Tham gia dự án EPA: Nhiều triển vọng cho sinh viên tốt nghiệp ngành điều dưỡng

Ứng viên EPA được hỗ trợ phần lớn chi phí khi tham gia chương trình, được đào tạo tiếng Nhật miễn phí và thêm nhiều đãi ngộ khác.

Chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc Việt Nam sang học tập và làm việc tại Nhật Bản (EPA) được triển khai dựa trên Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.

Sinh viên tốt nghiệp ngành điều dưỡng “rộng cửa” việc làm tại Nhật Bản

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ishii Chikahisa - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, EPA là dự án do hai Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam trực tiếp thực hiện dựa trên Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Dự án này bắt đầu tiếp nhận ứng viên từ năm 2014. Qua 10 năm, đến nay đã có gần 2.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng từ các trường cao đẳng hoặc đại học của Việt Nam sang Nhật Bản làm việc với tư cách ứng viên EPA.

Ông Ishii Chikahisa - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Thi Thi.

"EPA là một chương trình chất lượng cao được Chính phủ hai nước trực tiếp phối hợp thực hiện trong tất cả các khâu. Vì vậy, có thể khẳng định, trong những chương trình đến Nhật Bản làm việc thì EPA là chương trình an toàn và yên tâm nhất", ông Ishii Chikahisa nhấn mạnh.

Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng chia sẻ thêm một số điểm nổi bật của chương trình EPA. Theo đó, các ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, nếu được tuyển chọn, sẽ tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng. Trong thời gian đào tạo, học viên cũng được cung cấp miễn phí chỗ ăn, ở và hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt phí (khoảng 220.000 đồng/ngày). Mục tiêu của các ứng viên tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật 12 tháng trước khi xuất cảnh là thi đạt cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT (Japanese Language Proficiency Test).

Những ứng viên đạt cấp độ N3 kỳ thi năng lực Tiếng Nhật sẽ được giới thiệu tới làm việc tại các bệnh viện, các cơ sở chăm sóc điều dưỡng của Nhật Bản. Ứng viên EPA cũng được miễn phí vé máy bay hai chiều, chi phí xin visa.

"Sau khi ứng viên nhập cảnh vào Nhật Bản, trong suốt thời gian làm việc tại cơ sở chăm sóc điều dưỡng hoặc bệnh viện, Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ để họ thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản ngành điều dưỡng, nhân viên chăm sóc. Điều này giúp ứng viên có cơ hội tiếp thu kiến thức và nâng cao kỹ năng chuyên môn một cách vững vàng nhất", ông Ishii cho biết thêm.

Điểm khác biệt về điều kiện tham gia khóa điều dưỡng và nhân viên chăm sóc theo chương trình EPA:

* Đối với ứng viên điều dưỡng:

- Sinh viên đã tốt nghiệp ngành điều dưỡng các trường cao đẳng, đại học.

- Có kinh nghiệm làm điều dưỡng từ 2 năm.

- Có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng của Việt Nam.

* Đối với ứng viên nhân viên chăm sóc:

- Sinh viên đã tốt nghiệp ngành điều dưỡng các trường cao đẳng, đại học.

Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, ứng viên sẽ tiếp tục học tập nhằm thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản ngành điều dưỡng, nhân viên chăm sóc để có thể làm việc lâu dài tại đây. Nếu thi đạt chứng chỉ quốc gia, mức lương và các chế độ đãi ngộ sẽ được cải thiện đáng kể, đồng thời cơ hội thăng tiến trong công việc cũng rất rộng mở. Lúc này, họ có thể đón gia đình sang sinh sống tại Nhật Bản.

Chương trình EPA được đánh giá là cơ hội việc làm hấp dẫn để sinh viên tốt nghiệp ngành điều dưỡng của Việt Nam có điều kiện nâng cao tay nghề, kỹ năng và đạt được mức thu nhập tốt.

Mức lương của ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc Việt Nam tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật nước này. Tuy nhiên, mức lương thông thường của ứng viên điều dưỡng là từ 160.000-180.000 yên Nhật/tháng (khoảng từ 26-29 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, còn có thêm khoản phụ cấp, tiền thưởng, mức thu nhập có thể đạt 235.000 yên Nhật/tháng (khoảng hơn 38 triệu đồng).

Nhân viên chăm sóc có mức lương từ 180.000-190.000 yên Nhật/tháng (khoảng từ 29-31 triệu đồng/tháng). Cộng thêm các khoản phụ cấp, tiền thưởng, mức thu nhập có thể đạt 291.000 yên Nhật/tháng (khoảng hơn 47 triệu đồng).

Lưu ý, mức lương trên có thể thay đổi tùy theo cơ sở tiếp nhận và được chi trả cho ứng viên phù hợp với quy định của pháp luật Nhật Bản.

Chương trình EPA chú trọng chất lượng nguồn nhân lực

Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình EPA đã đưa gần 2.000 ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Đặc biệt, các ứng viên Việt Nam đạt tỉ lệ thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản rất cao. Được biết, năm 2023, số nhân viên chăm sóc Việt Nam đạt tỷ lệ thi đỗ chứng chỉ quốc gia là 96,1%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ thi đỗ toàn ngành bao gồm cả thí sinh người Nhật là 84,3%; còn ứng viên điều dưỡng Việt Nam đạt tỉ lệ thi đỗ gần 50%.

Ứng viên EPA khóa 11. Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cung cấp.

Ông Ishii đánh giá, ứng viên EPA Việt Nam đạt tỷ lệ đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản cao nhất so với các ứng viên EPA đến từ các quốc gia khác. Đồng thời, nhiều bệnh viện và viện dưỡng lão nơi tiếp nhận các ứng viên Việt Nam đánh giá cao cách làm việc chắc chắn và tận tâm của họ. Vì vậy, nhu cầu tiếp nhận phía Nhật Bản luôn cao hơn nhiều so với số lượng ứng viên Việt Nam thực tế ứng tuyển vào chương trình.

Ngoài ra, theo tìm hiểu, yêu cầu đối với ứng viên tham gia chương trình EPA khá cao và thời gian chờ đến khi xuất cảnh dài hơn so với chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

Về điều này, ông Ishii lý giải: "Chế độ thực tập kỹ năng nhằm giúp thực tập sinh nước ngoài nâng cao kỹ năng nghề và năng lực tiếng Nhật nhưng không đặt ra các yêu cầu cao như chương trình EPA. Các ứng viên có nguyện vọng tham gia chương trình thực tập kỹ năng sẽ được doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam đủ điều kiện tuyển chọn, đào tạo và phái cử sang Nhật Bản và ứng viên phải tự chi trả các khoản phí dịch vụ theo quy định.

Trong khi đó, chương trình EPA được Chính phủ hai nước trực tiếp triển khai và hỗ trợ phần lớn kinh phí. Để tham gia chương trình này, ứng viên cần phải tốt nghiệp ngành điều dưỡng hệ đại học hoặc cao đẳng. Sau khi trúng tuyển, ứng viên cần tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật trước khi xuất cảnh và phải thi đạt N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT. Sau khi tới Nhật Bản, ứng viên sẽ vừa làm việc vừa học tập và hướng tới mục tiêu thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản ngành điều dưỡng, nhân viên chăm sóc và được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò của đội ngũ chuyên môn cốt cán tại Nhật Bản.

Sau khi thi đạt chứng chỉ quốc gia, tiền lương, đãi ngộ của bạn sẽ tăng lên và bạn có thể đưa gia đình sang Nhật Bản. Bạn có thể làm việc lâu dài tại đây và sinh sống cùng gia đình. Đây là điều mà chế độ thực tập kỹ năng không thể có được.

So với thực tập sinh kỹ năng, ứng viên EPA có thời gian học tập dài hơn, nhưng tôi nghĩ điều này là tất nhiên vì mục đích và vai trò của hai chương trình hoàn toàn khác nhau".

Thực tế các ứng viên Việt Nam có sự nỗ lực học tiếng Nhật trong thời gian tham gia khóa đào tạo trước khi xuất cảnh. "Tôi cho rằng khi tham gia chương trình EPA, ứng viên cần tham dự khóa đào tạo tiếng Nhật trước khi xuất cảnh và đạt được năng lực tiếng Nhật nhất định để tránh gặp phải những khó khăn sau khi nhập cảnh Nhật Bản", Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhận định thêm.

Một số giải pháp "gỡ khó"

Theo thống kê số trường có ứng viên tham gia chương trình EPA từ khóa 1 - khóa 12, có 44 trường cao đẳng và 33 trường đại học. Mặc dù được đánh giá là một chương trình mang lại nhiều lợi ích nhất cho ứng viên, nhưng số ứng viên tham gia trong những năm gần đây có xu hướng giảm.

Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cung cấp.

Về điều này, theo ông Ishii bày tỏ: "Trong các cuộc thảo luận với một số trường cao đẳng, đại học, chúng tôi được biết một trong những lý do dẫn đến điều đó là vì có một số ứng viên e ngại rằng phải mất khá nhiều thời gian để học tập trước khi xuất cảnh sang Nhật Bản. Tuy nhiên, tôi cho rằng khi ứng viên trải qua khóa đào tạo tiếng Nhật trước khi xuất cảnh và đạt được năng lực tiếng Nhật nhất định thì sẽ sớm hòa nhập với cuộc sống và công việc ở Nhật Bản. Họ cũng sẽ dễ đạt tới mục tiêu thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản và được hưởng mức đãi ngộ tốt hơn.”

Ông Ishii cho biết, thời gian tới, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ báo cáo các Bộ, ngành phía Nhật Bản để xem xét một cách thấu đáo về việc liệu có thể rút ngắn “thời gian chờ đến khi xuất cảnh” của ứng viên EPA hay không. Đồng thời, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng sẽ nỗ lực tăng cường công tác truyền thông để phản ánh đầy đủ, chính xác tính ưu việt của chương trình EPA so với các chương trình khác.

Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định, chương trình EPA có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nhân lực.

Hiện, chương trình EPA đang tuyển ứng viên khóa 13, với yêu cầu ứng viên dưới 35 tuổi, đã tốt nghiệp ngành điều dưỡng, trình độ cao đẳng hoặc đại học. Lịch thi tuyển dự kiến vào tháng 11/2024. Từ tháng 12/2024 đến tháng 12/2025, ứng viên tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật trước khi xuất cảnh. Hạn nộp hồ sơ đến 31/10/2024.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tham-gia-du-an-epa-nhieu-trien-vong-cho-sinh-vien-tot-nghiep-nganh-dieu-duong-post242938.gd