Tạo cơ chế linh hoạt để văn hóa-thể thao trở thành động lực phát triển

Từ câu chuyện các nhà hát bị 'kẹt' trong cơ chế mua sắm như đầu tư công, đến việc đấu thầu biểu diễn theo tiêu chí 'giá rẻ nhất', PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, cần tạo cơ chế linh hoạt để văn hóa-thể thao trở thành động lực phát triển.

Văn hóa-thể thao đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế tri thức và phát triển con người bền vững. (Ảnh minh họa: DUY LINH)

Văn hóa-thể thao đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế tri thức và phát triển con người bền vững. (Ảnh minh họa: DUY LINH)

Trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 9 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các luật khác, PGS, TS Bùi Hoài Sơn đã chia sẻ góc tiếp cận từ lĩnh vực văn hóa-thể thao - một lĩnh vực mà theo vị đại biểu Quốc hội này vừa đặc thù, vừa đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế tri thức và phát triển con người bền vững.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những điểm sửa đổi trong Luật Đấu thầu và các luật khác lần này, đặc biệt từ góc nhìn lĩnh vực văn hóa-thể thao?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Liên quan dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các luật khác, với góc tiếp cận từ lĩnh vực văn hóa-thể thao một lĩnh vực vừa đặc thù, vừa đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế tri thức và phát triển con người bền vững, tôi hoan nghênh việc sửa đổi khoản 7 Điều 3 và bổ sung các khoản khoản 8, 9, 10 Điều 2 của Luật Đấu thầu.

Đây là một bước đột phá tháo gỡ nút thắt đã tồn tại nhiều năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật như bảo tàng, thư viện, nhà hát, trường nghệ thuật, hay lĩnh vực thể thao với các thiết chế như nhà thi đấu, sân vận động...

Lâu nay, các đơn vị này, mặc dù có nguồn thu hợp pháp từ hoạt động sự nghiệp, lại vẫn bị ràng buộc chặt bởi các quy trình đấu thầu giống như một dự án đầu tư công. Điều này làm giảm tính chủ động, linh hoạt, ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức biểu diễn, mua sắm thiết bị trình chiếu, triển khai hoạt động sáng tạo và bảo tồn di sản.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)

PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)

Việc sửa đổi như dự thảo cho phép các đơn vị tự chủ tài chính (nhóm 1 và nhóm 2) được tự quyết định mua sắm thường xuyên, phục vụ hoạt động chuyên môn mà không phải áp dụng đầy đủ quy trình đấu thầu. Điều này phù hợp với tinh thần đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công. Đây là bước đi đúng hướng, cần được tiếp tục cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn đồng bộ.

Phóng viên: Còn về nội dung sửa đổi liên quan đến ưu tiên các doanh nghiệp sáng tạo, công nghệ cao trong hoạt động đấu thầu, ông có đề xuất gì thêm?

PGS, TS. Bùi Hoài Sơn: Việc bổ sung quy định ưu tiên doanh nghiệp sáng tạo, công nghệ cao và sản phẩm số nội địa là hết sức cần thiết. Tôi đề nghị Quốc hội ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 3 Điều 10 của Luật Đấu thầu, trong đó quy định ưu tiên về năng lực, kinh nghiệm, hồ sơ dự thầu đối với các doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao và sản phẩm công nghệ số nội địa.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế sáng tạo, truyền thông kỹ thuật số, thể thao vốn đang là xu hướng phát triển của thế giới và là một trong 12 ngành được Chính phủ xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030.

Tôi kiến nghị mở rộng thêm quy định này đối với các sản phẩm văn hóa-nghệ thuật có bản quyền trong nước, đặc biệt là các dự án phim, nhạc, chương trình biểu diễn, triển lãm số hóa và các sản phẩm thể thao… khi tham gia cung ứng dịch vụ công hoặc các dự án đấu thầu sử dụng ngân sách, nhằm khuyến khích tiêu dùng văn hóa nội địa và hỗ trợ nghệ sĩ, nhà sản xuất nội.

Những giá trị văn hóa truyền thống góp phần khơi dậy lòng tự tôn dân tộc. (Ảnh minh họa: THẾ ĐẠI)

Những giá trị văn hóa truyền thống góp phần khơi dậy lòng tự tôn dân tộc. (Ảnh minh họa: THẾ ĐẠI)

Phóng viên: Trong các trường hợp đặc thù như tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn di sản hay sản phẩm yêu cầu bản quyền, liệu việc chỉ định thầu có phù hợp không, thưa ông?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đây là nội dung rất đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Điều 23 và 29 Luật Đấu thầu, cho phép chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, trong đó có các dự án mang tính đặc thù về bảo tồn di sản, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn tại di tích, hoặc dự án có yêu cầu bản quyền, tương thích công nghệ và với các dự án thể thao.

Nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, các chương trình di sản, thể thao thường không thể áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh theo tiêu chí “giá thấp nhất”. Việc này nếu áp dụng máy móc sẽ dẫn đến hiện tượng nhà cung cấp kém chất lượng thắng thầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín văn hóa, chất lượng nghệ thuật và cả hiệu quả giáo dục cộng đồng.

Tôi kiến nghị Chính phủ khi ban hành nghị định hướng dẫn, cần có danh mục hoặc tiêu chí rõ ràng xác định các dự án văn hóa-nghệ thuật-thể thao được áp dụng hình thức lựa chọn đặc biệt hoặc chỉ định thầu, bảo đảm công khai, minh bạch nhưng không cứng nhắc.

Phóng viên: Nhìn tổng thể, theo ông việc sửa đổi luật lần này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển văn hóa-thể thao trong kỷ nguyên công nghiệp văn hóa và chuyển đổi số?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đổi mới thể chế là chìa khóa để phát triển văn hóa-thể thao. Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà văn hóa-thể thao không còn chỉ là lĩnh vực tiêu dùng ngân sách, mà trở thành nguồn lực phát triển, động lực đổi mới sáng tạo và sức mạnh mềm của quốc gia.

Việc sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các luật có liên quan theo hướng cởi mở hơn, linh hoạt hơn, phù hợp hơn với đặc thù ngành văn hóa là điều rất đáng hoan nghênh và cần thiết. Nhưng đi kèm đó, chúng ta cũng cần hệ thống tiêu chuẩn giám sát và hậu kiểm chặt chẽ, để ngăn chặn tình trạng lạm dụng chỉ định thầu hoặc đầu tư không hiệu quả.

Tôi xin trân trọng kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua các sửa đổi nêu trên, đồng thời giao Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để các thiết chế văn hóa-thể thao có thể thực sự phát huy được vai trò của mình trong kỷ nguyên công nghiệp văn hóa và chuyển đổi số hiện nay.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-co-che-linh-hoat-de-van-hoa-the-thao-tro-thanh-dong-luc-phat-trien-post881045.html