Tên anh hùng trở thành tên huyện

Tây Ninh có 9 huyện, thị, thành phố, nhưng duy nhất một huyện lấy tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đó là huyện Dương Minh Châu.

Cựu giáo chức huyện Dương Minh Châu và cán bộ, nhân viên huyện thắp nến tri ân Anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu (ảnh: Huỳnh Thị Lệ Hằng)

Người con trung kiên của quê hương Tây Ninh

Dương Minh Châu sinh ngày 9.3.1912 tại làng Ninh Thạnh, tổng Hòa Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh (nay là phường 1, thành phố Tây Ninh).

Ông là con thứ tám của thầy giáo Dương Minh Đặng- một trí thức yêu nước ở Tây Ninh thời đó. Thuở nhỏ, Dương Minh Châu nổi tiếng là người thông minh học giỏi. Học hết tiểu học ở tỉnh nhà, ông xuống Sài Gòn hoàn tất bậc trung học, được nhận học bổng vào Trường cao đẳng Luật khoa tại Hà Nội.

Thời gian theo học tại Hà Nội, ông tích cực tham gia hoạt động xã hội và được giới sinh viên tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Tổng hội Sinh viên Đông Dương, rồi chủ nhiệm Tuần báo Sinh viên tiếng Pháp.

Cùng thời gian này, ông làm bạn với các nhà cách mạng như Phan Anh, Ung Văn Khiêm, Phạm Văn Bạch, Trần Đại Nghĩa. Năm 1938, ông tốt nghiệp cử nhân Luật, loại xuất sắc.

Nhà cầm quyền Pháp tìm mọi cách dụ dỗ ông gia nhập quốc tịch Pháp và hứa bổ nhiệm ông làm Phó Tham biện ở một tỉnh miền Nam hoặc đưa sang Pháp học tiến sĩ, nhưng ông từ chối.

Ông quyết định sang Campuchia làm Tham tán lục sự ở Tòa án Nam Vang (Phnom Penh). Cũng trong năm 1938, ông lập gia đình với bà Cao Thị Tuyết, con gái của một gia đình thuộc dòng họ Cao Bá Quát.

Một trong những hoạt động thể hiện rõ quan điểm cách mạng của ông Dương Minh Châu trong thời gian ở Campuchia là viết báo tiếng Việt kêu gọi bà con giúp Tổ quốc.

Ông và một số công chức khác cho ra Tuần san thời báo, xuất bản mỗi tuần 3 lần, nhằm tuyên truyền vận động kiều bào hướng về Tổ quốc, ủng hộ kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp. Năm 1945, miền Bắc nước ta xảy ra nạn đói, ông tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, quyên góp tiền bạc, thuốc men, lương thực gửi về nước cứu trợ.

Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, đồng bào miền Nam nhất tề đứng lên kháng chiến chống Pháp. Sự kiện đó tác động đến tinh thần yêu nước của ông và một số trí thức Việt kiều. Cuối năm 1945, ông cùng bạn bè công chức về Đồng Tháp Mười, đến Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ xin về Tây Ninh để phục vụ cách mạng.

Tháng 1.1946, ông được bầu vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Tây Ninh.

Ngày 7.2.1947, thực dân Pháp mở một trận càn với quy mô lớn đánh vào địa bàn đứng chân của lực lượng kháng chiến ở Gò Nổi, Cây Chò, Xóm Mía, Rừng Nhum... Dương Minh Châu anh dũng hy sinh tại khu vực Cây Chò.

Đây là một tổn thất lớn cho phong trào cách mạng của tỉnh. Sau khi ông mất, nhiều cuộc mít tinh, truy điệu được tổ chức để tỏ lòng tiếc thương người con trung kiên của quê hương Tây Ninh.

Ngày 25.4.1949, luật sư Dương Minh Châu đã được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký).

Trong phần nội dung ghi công có đoạn viết: “Truy tặng ông Dương Minh Châu - Nam Bộ. Được cử vào ủy ban hành chánh tỉnh Tây Ninh trong những lúc đặc biệt khó khăn, đã có công chấn chỉnh bộ máy hành chính tỉnh. Một nhân viên chỉ huy sáng suốt, khiêm tốn, can đảm và có tinh thần trách nhiệm...”.

Để tưởng nhớ đến ông, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Tây Ninh quyết định đặt tên cho huyện căn cứ mới thành lập vào năm 1951 là Huyện Căn cứ Dương Minh Châu.

Năm 1990, Đảng bộ, chính quyền tỉnh và gia đình đã đưa hài cốt liệt sĩ Dương Minh Châu về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tây Ninh. Ngày 31.7.1998, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Dương Minh Châu.

Bí thư Huyện ủy Dương Minh Châu Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Minh Châu hy sinh khi mới 35 tuổi, nhưng sự cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của ông là vô cùng to lớn. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông là dịp để tưởng nhớ và tôn vinh người anh hùng luôn tận tụy với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp ông Dương Minh Châu mãi mãi được các thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi.

Tiếp nối truyền thống kiên trung của thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Dương Minh Châu đã vượt qua khó khăn, thử thách, giành lấy những thắng lợi trong từng giai đoạn lịch sử. Hiện nay, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, thống nhất, nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ hằng năm và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Tự hào Huyện Căn cứ Dương Minh Châu

Vợ chồng ông Dương Minh Châu có 4 người con, trong đó, đầu lòng là con gái, 3 người con còn lại là trai. Hai người con trai đã qua đời vì cao niên, hiện còn con gái và con trai út tên Dương Minh Nhẫn.

Ông Dương Minh Nhẫn năm nay đã 77 tuổi, không vợ con, trước đây là kỹ thuật viên của Đài Truyền hình Việt Nam, năm 2006, ông nghỉ hưu, hiện sống cùng người cháu ở huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.

Vừa qua, ông Nhẫn bị té ngã dẫn đến tổn thương thần kinh, thường xuyên chóng mặt và trí nhớ giảm sút. Mặc dù sức khỏe không tốt, nhưng nhắc đến người cha Dương Minh Châu, ông Dương Minh Nhẫn luôn dành những lời lẽ hết sức trân trọng, tự hào.

Theo lời ông Nhẫn, với những danh hiệu cao quý mà cha mình được Đảng và Nhà nước trao tặng, như Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tất cả anh chị em trong gia đình đều nguyện một lòng sống sao cho xứng đáng.

“Mong ước lớn nhất của chị em tôi là làm sao đóng góp thật nhiều cho huyện Dương Minh Châu, nhưng tiếc là khả năng tài chính có hạn. Từ năm 2009 đến nay, chị em chúng tôi mới dành dụm được tiền tiết kiệm lập Quỹ khuyến học Dương Minh Châu tặng cho huyện và tặng Trường THPT Dương Minh Châu phòng tin học và một số máy vi tính”- ông Nhẫn bộc bạch.

Ông Nhẫn nhớ lại, những năm trước đây, khi sức khỏe còn tốt, thỉnh thoảng ông vẫn về thăm huyện Dương Minh Châu. Lần về thăm gần đây nhất là vào năm 2017, khi huyện tổ chức mít tinh kỷ niệm 105 năm ngày sinh của liệt sĩ Dương Minh Châu.

Mỗi dịp về thăm huyện mang tên cha, ông Nhẫn không khỏi bồi hồi xúc động và rất vui khi thấy huyện không ngừng phát triển. Đường sá, công viên, trường học ngày càng được đầu xây dựng khang trang, rộng đẹp.

Đời sống kinh tế của người dân khấm khá hơn. Những căn nhà tranh tre vách đất của mấy mươi năm trước giờ đã được thay bằng nhà tường, nhà lầu khang trang.

“Lần nào về thăm quê hương, tôi cũng chia sẻ với lãnh đạo huyện rằng rất quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người dân. Lãnh đạo huyện hãy cố gắng nhiều hơn nữa trong việc gần dân, lắng nghe dân, xem bà con có nguyện vọng chính đáng gì để giải quyết cho ổn thỏa”- ông Nhẫn trải lòng.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ten-anh-hung-tro-thanh-ten-huyen-a142865.html