Thái Nguyên: Làm rõ về công trình kênh mương nông thôn mới bị vỡ

Kênh mương nông thôn mới ở huyện Định Hóa đưa vào sử dụng được 2 năm đã bị vỡ.

Xả nước cũng gãy mương

Để làm rõ những thông tin này, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đến xóm Tân Tiến 1, xã Tân Dương, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), nơi xảy ra sự cố như thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội.

Thực tế tại hiện trường, đoạn kênh mương tưới tiêu cho cánh đồng xóm Tân Tiến 1 bị vỡ, đứt gẫy là có thật, chiều dài khoảng 60m. Bằng mắt thường cũng có thể thấy phần mương tiếp giáp với đoạn đã bị nứt vỡ, dài khoảng gần 100m cũng có dấu hiệu bị nghiêng ra phía ruộng.

Theo lời kể của những người dân ở xóm Tân Tiến 1, đoạn mương dẫn nước bị vỡ từ ngày 16/2 (tức mùng 5 Tết nguyên đán). Trong quá trình dẫn nước vào cánh đồng để bà con nhân dân sản xuất vụ Xuân, tuy nhiên dòng nước chảy từ kênh vào quá to, dẫn tới nước chảy tràn ra ngoài, ngấm ra nền đất xung quanh. Do nền móng của mương nước yếu đã làm cho mương nước bị sụt, gẫy và vỡ xuống ruộng.

Ngay sau đó, chính quyền xã Tân Dương và xóm Tân Tiến 1 đã thuê máy xúc đào tạm một mương nước ngay trên nền đường nội đồng, để đảm bảo cung cấp đủ nước cho bà con nhân dân gieo cấy đúng thời vụ.

Đoạn mương được đào tạm thời trên đường nội đồng thay cho đoạn mương bị sụt lún, nứt vỡ bênh cạnh. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhà nước hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng tiền vật liệu

Để làm rõ những nội dung liên quan, phóng viên đã làm việc với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tân Dương (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) cho biết, thông tin trên mạng xã hội lan truyền là công trình nông thôn mới (NTM) được đầu tư tiền tỷ, mới đưa vào sử dụng được đã bị hư hỏng như vậy là thông tin thất thiệt, sai sự thật.

Theo ông Mạnh, do địa phương khó khăn không thể đầu tư đồng bộ các công trình NTM được, nên từ năm 2015 đến nay cố gắng đầu tư dần dần, mỗi năm được vài trăm mét. Trong đó nhánh mương dẫn nước có đoạn bị sụt lún, nứt vỡ dài khoảng 300m, được thi công từ cuối 2017 và đưa vào sử dụng từ năm 2018. Xã Tân Dương hỗ tiền vật liệu (xi măng, cát, sỏi) theo quy định chung là 160 triệu đồng/1.000m, giao cho Trưởng xóm và nhân dân tự làm. Xã hoàn toàn không bắt người dân đóng tiền để xây dựng, nhưng yêu cầu phải đóng góp bằng công sức, vì vậy mà có những hộ không có người tham gia lao động thì phải bỏ tiền ra thuê người khác làm hộ cho mình.

Ông Mạnh cho rằng, việc sụt lún, nứt vỡ do 2 nguyên nhân, thứ nhất là việc nền đất xây mương dẫn nước yếu nên khi nước tràn ra ngoài ngấm xuống gây ra sụt lún; thứ hai là do Tổ thủy lợi đã mở cửa nước từ kênh vào quá lớn, dẫn tới tràn nước. Trong khi công trình thì phải làm theo đúng quy định, theo mẫu thiết kế chung của Ban Quản lý dự án huyện Định Hóa, khi làm xong được Phòng Tài chính và Phòng Hạ tầng huyện thẩm định. Còn việc công trình có muốn làm quy mô hơn, móng sâu hơn, tốt hơn,… cũng khó vì khả năng tài chính của địa phương hạn chế và theo đúng những quy định chung.

Ông Chủ tịch UBND xã cũng thông tin thêm, trong thời gian tới, xã Tân Dương sẽ cố gắng tìm nguồn kinh phí hỗ trợ nhân dân sửa chữa đoạn mương bị vỡ và gia cố tốt nhất có thể. Để không xảy ra tình trạng này nữa, sẽ phải giám sát chặt chẽ lượng nước vào mương, không được để nước quá lớn dẫn tới quá tải.

Có thể thấy, vụ việc sụt lún, nứt vỡ kênh mương NTM tại xã Tân Dương có mức độ thiệt hại là không lớn (khoảng 20 triệu đồng), nhưng đây chính là bài học không đáng có trong việc đầu tư công trình (thiết kế phải phù hợp với từng địa hình khác nhau), cũng như quản lý sử dụng nhằm phát huy hiệu quả cho công trình.

Toán Nguyễn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thai-nguyen-lam-ro-ve-cong-trinh-kenh-muong-nong-thon-moi-bi-vo-d285688.html