Tàu chở thiết bị điện gió lần đầu tiên cập cảng Vũng Áng
Chuyến tàu chở thiết bị điện gió cập cảng Vũng Áng có ý nghĩa lớn trong việc tối ưu tính lưỡng dụng, gắn liền với định hướng phát triển dịch vụ logistics, vận tải biển ở Hà Tĩnh.
Sáng 23/9, Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt tổ chức đón chuyến tàu đầu tiên của Dự án Điện gió Hải Anh - Quảng trị cập cảng Vũng Áng thuộc Công ty CP Quốc tế Lào - Việt. Đây cũng là lần đầu tiên cảng Vũng Áng đón tàu chở thiết bị điện gió.
Tham dự có đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đại diện chủ đầu tư Dự án Điện gió Hải Anh - Quảng Trị; Tổng thầu IPC; công ty logistics, đại diện tàu PACIFIC INTEGRITY và một số đơn vị hỗ trợ khác.
Từ khi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn ký biên bản ghi nhớ về việc khảo sát, hợp tác đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương vào tháng 1/2021 đến nay, hai bên đã có nhiều hoạt động để hiện thực hóa biên bản này. Trong đó, việc triển khai cung cấp dịch vụ logistics cho Dự án Điện gió Hải Anh - Quảng Trị tại cảng Vũng Áng là một minh chứng cụ thể.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt cho biết: Với chiến lược kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm, cùng đồng hành, phát triển, Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt cam kết thực hiện việc xếp dỡ hàng hóa và cung cấp các dịch vụ liên quan đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhanh chóng, thuận lợi...
Ngay sau khi tàu cập cảng, cán bộ, nhân viên Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt phối hợp với thủy thủ tàu PACIFIC INTEGRITY tổ chức xếp dỡ, hạ bãi thành công các khối kiện cánh quạt và trụ quạt điện gió với tổng trọng lượng hơn 2.000 tấn.
Sự kiện đón chuyến tàu đầu tiên của Dự án Điện gió Hải Anh - Quảng Trị có ý nghĩa lớn đối với Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt trong việc tối ưu tính lưỡng dụng của cảng, gắn liền với định hướng phát triển dịch vụ logistics, vận tải biển tại Hà Tĩnh.
Dự án Điện gió Hải Anh - Quảng Trị do Công ty CP Phong điện Hải Anh - Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Nhà máy nằm trên địa bàn xã Hướng Phùng, xã Tân Thành và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dự án có quy mô công suất 40 MW với 8 tháp tua bin gió, công suất 5 MW/tua bin, chiều cao trụ tháp 125 mét, đường kính cánh quạt 166 - 172 mét. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.500 tỷ đồng.