám sát của Nhân dân, cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định. Thẩm phán có vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị miễn nhiệm, cách chức theo quy định của dự thảo Luật.

Thẩm phán kết án oan người vô tội thì bên cạnh việc xử lý trách nhiệm, Thẩm phán còn phải thực hiện trách nhiệm bồi hoàn theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

“Việc quy định thời hạn bổ nhiệm lần đầu 5 năm đối với Thẩm phán là cần thiết, bảo đảm thận trọng, giúp Thẩm phán tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm”- Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm và giữ như quy định của dự thảo Luật.

Báo cáo, thông báo khi Thẩm phán vi phạm pháp luật hình sự

Liên quan đến thông tin Thẩm phán vi phạm pháp luật, Điều 105 quy định: Trường hợp Thẩm phán TAND Tối cao bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải báo cáo ngay Chủ tịch nước biết.

Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán TAND Tối cao thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải báo cáo để Chủ tịch nước biết.

Ngoài ra, điều luật cũng quy định trường hợp Thẩm phán bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải thông báo ngay cho Chánh án TAND Tối cao biết.

Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải thông báo cho Chánh án TAND Tối cao biết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay một số ý kiến tán thành dự thảo Luật quy định trên của dự thảo. Một số ý kiến đề nghị không quy định nội dung này; có ý kiến đề nghị làm rõ cơ quan nào có trách nhiệm báo cáo, thông báo.

Đánh giá quy định trên là “cần thiết”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như quy định của dự thảo Luật.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tham-phan-duoc-bo-nhiem-lai-co-nhiem-ky-den-khi-nghi-huu-post792227.html