Tạo nguồn nhân lực bán dẫn: Cần chiến lược và hành động cụ thể

Theo các chuyên gia ngành công nghiệp, điện tử đang là động lực tạo việc làm quan trọng tại Việt Nam, nhất là các vị trí có tay nghề trung bình trong sản xuất thiết bị máy tính, điện tử và quang học. Chính vì vậy, cần có chiến lược và hành động cụ thể ngay từ bây giờ.

Ngành bán dẫn đang bước vào kỷ nguyên bùng nổ, trở thành tâm điểm chiến lược trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Thị trường chip bán dẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lên tới 14% trong suốt hai thập kỷ qua. Với đà phát triển này, ngành bán dẫn sẽ cán mốc nghìn tỷ USD vào năm 2030, trở thành trụ cột chiến lược của nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, không chỉ là động lực kinh tế và công nghệ, chất bán dẫn ngày nay còn là biểu tượng của sức mạnh và vị thế quốc gia trên bản đồ địa chính trị.

Trước xu thế trên, tháng 9/2024, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1018/QĐ-TTg) và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (Quyết định số 1017/QĐ-TTg). Mục tiêu đặt ra là đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành, trong đó có 42.000 kỹ sư, 7.500 thạc sĩ, 500 nghiên cứu sinh và 5.000 chuyên gia trí tuệ nhân tạo.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai quyết định trên ngay trong năm học 2024–2025, có khoảng 19.000 sinh viên nhập học các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn. Hiện có 166 cơ sở đào tạo các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, trong đó 97 cơ sở đào tạo trực tiếp các ngành này (gồm 66 trường công lập và 31 trường tư thục).

Đề cập đến tầm quan trọng của nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam, chuyên gia chính sách thị trường lao động và việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ông Felix Weiden Kaff nhận định rằng, ngành công nghiệp điện tử đang là động lực tạo việc làm quan trọng tại Việt Nam, nhất là các vị trí có tay nghề trung bình trong sản xuất thiết bị máy tính, điện tử và quang học.

Ông Felix Weiden Kaff cho biết, nhiều động lực đang làm thay đổi sâu sắc bản chất công việc và yêu cầu về kỹ năng, bao gồm tiến bộ công nghệ (robot, tự động hóa, vật liệu tiên tiến), toàn cầu hóa (căng thẳng địa chính trị, dịch chuyển chuỗi giá trị) và biến đổi khí hậu (xu hướng giảm sử dụng các sản phẩm điện tử gây hại môi trường).

Nhận định của các chuyên gia cũng cho thấy, Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cần xây dựng hệ sinh thái đầy đủ, không chỉ về nhân lực mà còn cả hạ tầng, logistics và chuỗi cung ứng. Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong vòng 5 đến 10 năm tới là thách thức lớn nếu thiếu nền tảng chiến lược và hành động cụ thể ngay từ bây giờ.

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Việt Nam đã có các chính sách tập trung vào phát triển kỹ sư và chuyên gia bán dẫn, nhưng vai trò của các nhà lãnh đạo công nghệ, các doanh nghiệp bán dẫn – những người dẫn dắt kinh doanh - vẫn còn "mờ nhạt" trong các chính sách. Hệ thống giáo dục hiện nay, dù đã có những cải thiện, vẫn bị chia thành hai hướng: đào tạo kỹ thuật chuyên sâu hoặc các chương trình MBA.

“Việt Nam cần một chiến lược đồng bộ và dài hạn. Trong đó, trước hết, cần xây dựng các chương trình đào tạo liên ngành, kết hợp giữa công nghệ và quản trị chiến lược. Những chương trình này không chỉ dạy lập trình hay tài chính, mà còn trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ, gọi vốn, và các xu hướng công nghệ toàn cầu” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cần xây dựng hệ sinh thái đầy đủ, không chỉ về nhân lực mà còn cả hạ tầng, logistics và chuỗi cung ứng. Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong vòng 5 đến 10 năm tới là thách thức lớn nếu thiếu nền tảng chiến lược và hành động cụ thể ngay từ bây giờ.

TS Hoàng đề xuất cần áp dụng mô hình đào tạo song cấp: Đào tạo đồng thời giảng viên và sinh viên thông qua các giáo sư thỉnh giảng, từ đó tạo ra đội ngũ nhân lực tinh hoa. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của việc thu hút các “đại bàng” công nghệ bằng các chính sách ưu đãi vượt trội, môi trường sống và điều kiện làm việc hấp dẫn.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-nguon-nhan-luc-ban-dan-can-chien-luoc-va-hanh-dong-cu-the-10310415.html