Tàu sân bay của Mỹ có thể bị bão đánh lật?

Tàu sân bay hạt nhân được xem như kỳ quan công nghệ của con người, nhưng đứng trước cơn bão dữ, liệu con tàu nặng hàng trăm nghìn tấn có đứng vững?

Theo National Interest, những tàu sân bay hiện đại như USS Gerald R. Ford của hải quân Mỹ có thể được xem là kỳ quan kỹ thuật của con người. Giống hầu hết các mẫu tàu chiến hiện đại, USS Gerald R. Ford được thiết kế để có thể hoạt động ổn định trên biển bất chấp kích thước đồ sộ của nó.

Và để những con tàu sân bay có thể hoạt động ổn định trên biển bất kể điều kiện thời tiết thì trọng tâm đóng vai trò quan trọng. Điều này nằm ở thiết kế thân, đáy và boong tàu sân bay.

Dù có kích thước lớn tàu sân bay vẫn có thể cơ động trên biển, kể cả trong thời tiết giông bão.

Dù có kích thước lớn tàu sân bay vẫn có thể cơ động trên biển, kể cả trong thời tiết giông bão.

Ví dụ, thân tàu sử dụng cấu trúc "thân đôi" đặc biệt để tăng cường khả năng chống va đập và độ nổi. Thiết kế cầu và sàn đáp cũng tính đến nguyên tắc khí động học để giảm tác động của gió mạnh lên thân tàu. Những thiết kế này không chỉ cải thiện khả năng chống gió của tàu sân bay mà còn nâng cao khả năng chiến đấu của nó trong nhiều môi trường khắc nghiệt khác nhau.

Với chiều dài hơn 333 m và cao 76 m so với mặt nước, USS Gerald R. Ford - siêu tàu sân bay mới nhất của hải quân Mỹ là minh chứng rõ nhất về những con tàu chiến có thiết kế tốt nhất. Đối với người quan sát bình thường, những con tàu này có vẻ như khó có thể nổi chứ đừng nói đến việc vượt qua vùng biển động.

Thiết kế thân tàu giống như dao thường dẫn đến suy nghĩ tàu sẽ không ổn định trên biển, trong khi boong tàu mang theo một cấu trúc thượng tầng khổng lồ dường như sẵn sàng lật úp con tàu bất cứ lúc nào. Tuy nhiên mọi vấn đề này đã được các thiết kế sư tàu USS Gerald R. Ford tính đến.

Cấu thành tàu USS Gerald R. Ford là nhiều modul riêng lẻ, từ lớp thép sàn tàu cho đến cả thân tàu. Các bộ phận này được thiết kế rỗng bên trong nhằm giúp giảm trọng lượng của tàu và cũng làm nó nổi trên biển.

Thông thường, các tàu sân bay hiện đại có thể chịu được bão cấp 12-14. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tàu sân bay có thể bỏ qua mối đe dọa từ bão. Ngược lại, lực lượng hải quân luôn chú ý hơn đến việc xem xét toàn diện các yếu tố khí tượng trong quá trình tác chiến, nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo an toàn.

Mặc dù có thể di chuyển trong bão cấp 12-14 nhưng chỉ huy các tàu sân bay thường lựa chọn tuyến đường đi tránh bão.

Mặc dù có thể di chuyển trong bão cấp 12-14 nhưng chỉ huy các tàu sân bay thường lựa chọn tuyến đường đi tránh bão.

Ngoài ra, hệ thống liên lạc và thiết bị điện tử tiên tiến cho phép tàu sân bay nhận được thông tin thời tiết mới nhất theo thời gian thực và điều chỉnh tuyến đường cũng như kế hoạch chiến đấu một cách kịp thời.

Tuy nhiên, ngay cả những tàu sân bay tiên tiến nhất cũng cần thận trọng khi đối mặt với siêu bão. Suy cho cùng, các sức mạnh của tự nhiên không thể dự đoán và kiểm soát được hoàn toàn. Vì vậy, các cường quốc hải quân đều quan tâm đến việc dự báo thời tiết và đánh giá rủi ro, đồng thời tránh đối đầu trực tiếp với thời tiết khắc nghiệt càng nhiều càng tốt.

Thái độ thận trọng này phản ánh sự khôn ngoan mà nhân loại đã đạt được trong sự tiến bộ của khoa học và công nghệ - chúng ta không chỉ phải tận dụng tối đa sức mạnh của khoa học và công nghệ mà còn phải tôn trọng quy luật tự nhiên.

Trà Khánh (Nguồn: nationalinterest.org)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tau-san-bay-cua-my-co-the-bi-bao-danh-lat-ar892729.html