Thái Lan đặt mục tiêu thương mại xuyên biên giới đạt 32 tỷ USD vào 2024
Bộ Thương mại Thái Lan đang đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng, theo đó sẽ tăng kim ngạch thương mại xuyên biên giới lên đạt 1,2 nghìn tỷ bạt (tương đương 32,4 tỷ USD) vào năm tới, tăng 20% so với mức 1 nghìn tỷ bạt trong năm nay.
Theo Thứ trưởng Thương mại Thái Lan Napintorn Srisunpang, Bộ Thương mại Thái Lan dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu này bằng cách thúc đẩy các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chỉ dẫn địa lý và nhượng quyền. Bộ này cũng sẽ tổ chức các cuộc triển lãm và kết nối doanh nghiệp, mời quan chức từ các nước láng giếng và hiệp hội ngoại thương thảo luận tìm phương thức nhằm giảm thiểu các rào cản thương mại.
Ông Napintorn nói: “Tất cả các cơ quan chính phủ liên quan đang cùng triển khai một kế hoạch chung về xúc tiến thương mại biên giới. Các hoạt động xúc tiến thương mại biên giới dự kiến sẽ được thực hiện trước tiên ở các khu vực biên giới chính như Chiang Rai, Mae Sot, Songkhla, Nong Khai, Surin và Buri Ram”.
Theo ông Napitorn, mặc dù vẫn còn những lo ngại về sức mua tại các nước láng giềng như Myanmar, Lào và Campuchia, vốn đang gặp phải những thách thức về kinh tế, nhưng Bộ Thương mại Thái Lan tin rằng hàng tiêu dùng Thái vẫn rất phổ biến tại các thị trường này nhờ chất lượng và giá cả phải chăng. Ngoài ra, Thái Lan cũng sẽ đẩy mạnh thương mại xuyên biên giới với Trung Quốc.
Ông Napitorn cho biết, các bộ phận liên quan đã được yêu cầu phối hợp để thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và tăng năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp này. Từ đó giúp tăng mức đóng góp của các SME vào tăng trưởng GDP của Thái Lan.
Hiện nay, trong khoảng 2 triệu công ty đã đăng ký hoạt động tại Thái Lan, chỉ có khoảng 900.000 công ty đang hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khi khảo sát hiệu suất thương mại xuyên biên giới, vốn đã tăng trưởng 5,5% vào năm trước và đạt kim ngạch 1 nghìn tỷ bạt, Bộ Thương mại Thái Lan thấy rằng phần lớn trong số này là do các tập đoàn lớn và niêm yết tạo ra, chiếm tới 90% giá trị xuất khẩu. Chỉ có 10% trong số đó là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong năm trước, thu nhập từ xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giảm 6%.
Ông Napitorn cho biết, tại các quốc gia phát triển, các SME có thể đóng góp tới 40-50% GDP. Trong khi đó, tại Thái Lan, đóng góp của SME vào GDP chỉ đạt 34%. Ông nói: “Chúng tôi muốn tăng mức thu nhập từ xuất khẩu của các SME để tăng tỷ lệ đóng góp của SME vào GDP đạt 35,2%”.