Tết về Long Điền mua muối lấy may

Vụ muối ở Long Điền thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 âm lịch năm sau. Năm nay trời nắng đẹp, mưa thuận gió hòa, muối được mùa, được giá, người làm muối ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Gia là một thợ muối chính hiệu, ở vùng đất được mệnh danh như “vương quốc muối” xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hơn 30 năm làm muối, ông không nhớ nghề truyền thống quê hương có từ bao giờ, chỉ biết trải qua bao thăng trầm, những người dân nơi đây vẫn sống dựa vào biển.

Nghề “nắng làm, mát nghỉ”

6 giờ 30 phút sáng một ngày đầu tháng Chạp, mặt trời vừa ló rạng sau ngọn núi, sau khi kiểm tra ruộng muối, ông Gia dùng cái chang chuyên dụng cào muối lên luống, gió thổi ầm ào, từng tia nắng sớm chiếu qua những hạt muối trắng tinh, thanh và sạch.

Vừa cào muối ông Gia vừa kể chuyện nghề, 30 năm rồi, vụ nào cũng thế, công việc của ông chỉ xoay quanh vài công đoạn chính. Đầu tiên là dẫn nước biển vào ruộng chứa, sau vài ngày thì san sang ô tiếp theo để nuôi mặn. Từ ô nuôi mặn, nước tiếp tục tới ô chịu lắng, đợi nước bay hơi, rồi muối kết tủa.

“Khi muối kết tủa, chúng tôi sẽ dùng chang cào thành từng luống, đến khi nước bay hơi hết thì thu hoạch. Muối được chuyển bằng xe rùa về kho, đóng gói, thương lái đến tận nơi gom. Một đợt làm muối thường kéo dài mươi ngày đến nửa tháng, tùy thời tiết”, ông Gia chia sẻ.

Long Điền là một trong những "thủ phủ" muối lớn nhất cả nước.

Đặc thù của nghề làm muối là nắng làm mát nghỉ, thế nên thời tiết càng gắt gao, không khí trên những ruộng muối càng rộn ràng. Chính vì thế nên nghề làm muối thường được xem như một trong những nghề vất vả, cực nhọc nhất.

Cùng là một trong những hộ làm muối có tiếng ở Long Điền, ông Đông, đã gắn bó với nghề gần 4 thập kỷ, ông cho hay vụ muối thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau theo lịch âm, trùng với mùa khô để muối kết tinh thành những hạt to, trắng, chắc và đậm vị nhất.

Những ngày càng nắng gắt, diêm dân càng phải tranh thủ cào muối vì chỉ cần một cơn mưa đổ xuống là bao nhiêu sức đổ sông đổ bể, mất cả ngày công. Chính vì làm vào những ngày nóng như đổ lửa, nên giờ làm của diêm dân thường là từ 4 giờ đến 9 giờ sáng.

“Chúng tôi phải làm trước khi mặt trời lên cao, chứ khi mặt trời lên cao rồi thì không chịu nổi. Thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ làm muối đơn giản, chỉ cần dẫn nước biển vào ruộng, rồi đợi nước bay hơi là có muối, nhưng thực tế thì cực trăm bề”, ông Đông nói.

Trăn trở “nghiệp” làm muối

Đưa tay lên gạt đi giọt mồ hôi trên trán, ngấm vị mặn của biển, ông Đông tâm sự, cực là thế nhưng nghề làm muối từng là cái nghiệp của nhiều người dân ở Long Điền. Muối len lỏi vào từng gia đình, thời còn "ăn chưa no, co chưa ấm", muối ăn thay thịt cá, trộn với cơm trắng rất ngon.

Đến giờ, những người làm muối ở Long Điền vẫn khóc cười với nghề. Như niên vụ muối 2023-2024, trộm vía, mưa thuận gió hòa, trời nắng đẹp nên muối được mùa, được giá. Nghề làm muối vất vả, nhưng “hay lam hay làm” thì diêm dân trên vùng đất này bao đời không lo đói.

“Năm nay, nhà tôi làm 1 ha muối, với việc cả 3 vụ muối đều thuận lợi, tôi thu trên 45 tấn/vụ, tăng 3 - 5 tấn so với cùng kỳ. Muối thu hoạch đến đâu được thương lái đến thu mua hết đến đó. Hiện, giá muối trải bạt đang ở mức 1.200 - 1.800 đồng/kg, muối thường trên dưới 1.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi ha muối sẽ thu lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ. Tết này, nhà tôi ấm no”, ông Đông phấn khởi nói.

Nghề làm muối ở Long Điền cũng đối diện nhiều khó khăn về nhân lực, thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, cũng như bao làng nghề truyền thống trên cả nước, làng muối Long Điền cũng đối diện với những khó khăn về nhân lực. Vì quá vất vả, đa phần người trẻ tại địa phương đều lựa chọn những công việc an nhàn, có thu nhập cao hơn, thay vì theo nghiệp làm muối của cha ông.

Như nhà ông Đông, sau gần nửa thế kỷ làm muối, giờ sau ông không ai theo nghiệp. Con trai cả của ông học Đại học Bách Khoa, giờ là chủ thầu xây dựng. Còn con gái thứ, tốt nghiệp cử nhân kế toán, giờ làm cho một doanh nghiệp của Nhật Bản. Nghề muối 3 đời vì thế gần như chắc chắn thất truyền.

Nhiều người hỏi ông Đông, sẽ ra sao nếu một ngày kia không còn người làm muối nữa? Ông cười bảo, lo thì lo thế, nhưng ngày ấy còn xa, bởi con người còn tồn tại thì còn cần muối. Nhiều lĩnh vực sản xuất còn dùng đến muối thì những diêm dân ở Long Điền vẫn sống khỏe với nghề.

Những năm qua, để nâng cao chất lượng, sản lượng muối, công việc bớt vất vả, cực nhọc, những người làm muối ở Long Điền cũng đã bắt đầu thay đổi phương thức sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vậy nên, cánh đồng muối nay không chỉ còn tiếng trang, tiếng xe cút kít, mà còn có cả tiếng cối xay gió, tiếng máy móc...

Từ cối xay gió đến khát vọng vươn xa

Buông cái chang xuống, kéo sợi dây điện trên bờ ruộng, chỉ vào chiếc cối xay gió ở cuối cánh đồng, ông Đông bảo ông đọc báo thấy đầy thông tin về cách mạng 4.0, rồi 5.0, nhưng bản thân ông không biết nó là gì. Chỉ biết là trong vài năm gần đây, diêm dân ở đây đã bắt đầu đẩy mạnh khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, điển hình là những chiếc cối xay gió.

Với diêm dân, cối xay gió dùng để dẫn nước mặn vào các ruộng muối, tiết kiệm sức lao động đáng kể. Nhờ gió biển, cối xay gió hoạt động linh hoạt, đẩy nước từ nơi thấp lên cao hay từ cao xuống thấp.

Cối xay gió là biểu tượng cho khát vọng thay đổi tư duy sản xuất, đưa hạt muối bay cao hơn của diêm dân Long Điền.

Cứ đến giờ trưa đến chiều mỗi ngày, nước triều từ biển dâng lên cũng là lúc gió nhiều, đẩy các cánh quạt ở cối hoạt động liên tục dẫn nước biển vào. Khi nước đã được bơm đầy ruộng thì diêm dân Long Điền gập cánh quạt lại.

“Chính sáng chế độc đáo này đã giảm đi rất nhiều công sức gánh nước hay dẫn nước theo hệ thống bơm bằng điện tốn chi phí, giúp diêm dân lao động đỡ vất vả hơn với cái nghề vốn rất khắc nghiệt từ xưa, nay”, ông Đông hồ hởi chia sẻ.

Bên cạnh cối xay gió, vài năm trở lại đây, diêm dân Long Điền cũng bắt đầu sử dụng kỹ thuật trải bạt trên mặt ruộng. Kỹ thuật này vừa giúp muối sạch hơn, năng suất cũng theo đó tăng 15-30%, góp phần cải thiện giá muối.

Đặc biệt, những năm qua, UBND huyện Long Điền đang tăng cường phối hợp với ngành du lịch kết nối với các doanh nghiệp lữ hành mở tour đưa du khách đến tham quan làng muối, giúp thị trường được mở rộng hơn, vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân, vừa phát huy giá trị của nghề truyền thống.

Muối Long Điền nay đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Muối lên tàu cá của ngư dân khắp các tỉnh ven biển trong Nam ngoài Bắc. Muối len lỏi vào từng bữa ăn, từ nhà hàng khách sạn cao cấp đến những quán ăn vỉa hè.

Với những thay đổi về phương thức sản xuất, hiện đại hơn, bắt nhịp xu thế thị trường hơn, những người làm muối ở Long Điền kỳ vọng sắp tới nghề làm muối sẽ thu hút thêm nhiều người trẻ ở lại quê hương lập nghiệp bằng chính nghề của ông cha bao đời để lại, từ đó đưa hạt muối ngày càng vươn xa.

Câu chuyện tương lai có lẽ chỉ thời gian mới có thể trả lời, còn hiện tại, trong những ngày giáp Tết Giáp Thìn, trên những cánh đồng muối ở Long Điền, diêm dân vẫn vang lên câu hát: À ơi, nắng lên rồi, mong cho muối được mùa!

Sáu Ngạn

Đầu năm mua muối…

Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bởi thế, người ta thường rắc muối ra đường và xung quanh nhà với mong muốn bình yên.

Cũng xuất phát từ câu tục ngữ “gừng cay muối mặn”, muối được xem là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Vì vậy, mua muối đầu năm với mong muốn gia đình hòa thuận, anh em keo sơn gắn bó.

Người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung còn có quan niệm rằng muối nằm trong danh mục nhóm thực phẩm quan và thiết yếu giúp nuôi sống con người. Cùng với gạo, muối là thứ gia vị lâu đời, không thể thiếu trong căn bếp của người Việt, biểu tượng của sự no đủ.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người tâm niệm đầu năm mua muối cả năm sẽ làm ăn phát đạt, may mắn, thuận lợi, sung túc.

Vào ngày đầu tiên của năm mới, thậm chí ngay sau khoảnh khắc giao thừa, nhiều người có thói quen mua muối mang về nhà để lấy may cho cả năm, mong muốn có cuộc sống ấm no.

Muối bán trong ngày đầu năm mới được gọi là “muối lộc”. Sau khi đem muối về nhà, người ta thường chia thành các túi nhỏ hoặc cho vào bao lì xì để tiện cất giữ. Người làm ăn buôn bán sẽ để túi muối ở quầy hàng mong đắt khách, người đi xa cũng bỏ vào vali một ít để lộ trình bình an.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/tet-ve-long-dien-mua-muoi-lay-may-1097769.html