Thái Lan sẽ không hạn chế xuất khẩu gạo để tận dụng cơ hội

Ngày 7/8, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan khẳng định quốc gia này đang hưởng lợi từ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ và không có lý do nào để dừng các chuyến hàng của mình trong bối cảnh có đủ nguồn cung cho cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Thu hoạch gạo tại Udon Thani, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Thu hoạch gạo tại Udon Thani, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Bắt đầu từ cuối ngày 20/7, chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo bamasti – loại gạo chiếm 25% tỷ trọng xuất khẩu gạo của quốc gia này – với hiệu lực ngay lập tức nhằm kiểm soát giá lương thực nội địa tăng cao. Theo tuyên bố từ Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng Ấn Độ, lệnh cấm này là nhằm đảm bảo thị trường trong nước “có đủ gạo” cũng như phần nào “làm dịu đà tăng giá” của các sản phẩm gạo trắng không phải gạo bamasti.

Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu và chiếm hơn 40% thương mại gạo trên thế giới, bất kỳ sự sụt giảm nào trong số lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đều sẽ gây ảnh hưởng lên giá lương thực toàn cầu. Động thái này cũng gây ra lo ngại về lạm phát trên thị trường lương thực thế giới.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia có khả năng sẽ phải tìm nguồn cung thay thế và chính điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan. Theo Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit ngày 7/8 trong một cuộc họp báo, lệnh cấm của Ấn Độ đang tạo cơ hội cho các nhà sản xuất gạo Thái Lan, đặc biệt là ở thị trường châu Phi - nơi tiêu thụ một lượng gạo lớn từ Ấn Độ.

Ông giải thích với động thái này của Ấn Độ, giá gạo toàn cầu sẽ tăng do nguồn cung giảm và nông dân do đó có thể hưởng lợi khi “bán được gạo với giá cao hơn”. Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatas đưa ra dự đoán giá gạo Thái Lan có thể tăng 20% sau lệnh cấm của chính phủ Ấn Độ.

Trong cả năm 2023, nước này dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo – cao hơn con số 7.71 triệu tấn của năm ngoái và giữ vững vị thế nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Riêng trong 7 tháng đầu năm, Thái Lan đã xuất khẩu 4,8 triệu tấn, với lượng xuất khẩu hàng tháng đạt từ 700.000 đến 800.000 tấn.

Ngoài việc theo dõi tình hình quốc tế, Bộ trưởng Jurin cũng cho biết chính phủ Thái Lan sẽ đồng thời đảm bảo giá gạo trong nước không tăng quá cao trong bối cảnh tình hình lạm phát dự kiến ở mức thấp. Ông cho biết: “Do xuất khẩu gạo vẫn bình thường, tiêu dùng trong nước chưa bị ảnh hưởng nhưng giá lúa gạo cao hơn nên giá gạo phải được điều hành ở mức hợp lý”.

Tuy nhiên, cả ông Jurin Laksanawisit và ông Charoen Laothamatas đều nhận định rằng giá cả toàn cầu không ổn định do đầu cơ và chính phủ Thái Lan cần theo dõi chặt chẽ tình hình. Theo Reuters dẫn lời ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, các nhà xuất khẩu hiện không muốn báo giá trong khi chờ thông tin rõ ràng hơn và có khả năng sẽ tạm dừng xuất khẩu trong một thời gian.

Ông giải thích: “Các nhà xuất khẩu đang lo lắng về các hợp đồng cũ với thời gian giao hàng trong 2 hoặc 3 tuần tới vì giá cả khá biến động” nhưng ông khẳng định đây sẽ chỉ là một sự kiện tạm thời cho đến khi Ấn Độ có động thái rõ ràng hơn. Trên thực tế, Reuters từng dẫn lời 2 nguồn tin thương mại hồi tuần trước cho biết một số nhà xuất khẩu gạo ở Thái Lan và Việt Nam đang đàm phán lại các hợp đồng mua bán khoảng nửa triệu tấn cho lô hàng tháng 8.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thai-lan-se-khong-han-che-xuat-khau-gao-de-tan-dung-co-hoi-post25290.html