Tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn
Nhóm lĩnh vực thứ hai thuộc trách nhiệm trả lời chất vấn của tư lệnh các ngành: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, nhưng trong phiên chất vấn chiều 6.11, các câu hỏi của đại biểu Quốc hội chủ yếu tập trung cho lĩnh vực giao thông vận tải.
Như chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là mặc dù rất mong các bộ trưởng khác có cơ hội để báo cáo kết quả công việc và những thực trạng, giải pháp của ngành mình, vì lĩnh vực kinh tế ngành rất rộng, nhưng các đại biểu vẫn tiếp tục đặt câu hỏi về giao thông.
Cũng dễ hiểu, bởi đây không chỉ là lĩnh vực được giao đảm trách một phần việc rất quan trọng của nền kinh tế quốc dân, mà xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng (cùng với hoàn thiện đồng bộ thể chế và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao) chính là một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định.
Các câu hỏi dành cho "tư lệnh ngành" giao thông vận tải tập trung vào các vấn đề như: việc điều chỉnh thời gian hoàn thành và tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; chất lượng công trình hạ tầng giao thông; việc xử lý các trạm BOT; huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải; việc thu hút các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vào lĩnh vực giao thông vận tải; việc nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe hoặc 4 làn xe mà không có làn dừng xe khẩn cấp thành đường ô tô phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc theo quy định…
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) về trách nhiệm trong việc trình dự án đầu tư công không chính xác dẫn đến tình trạng đội vốn, kéo dài thời gian thực hiện dự án của các dự án giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, trong kỳ đầu tư công trung hạn 2021-2025, phần lớn các dự án Bộ được giao đã được phê duyệt và triển khai tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư hoặc nếu có cũng rất ít.
Dẫn ra 3 dự án có tăng tổng mức đầu tư tăng tương đối cao so với dự kiến ban đầu là dự án cầu Rạch Miễu 2, nối giữa Bến Tre và Tiền Giang; đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh giữa Đồng Tháp và Tiền Giang; đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh thuộc Đồng Tháp, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân chính dẫn đến việc đội vốn của những dự án này liên quan đến đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng của các địa phương.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã thực hiện rất nghiêm túc, và cá nhân Bộ trưởng đã có những văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, thậm chí gửi cho cả các bộ, ngành liên quan, để cùng tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý trách nhiệm. Đối với nhà thầu, Bộ đã có những chế tài để xử phạt. Và đối với Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư cũng phải có chế tài để kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, kể cả các cơ quan thẩm định thuộc Bộ Giao thông vận tải. Đặc biệt, liên quan đến xử phạt các đơn vị tư vấn, "Bộ sẽ thực hiện rất nghiêm túc và nghiêm khắc, kể cả về vấn đề phạt tiền cũng như phương án xử lý theo hướng không cho phép hoặc hạn chế cho phép tham gia thầu các dự án khác của Bộ”, Bộ trưởng khẳng định.
Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ghi nhận những kết quả đã đạt được cũng như tinh thần thẳng thắn, nhận trách nhiệm về những việc chưa làm được, những hạn chế, thiếu sót của Bộ và cá nhân Bộ trưởng trong điều hành, quản lý lĩnh vực được giao quản lý, đồng thời đưa ra giải pháp, thời gian thực hiện cụ thể đối với khá nhiều “đầu việc”, song từ thực tiễn cuộc sống, cử tri và Nhân dân cũng như đại biểu đều đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao với ngành giao thông vận tải.
Đơn cử, liên quan đến vấn đề được nhiều đại biểu tranh luận, đó là việc thiết kế, xây dựng đường cao tốc mỗi bên 2 làn mà không có làn dừng khẩn cấp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ: Vốn liếng của chúng ta không có nhiều, cho nên phân kỳ đầu tư là đúng. Nhưng vấn đề phân kỳ đầu tư phải đạt được mức tối thiểu như thế nào để bảo đảm an toàn giao thông là một vấn đề đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải suy nghĩ.
"Ngay cả những đoạn vừa hoàn thành trong cao tốc Bắc Nam, đoạn Cao Bồ - Thanh Hóa, Thanh Hóa - Diễn Châu, theo quan sát của chúng tôi và nhiều người cũng nói rằng, số lượng xe tham gia giao thông rất ít, vì thứ nhất tốc độ chỉ còn 80 km/h và thứ hai là không có làn dừng khẩn cấp; chỉ cần một xe bị tai nạn hoặc bị xịt lốp thì tắc nghẽn hết tất cả. Cho nên, rất cần phải xem xét chuyện này", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Trong phiên chất vấn chiều 6.11, nhóm lĩnh vực kinh tế ngành chưa sử dụng hết thời lượng 190 phút dự kiến dành cho phiên chất vấn. Cùng với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đều đã tham gia trả lời các chất vấn của đại biểu.
Trong phiên chất vấn sáng nay, 7.11, Quốc hội dành 60 - 70 phút để tiếp tục chất vấn với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành. Trong đó, có 3 đại biểu đã đăng ký tranh luận với các Bộ trưởng.
Mong rằng, tiếp nối tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, các bộ trưởng sẽ tiếp tục làm rõ hơn thực trạng tình hình của ngành, lĩnh vực được giao quản lý, công tâm, khách quan trong đánh giá những kết quả nổi bật đã làm được, đồng thời nhìn thẳng vào những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện, góp phần mạnh mẽ để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được tái giám sát, tái chất vấn.