Tạo dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, hiện đại, có khả năng hội nhập

Chiều mai (25/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trao đổi với Cổng TTĐT Quốc hội trước thềm Phiên thảo luận, các ĐBQH ủng hộ sự cần thiết của dự án Luật này, đồng thời nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh quảng cáo sẽ góp phần quan trọng để tạo dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, hiện đại, có khả năng hội nhập với thị trường thế giới.

Đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Quảng cáo trên mạng là nội dung đặc biệt quan trọng cần tiếp tục rà soát

Tôi nhận thấy việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp lần thứ 8 lần này là rất cần thiết, bởi sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, ngành quảng cáo đã có những bước phát triển vượt bậc và đã có nhiều thay đổi về tổ chức, quy trình, phương thức quảng cáo, nhiều loại hình quảng cáo mới đã xuất hiện và dần phổ biến trên thị trường (quảng cáo qua các tin, bài trên internet, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến; quảng cáo qua thiết bị bay drone; quảng cáo qua việc trình chiếu hình ảnh 3D trên các phương tiện công cộng…) đòi hỏi chính sách, pháp luật về quảng cáo cần phải có sự điều chỉnh phù hợp. Không chỉ vậy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách, pháp luật của chúng ta cũng đã không ngừng phát triển, hoàn thiện. Nhiều đạo luật có các nội dung liên quan chặt chẽ, mật thiết đến hoạt động quảng cáo đã được Quốc hội ban hành thời gian qua như: Luật Điện ảnh 2022, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, hay gần nhất là Luật Dược 2024 đều có những quy định về hoạt động quảng cáo trong những lĩnh vực riêng biệt.

Đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Cùng với đó, quan điểm trong quản lý nhà nước về quảng cáo cũng đã có sự thay đổi. Quảng cáo giờ đây không đơn thuần chỉ là hoạt động xúc tiến thương mại mà còn được xem là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của công nghiệp văn hóa. Vì vậy chính sách, pháp luật cũng cần thay đổi để tạo điều kiện phát triển cho lĩnh vực này.

Tại dự thảo Luật sửa đổi lần này, tôi nhận thấy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tư cách là Thường trực cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất cầu thị, lắng nghe ý kiến của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, những đối tượng chịu tác động. Các phương án chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở xác định đúng những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn (nội dung, hình thức quảng cáo, quảng cáo trên báo chí, quảng cáo trên mạng, quảng cáo ngoài trời) với quan điểm chung là cố gắng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, dự thảo Luật cũng có những quy định nhằm tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo để bảo đảm an ninh thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nội dung tôi quan tâm và cũng là quy định bổ sung mà tôi đánh giá sẽ là trọng tâm của dự thảo Luật lần này là quy định về quảng cáo trên mạng (bao gồm trên môi trường internet, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối). Trong những năm qua, thị phần quảng cáo đang có sự dịch chuyển nhanh chóng từ phương thức quảng cáo truyền thống (báo chí, truyền hình) sang phương thức quảng cáo số (sử dụng internet, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến) dẫn đến việc các cơ quan báo chí ngày càng khó khăn về nguồn thu quảng cáo. Nếu như hoạt động quảng cáo trên báo chí được quản lý tương đối chặt chẽ, bài bản thì hoạt động quảng cáo trên mạng đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập (như đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục). Điều này tạo nên sự lo ngại về việc cạnh tranh không bình đẳng giữa các cơ quan truyền thông, báo chí với các nền tảng lớn (facebook, google, tiktok) trong hoạt động quảng cáo.

Chính vì vậy, quy định về hoạt động quảng cáo trên mạng là nội dung mà tôi cho là sẽ được dư luận và nhiều đại biểu quan tâm. Đối với vấn đề này, tôi đánh giá cao việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng quy định điều chỉnh. Tuy nhiên, tôi nhận thấy quy định này cần được tiếp tục rà soát để đảm bảo bao quát, hài hòa, đầy đủ trách nhiệm của tất cả các bên tham gia vào chuỗi hoạt động quảng cáo (từ nhãn hàng, nhà sản xuất phim quảng cáo, đại lý quảng cáo, nền tảng mạng truyền phát quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo); tính thống nhất của hệ thống pháp luật (các quy định không trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn với các luật có liên qua khác như: Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng,…); và tính hiệu lực, hiệu quả sau khi Luật có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Đảm bảo thực hiện tốt việc thu thuế từ hoạt động quảng cáo

Tôi thấy rằng, thời gian qua, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa và thị trường thương mại tự do. Hiện nay, hoạt động quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Trước những yêu cầu mới từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ những hạn chế: Quy định về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cũng cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập; các quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời không còn phù hợp…

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Do vậy, tôi ủng hộ việc sửa đổi Luật Quảng cáo ở thời điểm hiện nay, để khắc phục những hạn chế, bất cập mà tôi vừa nêu; đồng thời mang đến nhiều điểm tích cực sau khi ban hành 03 nhóm chính sách liên quan đến nội dung và hình thức quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; và hoạt động quảng cáo ngoài trời. Cùng với đó, góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo. Trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hoạt động quảng cáo cần được tạo lập hành lang pháp lý phù hợp, kịp thời để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với cương vị là một đại biểu Quốc hội, vấn đề tôi đặc biệt quan tâm ở dự thảo Luật này là các quy định về quảng cáo môi trường mạng, quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên báo chí. Theo đó, tôi ủng hộ việc nới rộng hơn về diện tích, thời lượng quảng cáo trên các loại hình báo chí của dự thảo Luật. Điều này sẽ tạo ra cơ hội tốt cho các đơn vị thực hiện tự chủ tài chính.

Về quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trên mạng của các tổ chức, cá nhân trong nước, dự thảo Luật đã giao trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương theo thẩm quyền có trách nhiệm phát hiện, xác định quảng cáo vi phạm pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính. Tôi cho rằng, điều này là cần thiết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể trên, tuy nhiên để triển khai thực hiện có hiệu quả, các chủ thể trên cần quan tâm bố trí nguồn nhân lực có chuyên môn và các giải pháp kỹ thuật để sẵn sàng triển khai ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá thêm về nguồn lực triển khai thực hiện giải pháp này.

Đặc biệt về nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế đối với doanh thu phát sinh từ dịch vụ quảng cáo. Đây là vấn đề rất được quan tâm trong thời gian vừa qua. Để bảo đảm thực hiện tốt việc thu thuế từ hoạt động quảng cáo, tôi đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát quy định bảo đảm bao quát toàn diện hoạt động quảng cáo làm cơ sở cho việc quản ký đăng ký, kê khai, nộp thuế được đầy đủ. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đối chiếu với luật chuyên ngành, như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng….để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Tạo dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, hiện đại, có khả năng hội nhập

Tôi cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo 2012, đến thời điểm hiện nay hoạt động quảng cáo đã có rất nhiều thay đổi. Song song với các hoạt động quảng cáo truyền thống, với sự đổi mới liên tục của công nghệ, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội internet, facebook, tik tok… đã xuất hiện và trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Xu hướng nổi bật nhất của thị trường quảng cáo Việt Nam trong 2 thập niên qua là sự gia tăng của quảng cáo trên không gian mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật về quảng cáo của chúng ta cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không theo kịp sự phát triển của thị trường quảng cáo hiện nay, nhất là các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới...

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Do vậy, việc Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp này là rất cần thiết, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước và bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.

Đặc biệt, lĩnh vực quảng cáo hiện nay cũng được nước ta xác định là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhất là thời gian qua, hoạt động quảng cáo ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và có những đóng quan trọng cho nền kinh tế quốc dân. Do vậy, tôi cho rằng, việc phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để phát triển hơn nữa lĩnh vực quảng cáo đầy tiềm năng này là một nhu cầu rất cấp thiết.

Về cơ bản, 03 nhóm chính sách mà Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật lần này là phù hợp. Để xây dựng được một môi trường quảng cáo thực sự hiện đại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là chính, tôi cho rằng dự thảo Luật này cần tiếp cận từ các góc độ của người tiêu dùng để thiết kế các nội dung, chứ không chỉ từ vị trí của cơ quan quản lý nhà nước để quản lý.

Dự thảo Luật cần được xây dựng dựa trên những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn; tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là ở các quốc gia phát triển, có thị trường quảng cáo chuyên nghiệp, hiện đại; lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, doanh nghiệp, hội, hiệp hội… để bảo đảm tính khả thi, tính dự báo phù hợp với bối cảnh hiện tại và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người tiêu dùng; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, phát triển thị trường quảng cáo và nâng cao chất lượng sản phẩm quảng cáo; có khả năng hội nhập với thị trường quảng cáo thế giới.

Thu Phương – Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=91255