Tên lửa SM-6: Vũ khí đánh chặn siêu thanh tương lai của Mỹ

Tên lửa phòng không SM-6 được phát triển bởi tập đoàn Raytheon đang được Mỹ lên kế hoạch hiện đại hóa, trở thành vũ khí đánh chặn trong trung hạn, chống lại các mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh của đối thủ tiềm tàng.

Các quốc gia hàng đầu thế giới đang phát triển nhiều loại vũ khí siêu thanh mới, đồng thời cũng đang nghiên cứu các hệ thống phòng thủ có thể bảo vệ trước các mối đe dọa siêu thanh. Tại Hoa Kỳ, một đề xuất mới đang được thảo luận, nhằm hiện đại hóa tên lửa phòng không SM-6 đáp ứng các nhu cầu và nhiệm vụ mới.

Với việc thực hiện dự án này, trong thời gian ngắn, quân đội Mỹ sẽ có thêm loại vũ khí hiện đại, tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa của vũ khí siêu thanhmới từ các đối thủ tiềm tàng.

Giai đoạn đầu phát triển

Theo kế hoạch của Cơ quan Phòng thủ tên lửa (Missile Defense Agency) Mỹ, các phương tiện bảo vệ mới chống lại mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh sẽ nhanh chóng được chế tạo và đưa vào thực hiện nhiệm vụ trong trung hạn. Thời điểm chính xác hơn vẫn chưa được xác định, nhưng theo ước tính, chúng có thể xuất hiện vào cuối thập kỷ 2020.

Tên lửa SM-6 được phóng từ tàu khu trục USS John Paul Jones năm 2014.

Hiện tại, các phương án cho các khái niệm và hình thức kỹ thuật của dự án phòng thủ tên lửa mới đang được quân đội Mỹ tính toán. Dựa vào mục đích này, các chương trình nghiên cứu mới, với nhiều loại vũ khí khác nhau đang được mở ra, nhằm giải quyết các yêu cầu nhiệm vụ khác nhau. Theo đó, dự kiến trong tương lai gần, các nghiên cứu này sẽ giúp hình thành hiểu biết chung về các vấn đề cốt lõi, cũng như tạo cơ sở công nghệ cho giai đoạn chế tạo.

Cho đến nay, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ, cùng với các nhà thầu khác nhau, đã triển khai chương trình Hệ thống vũ khí giai đoạn bay khu vực (Regional Glide Phase Weapon System - RGPWS). Mục đích của nó là tìm ra các giải pháp để mở rộng các chức năng tác chiến trên biển của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược. Dựa trên kết quả thực hiện, dự án đã bổ sung thêm nhiều kinh nghiệm tích lũy được trong chương trình Đánh chặn giai đoạn bay (GPI) mới của nước này.

Giữa tháng 4-2021, theo một số nguồn tin, việc phát triển GPI có thể không chỉ sử dụng trong các thử nghiệm hiện nay, mà có thể áp dụng với vũ khí có sẵn của quân đội Mỹ. Vì vậy, cơ quan này đã lên kế hoạch thử nghiệm tên lửa phòng không SM-6, nhằm xác định khả năng đánh chặn các mục tiêu siêu thanh của nó. Khi nhận được kết quả khả quan, tên lửa SM-6 có thể bắt đầu được hiện đại hóa.

SM-6 không phải là đề xuất duy nhất trong kế hoạch mới của Mỹ. Trước đó, Cơ quan Phòng thủ tên lửa đã mở rộng việc tiếp nhận các đề xuất kỹ thuật, và xem xét, lựa chọn thêm các phương án khả thi. Theo đó, dựa trên kết quả làm việc với các đề xuất và ứng dụng, cơ quan này cần xác định thêm các cách phát triển dự án Đánh chặn giai đoạn bay (GPI).

Tên lửa chống vũ khí siêu thanh

Điều thú vị là tên lửa phòng không SM-6 (hay RIM-174 Standard Missile 6) không phải lần đầu tiên được nhắc đến trong bối cảnh cuộc chiến chống lại các tổ hợp siêu thanh của kẻ thù tiềm tàng. Đồng thời, số phận của SM-6 trong lĩnh vực này vẫn là một ẩn số. Theo các chuyên gia, tình hình sẽ trở nên rõ ràng hơn trong thời gian sắp tới.

Năm 2020, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ John Hill nói rằng, hệ thống RGPWS có thể được tích hợp với bệ phóng đa năng Mk 41 hiện có, được triển khai trên tàu hoặc trên mặt đất. Điều này đặt ra một số hạn chế về kích thước của tên lửa đánh chặn, nhưng mang lại nhiều ưu thế tác chiến lớn. Hiện một số vũ khí tên lửa được sử dụng trên bệ phóng Mk 41, bao gồm SM-6.

Ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách nghiên cứu và phát triển Michael Griffin đã tiết lộ một số chi tiết về kế hoạch. Vào thời điểm đó, các chuyên gia đã nghiên cứu các khả năng sẵn có và sản phẩm của dòng tên lửa SM-6. Đã có một đề xuất thử nghiệm vũ khí này ở cấp độ "siêu âm". Những thử nghiệm này dự kiến được thực hiện vào năm 2023.

Gần đây, Hải quân Mỹ và Cơ quan Phòng thủ tên lửa đã cùng chứng minh khả năng sử dụng tên lửa SM-6 để chống lại các "mối đe dọa di động hiện đại". Và công việc nghiên cứu sẽ được tiếp tục. Đến năm 2024, trên cơ sở tên lửa SM-6, Mỹ lên kế hoạch tạo ra một vũ khí mới có khả năng thực hiện hoàn hảo nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu siêu thanh.

Tiếp tục hiện đại hóa SM-6

Tên lửa phòng không SM-6 còn được gọi là tên lửa chủ động tầm xa RIM-174 (ERAM) được phát triển bởi tập đoàn Raytheon, và đã được đưa vào trang bị cho Hải quân Hoa Kỳ từ năm 2013. Sau đó, vũ khí này đã được bán cho một số quốc gia khác.

Thông số kỹ thuật của SM-6. Ảnh: seaforces.org.

SM-6 là sản phẩm sử dụng động cơ nhiên liệu rắn hai giai đoạn. Chiều dài tên lửa là 6,6m, với đường kính tối đa khoảng 530mm. Trọng lượng phóng là 1.500kg, trong đó đầu đạn phân mảnh nặng 64kg. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và đầu dẫn đường bằng radar chủ động/thụ động.

Khi bay, SM-6 phát triển tốc độ xấp xỉ 3,5 March. Tầm bắn của phiên bản sửa đổi đầu tiên của Lô 1A được tuyên bố là 240km. Trong quá trình hiện đại hóa, SM-6 có thể tăng gần gấp đôi tầm bắn. Độ cao đạt được là 34km.

Tên lửa được vận chuyển trong một thùng chứa di động và được đưa vào hệ thống phóng đa năng Mk 41. Điều này cho phép SM-6 được sử dụng trên các tàu của nhiều dự án, cả của Mỹ và các nước đối tác. Vì vậy, là một phần của Hải quân Mỹ, tên lửa SM-6 được bố trí trên các tàu tuần dương Dự án Ticonderoga và các tàu khu trục Arleigh Burke. Ngoài ra, bệ phóng Mk 41 còn được sử dụng như một phần của tổ hợp phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore.

Ban đầu, SM-6 là tên lửa phòng không dùng để tấn công các mục tiêu khí động học ở khoảng cách xa với tàu sân bay. Trong quá trình hiện đại hóa, thiết bị tìm kiếm đã được cải tiến, nhờ đó tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu đạn đạo trên quỹ đạo đi xuống. Trong các cuộc thử nghiệm, khả năng bắn trúng tên lửa tầm trung của SM-6 đã nhiều lần được thể hiện, bao gồm cả trong môi trường gây nhiễu phức tạp.

Sau đó, dự án được tiến hành để tích hợp khả năng chống hạm. Từ năm 2020, quá trình hiện đại hóa SM-6 đã được thực hiện, để biến tên lửa phòng không thành phương tiện tấn công các mục tiêu mặt đất. Theo đó, phiên bản SM-6 mới của năm 2023 sẽ phải bổ sung các tính năng của tên lửa Tomahawk hiện có.

Dự án đầy triển vọng

Lầu Năm Góc và Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ hiện vẫn chưa đánh giá đầy đủ triển vọng của SM-6 trong vai trò mới trong trung hạn. Tuy nhiên, hiện đã rõ lý do tại sao Mỹ cần sử dụng tên lửa này trong việc phòng thủ tên lửa “siêu thanh". Tất nhiên, dự án để triển khai cần có những lợi ích về kỹ thuật lẫn kinh tế.

Vụ phóng thử nghiệm tên lửa SM-6 từ USS John Finn tháng 4-2021.

Trong các cuộc thử nghiệm, tên lửa SM-6 đã thể hiện và khẳng định đặc tính bay cao. Hệ thống điều khiển và hệ thống dẫn đường giúp nó giải quyết hiệu quả vấn đề đánh chặn các mục tiêu khí động học cơ động và các vật thể đạn đạo tốc độ cao, với quỹ đạo có thể đoán trước được. Các vấn đề điều chỉnh hệ thống tìm kiếm mục tiêu cũng đang được giải quyết.

Như vậy, trên thực tế tên lửa SM-6 không chỉ là một vũ khí phòng không, mà còn là một tổ hợp đa năng, phù hợp để giải quyết các nhiệm vụ khác nhau. Hiệu suất chiến đấu cao kết hợp với các phương tiện điều khiển và dẫn đường tiên tiến có thể khiến SM-6 trở thành vũ khí đánh chặn cơ động tiêu diệt các mục tiêu siêu thanh.

Lầu Năm Góc có kế hoạch tiến hành các cuộc thử nghiệm và đánh giá tiềm năng của dự án về khả năng triển khai, thực hiện và ứng dụng thực tế. Các cuộc thử nghiệm đã bắt đầu, và dự kiến vào cuối năm 2021 sẽ diễn ra vụ phóng thử nghiệm khác với chương trình phi tiêu chuẩn.

Quá trình phát triển của các chương trình hiện tại trong lĩnh vực phòng không và phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ phụ thuộc vào kết quả của đợt thử nghiệm này. Nếu SM-6 được xác nhận về khả năng đối phó với "mối đe dọa siêu thanh", dự án phát triển sửa đổi mới của nó sẽ được khởi động. Quá trình này sẽ mất vài năm, và vào cuối thập kỷ này, các tàu chiến Mỹ sẽ nhận được các tên lửa phòng thủ tiên tiến nhất.

Trong trường hợp ngược lại, Lầu Năm Góc và các tổ chức khác sẽ phải tìm kiếm và đưa ra các giải pháp mới. Và các quá trình này nhằm mục tiêu phát triển ra một hệ thống phòng thủ tên lửa mới, có khả năng chống lại các hệ thống siêu thanh của kẻ thù tiềm tàng.

MINH TUẤN (theo Topwar)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/ten-lua-sm-6-vu-khi-danh-chan-sieu-thanh-tuong-lai-cua-my-658893