Thái Nguyên: Tăng cường giám sát triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia

Ngày 18/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG)

Theo đó, các chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) được đưa vào giám sát gồm: Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện Đại Từ.

Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chủ trì Hội nghị. Tham gia Đoàn giám sát có các ĐBQH: Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đoàn giám sát Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị giám sát 3 Chương trình MTQG tại huyện Đại Từ

Nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG, huyện Đại Từ đã kiện toàn kịp thời Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 cấp huyện và tại 28/28 xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Việc triển khai các chương trình MTQG góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện tăng trưởng bền vững.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Đại Từ giảm còn 5,71%, đạt 177,5% so với kế hoạch tỉnh giao. Các dự án thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tại 23 xã. Đến hết tháng 3/2023, huyện có 26/28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2023, Đại Từ phấn đấu đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM.

Tại Hội nghị, đại diện huyện Đại Từ đã làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm, như: Việc ban hành văn bản triển khai các chương trình MTQG; khó khăn trong công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vướng mắc trong lồng ghép nguồn vốn các chương trình MTQG; định hướng của huyện về phát triển các sản phẩm OCOP…

Một số khó khăn, hạn chế trong triển khai các chương trình MTQG cũng được huyện chỉ ra, như: Một số bộ, ngành Trung ương chậm ban hành văn bản quy định tiêu chí và hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 nên công tác triển khai của địa phương gặp khó khăn; ngân sách Trung ương phân bổ còn chậm và mức kinh phí phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu theo tiến độ; việc huy động các nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTM còn khó khăn…

Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận những ý kiến của lãnh đạo huyện Đại Từ để chuyển đến các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; đồng thời xem xét, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai thực hiện các chương trình MTQG.

Trước đó, theo báo cáo của huyện Đại Từ, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2022, địa phương được giao trên 23 tỷ đồng để thực hiện các dự án. Trong đó, ngân sách Trung ương là gần 20,3 tỷ đồng; ngân sách địa phương là trên 2,8 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình, như: Do chưa có định mức cụ thể hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất nên huyện không có cơ sở để rà soát hộ thiếu đất sản xuất và thực hiện phân bổ nguồn vốn cho các xã thực hiện; việc giải ngân nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn…

Năm 2023, tổng nguồn vốn phân bổ để thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện Đại Từ là trên 20 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là trên 17,5 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hỗ trợ là trên 1,7 tỷ đồng; số còn lại là ngân sách huyện. Từ nguồn vốn này, huyện dự kiến tập trung triển khai các dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư tạo sinh kế, phát triển KT-XH nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn… Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao hơn nữa đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Cụ thể: Có 10 xã đạt chuẩn NTM, 09 xã NTM nâng cao, 04 xã NTM kiểu mẫu; 25 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu; huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM, đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn huyện NTM; giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 2,17%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn một số khó khăn, vướng mắc như: Thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và một số văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh và các sở, ngành nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao năm 2022.

Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thái Nguyên được thông qua tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIV

Tính đến hết tháng 1/2023, tỉnh Thái Nguyên đã giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt 67,21% (vốn đầu tư công đạt 84,71%, vốn sự nghiệp đạt 36,45%). Cụ thể Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững đạt 27,55%; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đạt 53,24%; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt 87,27%.

Để hoàn thành được mục tiêu kế hoạch năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên, ngày 24/2/2023, UBND tỉnh ban hành văn bản số 20/TB-UBND yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thái Nguyên và Ban Chỉ đạo Xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM năm 2023; các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện việc rà soát hệ thống văn bản, kịp thời ban hành, điều chỉnh hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành điều chỉnh các văn bản, hướng dẫn để đảm bảo triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về các nội dung, nhiệm vụ được giao phụ trách đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra; định kỳ hàng tháng báo cáo tiến độ thực hiện về cơ quan thường trực Chương trình.

Nguyễn Liên

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/thai-nguyen-tang-cuong-giam-sat-trien-khai-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-375486.html