Thách thức cho thị trường carbon ASEAN khi ông Trump trở lại Nhà Trắng
Các sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc dừng các khoản trợ cấp năng lượng xanh, rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris có thể gây khó khăn cho thị trường carbon của ASEAN.
Doanh nghiệp Mỹ là khách hàng lớn thúc đẩy thị trường carbon tự nguyện. Việc hạ thấp cam kết khí hậu của ông Trump cũng có nghĩa là sẽ có ít doanh nghiệp Mỹ hơn sẳn sàng bù đắp khí thải nhà kính tự nguyện.
Chỉ vài giờ sau khi làm lễ tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump, người hoài nghi biến đổi khí hậu, ký loạt sắc lệnh hủy bỏ những chính sách thân thiện khí hậu được triển khai dưới thời cầm quyền của người tiền nhiệm Joe Biden.
Bên cạnh việc ra lệnh các cơ quan liên bang dừng các điều khoản chi tiêu trợ cấp năng trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), ông còn chỉ đạo rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, một thỏa ước gần 200 quốc gia cam kết hợp tác giảm khí thải nhà kính.
Chưa dừng lại ở đó, ông còn lên kế hoạch mở cửa các vùng đất rộng lớn của liên bang bao gồm bang Alaska để tối đa hóa hoạt động sản xuất dầu khí. Ông cũng loại bỏ các chương trình bảo vệ các cộng đồng nghèo khỏi ô nhiễm, xóa mục tiêu phổ cập xe điện, ngừng cấp phép cho các dự án điện gió ở vùng biển liên bang và dỡ bỏ lệnh tạm dừng cấp phép mới cho xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG).
Đáng chú ý, người đứng đầu Nhà Trắng chưa có động thái can thiệp nào nhắm vào thị trường carbon. Tuy nhiên, sự quay trở lại nắm quyền lực của ông sẽ làm gia tăng tình trạng không chắc chắn xung quanh thị trường non trẻ này, vốn đang chật vật rũ bỏ các lo ngại về uy tín và danh tiếng sau khi chao đảo vì các vụ bê bối “tẩy rửa xanh” trong vài năm qua.
Thực tế, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, vào năm 2019, ông Trump đã tìm cách làm suy yếu thị trường carbon tuân thủ ở bang California. Chính quyền của ông đã kiện bang này vì ký kết một thỏa thuận mua bán phát thải với tỉnh Quebec của Canada. Theo thỏa thuận, sau khi được cấp một lượng giấy phép phát thải nhất định, các công ty ở California và Quebec có thể phải mua thêm hoặc bán giấy phép với nhau tùy vào lượng phát thải của họ. Đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ lúc đó cáo buộc bang California đã hành động vượt thẩm quyền khi ký kết thỏa thuận với một chính quyền ở nước ngoài. Rốt cục, Bộ Tư pháp thua kiện.
Điều này đặt ra vấn đề liệu các nhà đầu tư ở khu vực ASEAN có nên lo lắng về việc rót tiền thêm vào thị trường carbon còn mới mẻ và có thể đối mặt với biến động hơn nữa hay không.
Chỉ mới tuần trước, nền tảng đầu tư khử carbon GenZero (Singapore) dẫn đầu trong vòng gọi vốn huy động 32 triệu đô la Mỹ của công ty xếp hạng tín chỉ carbon Bezero Carbon.
Tommy Ricketts, CEO Bezerom cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn này để mở rộng dịch vụ xếp hạng sang các thị trường carbon tuân thủ.
Theo Frederick Teo, CEO GenZero, đánh giá tín chỉ carbon sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính minh bạch, liêm chính trên các thị trường carbon bằng cách cung cấp thẩm định độc lập và chất lượng.
Vấn đề cốt lõi trên thị trường carbon là thiếu các tiêu chuẩn phổ quát để định nghĩa thế nào là tín chỉ carbon chất lượng cao.
Việc các nước nhất trí các quy định giao dịch carbon toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP29 của Liên hợp quốc ở Baku, Azerbaijan cuối năm ngoái làm dấy lên kỳ vọng về một tiêu chuẩn phổ quát mà các dự án sản xuất tín chỉ carbon phải tuân thủ để nâng cao độ tin cậy.
Dù vậy, sẽ mất một thời gian khá lâu để tiêu chuẩn đó được thiết lập và thực hiện bởi các nhà phát triển dự án carbon, thị trường carbon và khách hàng doanh nghiệp. Cho đến lúc đó, tác động từ các chính sách mới của ông Trump có thể đặt các thị trường carbon vào tình thế bất ổn.
Khách hàng doanh nghiệp Mỹ là động lớn thúc đẩy nhu cầu tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện. Việc hạ thấp các cam kết khí hậu dưới thời kỳ cầm quyền của ông Trump sẽ khiến doanh nghiệp Mỹ ngần ngại tự nguyện bù đắp khí thải. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu tín chỉ carbon trong các giao dịch xuyên biên giới vốn đang ở mức thấp do mối lo ngại về tính liêm chính.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, thị trường carbon vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn trong dài hạn. Chẳng hạn, các hãng hàng không cần mua tín chỉ carbon để tuân thủ Chương trình Bù đắp và giảm thiểu carbon cho hàng không quốc tế (Corsia) đã được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khởi xướng.
Thế nhưng, thị trường carbon ASEAN chắc chắn sẽ phải đối mặt với thách thức khi tình trạng không chắc chắn đang bao trùm lĩnh vực này.
Theo Business Times