Tập trung bàn giải pháp đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở
Sáng nay (5/12), Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khai mạc Hội nghị lần thứ tám (Khóa XIII). Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Hội nghị lần này sẽ cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng.
Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo kết quả công tác công đoàn năm 2024; chương trình công tác công đoàn năm 2025 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Trao đổi về nội dung này, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt với tổ chức Công đoàn, đó là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)...
Với tinh thần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vào cuộc sống, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 12 chỉ tiêu phấn đấu thực hiện. Theo đó, từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn tại địa phương, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đề nghị các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch đánh giá kết quả đạt được, đối chiếu với chỉ tiêu đã đề ra, làm rõ những tồn tại, hạn chế, đề xuất các giải pháp để làm tốt hơn trong năm 2025.
Hội nghị cũng sẽ thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ ngày 24/6/2014 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (khóa XI) về nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, đây là Nghị quyết chuyên đề do Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI đề ra, với mong muốn nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nơi có đông công nhân lao động. Sau 10 năm thực hiện, kết quả cho thấy hoạt động của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có nhiều chuyển biến, tích cực hướng về cơ sở. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, từ thực tế triển khai, các đại biểu cần làm rõ bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên.
Về công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết: Năm 2024, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra chỉ tiêu phát triển thực tăng 1 triệu đoàn viên. Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố đã chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, xây dựng kế hoạch, kiện toàn ban chỉ đạo, tổ công tác, tổ chức khảo sát, thống kê làm cơ sở cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, thể hiện quyết tâm chính trị lớn; trong đó đã có 32 đơn vị thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu của Tổng LĐLĐ Việt Nam giao và được biểu dương, khen thưởng.
Tuy nhiên, so với mục tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra mới đạt được khoảng 2/3, một số đơn vị số thực tăng còn rất thấp so với số giao của Tổng Liên đoàn.
Do đó, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đề nghị, các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tập trung thảo luận, bàn các giải pháp cụ thể, cần nhận thức, thể hiện quyết tâm chính trị lớn hơn nữa, với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức trong năm 2025.
Trao đổi về nội dung này, đồng chí Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: Năm 2024, tổ chức Công đoàn Thủ đô được giao phát triển thêm 150.000 đoàn viên, trong đó đến thời điểm này đã phát triển được hơn 120.000 đoàn viên. Đáng chú ý số Công đoàn cơ sở thành lập mới đạt gần 900 Công đoàn cơ sở, tăng gần gấp đôi so với chỉ tiêu LĐLĐ Thành phố đề ra. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cấp Công đoàn Thủ đô, trong bối cảnh việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển đoàn viên trong năm 2024 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một lượng lớn lao động dịch chuyển về các địa phương.
Tại Hà Nội, năm 2024, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung phát triển đoàn viên công đoàn tại khu vực phi chính thức, thành lập một số Nghiệp đoàn; thành lập mới Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, đơn vị, tuy nhiên trong số thành lập mới có nhiều Công đoàn quy mô nhỏ, ít đoàn viên... Khẳng định Hà Nội nhận thức chính trị rất rõ, vào cuộc với quyết tâm cao trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, song, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cũng bày tỏ băn khoăn về việc tăng số lượng đoàn viên và Công đoàn cơ sở quá nhanh trong một thời gian ngắn, trong khi biên chế cán bộ Công đoàn còn hạn chế.
Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, việc phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở cần phải gắn liền với việc củng cố, xây dựng đảm bảo sự bền vững của tổ chức, do đó, rất cần những định hướng, chỉ đạo từ Tổng LĐLĐ Việt Nam trong công tác này, nhất là việc triển khai thu kinh phí công đoàn, tổ chức các hoạt động chăm lo... cho đoàn viên công đoàn khu vực phi chính thức.
Tại Hội nghị lần này, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng sẽ cho ý kiến vào các nội dung khác như: Chương trình làm việc của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2025; Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”; Tờ trình ban hành Đề án về “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc, nuôi dạy con giai đoạn 2025 - 2028”; Tờ trình về việc sở hữu, quản lý cổ phần (cổ phiếu) tại các cấp Công đoàn; Tờ trình Đề án “Định hướng công tác thông tin đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Tờ trình dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 3a/NQ-TLĐ ngày 17/2/2014 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI về “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”…