Tạo đòn bẩy mới cho doanh nghiệp nhỏ phát triển
Hiện nay có tình trạng nhiều doanh nghiệp 'không muốn lớn, không chịu lớn' bởi lo ngại 'rừng' thủ tục hành chính phiền hà và phải gánh nhiều chi phí phát sinh trong sản xuất kinh doanh. Phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (Hanoisme) về vấn đề này.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (Hanoisme)
Thưa ông, phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay chủ yếu có quy mô nhỏ, có xu hướng không tăng nhiều và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Vậy, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp, trong đó DNN&V chiếm 97%, đóng góp hơn 40 triệu việc làm, chiếm 82% tổng số lao động của nền kinh tế. DNN&V còn đóng góp 51% GDP và hơn 30% ngân sách Nhà nước.
So với các tập đoàn lớn, DNN&V có khả năng thích nghi tốt hơn trước những biến động của thị trường. Nhiều doanh nghiệp còn đóng vai trò nhà cung ứng, đối tác của các tập đoàn lớn, từ đó tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Tôi cho rằng có 3 lý do chính khiến DNN&V hiện “không muốn lớn”.
Thứ nhất đó là gánh nặng thuế và chi phí tuân thủ. Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cho hay, một doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam mất trung bình 384 giờ/năm để tuân thủ các quy định thuế, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Thứ hai là bài toán về vốn. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có tới 70% DNV&N gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp và lịch sử tín dụng minh bạch. Bên cạnh đó là các quy định về đăng ký kinh doanh, thuế, lao động vẫn còn chồng chéo khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Thứ ba là doanh nghiệp khó khăn trong mở rộng quy mô, thiếu lao động chất lượng cao; khó cạnh tranh với các tập đoàn lớn cả về thương hiệu, giá cả và nguồn lực. Đó là chưa kể những rủi ro chính sách, môi trường kinh doanh, khiến họ e dè khi mở rộng quy mô.
Với hơn 5 triệu hộ kinh doanh, phần lớn các hộ kinh doanh này không có động lực để chuyển sang doanh nghiệp chính thức dù Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích. Khi thành doanh nghiệp chính thức, họ e ngại tăng chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí thực hiện các quy định khác.
Hộ kinh doanh hiện ít bị ràng buộc bởi các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, lao động, môi trường… Cùng với đó là nhóm chính sách về thuế, phí. Nếu thành lập doanh nghiệp chính thức thì phải mở sổ sách kế toán, thực hiện nhiều thủ tục khác. Đây là một trong những cản trở lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Hộ kinh doanh cá thể cứ muốn ở mãi trong "vùng xám", vùng thực hiện các quy định pháp luật chưa thực sự triệt để.
Đối với những giải pháp và đòn bẩy mới, theo ông, doanh nghiệp cần phải có những giải pháp thực chất ra sao?

Bên cạnh các ngành truyền thống, Sơn Hà tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như nước sạch, năng lượng tái tạo và bất động sản công nghiệp.
Các bộ, ngành cần chia thành 5 nhóm nhu cầu của các doanh nghiêp, bao gồm thị trường, tài chính, đầu tư, nhân lực và các thủ tục hành chính. Đồng thời, nên kết hợp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, về nguyên tắc định hướng chung, đã có Luật hỗ trợ DNN&V, Luật Doanh nghiệp… Do đó, các chương trình hỗ trợ cần chứng minh được việc tuân thủ thủ tục hành chính và các chi phí phải dưới 1% doanh thu của các DNN&V. Nếu mức phí trên 1% rất khó để các doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đa ngành mang tính thống nhất và đồng bộ, để việc kết hợp giữa vốn Nhà nước với vốn của doanh nghiệp tư nhân và các định chế tài chính của các tổ chức quốc tế phải có sự liên thông liên ngành; đưa bộ tiêu chí đánh giá về chỉ số KPI về tài chính, việc làm, năng suất lao động, sản xuất xanh… vào Nghị quyết 01 hàng năm.
Để DNN&V "cất cánh", thời gian tới, cần rời vị trí là người cấp phát sang vai trò đồng kiến tạo, đồng đầu tư và chia sẻ rủi ro. Xem xét hợp nhất Luật Doanh nghiệp và Luật hỗ trợ DNN&V được ra đời năm 2017 do có sự chồng chéo. Đến năm 2027, kiến nghị Bộ ngành, địa phương số hóa 100% thủ tục hành chính qua 1 cửa liên thông.
Song song với đó, Việt Nam cần tạo môi trường cạnh tranh công bằng, hạn chế tình trạng doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp lớn có lợi thế quá lớn, gây khó khăn cho DNN&V. Động lực kinh tế bằng cách giảm, đơn giản hóa các quy định pháp luật. Đặc biệt quy định về thuế, phí làm sao các doanh nghiệp có một hệ thống quy định thuế, phí, lao động… đơn giản, thân thiện.
Việt Nam cần phải thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNN&V. Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ. Chúng ta cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại với chi phí hợp lý...
Vậy, về phía cộng đồng doanh nghiệp cần phải thích ứng ra sao trong bối cảnh áp lực hiện nay, thưa ông?

Nhà máy sản xuất ống inox công nghiệp Sơn Hà.
DNN&V cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Trong đó, nhóm doanh nghiệp này cần tái cấu trúc mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển theo từng giai đoạn, không chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ.
DNN&V có thể tập trung vào thị trường ngách. Các doanh nghiệp thành công thường bắt đầu từ những thị trường hẹp, sau đó mở rộng dần phạm vi hoạt động. DNN&V cần tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ trong sản xuất và vận hành, như: AI, dữ liệu lớn và IoT... Những ứng dụng này có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng suất.
Xin trân trọng cảm ơn ông!