Thách thức đa khủng hoảng tại kỳ họp của Liên Hợp Quốc

Khóa họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (gọi tắt 'UNGA 78') vừa khai mạc đầu tuần này (giờ Mỹ) tại New York. Tại đây, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng thảo luận để tìm kiếm giải pháp cho nhiều vấn đề khủng hoảng đã và đang đồng thời xảy ra.

Toàn cảnh khu vực tổ chức kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 tại New York (Mỹ). Ảnh: UN Photo

Hẳn nhiên, những vấn đề liên quan xung đột Nga - Ukraine vẫn sẽ là tâm điểm của khóa họp này. Nhưng bên cạnh đó còn là những lo ngại về các cuộc khủng hoảng chính trị mới tại châu Phi (bao gồm ở Niger và Sudan), cùng với những thách thức chung của nhiều nước như kinh tế bất ổn, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên tai gần đây (động đất ở Morocco, lũ lụt tại Libya và nhiều nơi khác, thảm họa cháy rừng) và cả hệ lụy dai dẳng chưa dứt của Covid-19.

Thách thức bủa vây

“Chúng ta sẽ nhóm họp vào một thời điểm mà nhân loại đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ mức độ khẩn cấp của khí hậu đang tệ hơn cho tới các xung đột leo thang, khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, gia tăng khoảng cách bất bình đẳng và những đứt gãy rất lớn về công nghệ”, Tổng Thư ký LHQ António Guterres lưu ý về các vấn đề chính trong thông cáo phát đi tuần trước.

Với chủ đề: “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”, khóa họp này sẽ do Đại sứ Dennis Francis, Trưởng Phái đoàn Trinidad and Tobago tại LHQ và cũng là Chủ tịch UNGA 78 chủ trì. Dự kiến có các nguyên thủ và đại diện lãnh đạo từ 145 quốc gia dự họp. Nhiều nước cử đại diện tham gia như: Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Mexico. Tổng thống Mỹ Joe Biden là lãnh đạo duy nhất trong số 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ dự họp trực tiếp lần này. Hơn 3.000 nhà báo quốc tế tham gia tác nghiệp tại UNGA 78.

Việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự họp trực tiếp trong phiên họp đặc biệt của Hội đồng bảo an LHQ bàn về xung đột tại Ukraine cũng được giới truyền thông phương Tây đặc biệt chú ý. Ông Zelensky rất có thể sẽ ngồi họp cùng với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc này. Dù vậy, theo một số nhận định của giới quan sát, lần dự họp này có thể sẽ không mang lại nhiều lợi thế cho Tổng thống Ukraine bởi lẽ những diễn biến gần đây trong xung đột dường như đã không làm hài lòng các đồng minh phương Tây. Có thể thấy, cuộc xung đột này đang làm tiêu hao nguồn tài nguyên của nhiều nước phương Tây ủng hộ Ukraine. Sẽ có không ít lãnh đạo các nước tham dự UNGA 78 lần này muốn thúc đẩy những giải pháp để mau chóng kết thúc xung đột. Đó là chưa kể sự sụp đổ của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cũng đã khiến nhiều quốc gia mệt mỏi và muốn sớm tìm lối thoát để hàng chục triệu tấn lương thực có thể gia nhập thị trường thế giới.

“Một lập trường mặc định trong phần lớn các nước thành viên LHQ sẽ là chúng tôi cần đàm phán để kết thúc xung đột ”, ông Richard Gowan, chuyên gia về LHQ tại tổ chức phi lợi nhuận International Crisis Group (Bỉ) bình luận với Washington Post. Vị chuyên gia này hàm ý rằng, nếu xung đột vẫn kéo dài thì sẽ tạo ra sự bất đồng rõ ràng với rất nhiều quốc gia không phải phương Tây vốn đang trầy trật đối phó với nợ và đói nghèo, những bên đang cảm thấy các vấn đề của họ đáng quan tâm hơn nhiều.

Lo hệ lụy kéo dài của Covid-19

Trong hai ngày 18 và 19-9, hội nghị thượng đỉnh Các mục tiêu phát triển bền vững 2023 cũng nhóm họp. Sự kiện đánh dấu mốc một nửa chặng đường trong lộ trình hướng mốc thời hạn chót năm 2030 để hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ thông qua vào năm 2015. Các mục tiêu tham vọng này gồm chấm dứt đói nghèo, nâng cao chất lượng sức khỏe và hạnh phúc của người dân toàn cầu, bình đẳng giới và đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng.

Dù đã đi được nửa đường song báo cáo công bố vào tháng 6-2023 của LHQ cho biết tất cả mục tiêu đó đang “chệch hướng nghiêm trọng”. Theo đó, việc thực hiện chúng trong 5 năm đầu, kể từ 2015 cho đến 2020 là thời điểm bùng phát Covid-19, các tiến bộ đạt được rất chậm. Và khi dịch bệnh xảy ra, mọi tiến bộ hầu như dừng lại. Đáng chú ý, báo cáo công bố ngày 17-9 của UNICEF cho thấy: 2/3 trong số các mục tiêu toàn cầu về quyền và hạnh phúc của trẻ em chệch khỏi lộ trình đạt được mục tiêu vào năm 2030 như đã xác lập năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự họp và phát biểu tại hội nghị của LHQ
Theo TTXVN, trong khuôn khổ chương trình công tác dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 ĐHĐ LHQ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng LHQ; dự và phát biểu tại các hội nghị thượng đỉnh, hội nghị cấp cao của LHQ về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu... Dịp này, Thủ tướng sẽ có các cuộc gặp song phương với Tổng Thư ký LHQ; Chủ tịch Khóa 78 ĐHĐ LHQ và lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế khác. Ngoài các cuộc họp của LHQ, Thủ tướng cũng có chương trình hoạt động song phương tại Mỹ với các cuộc gặp phó tổng thống Mỹ, lãnh đạo Quốc hội Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và một số thành viên nội các Mỹ, và thăm các công ty công nghệ hàng đầu Mỹ và thế giới.

TRẦN ĐẮC LUÂN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202309/thach-thuc-da-khung-hoang-tai-ky-hop-cua-lien-hop-quoc-3956190/