Tạo bước đột phá mới
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc đề nghị phê duyệt Đề án 'Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội'.
Theo lộ trình cụ thể, dự kiến, tháng 10/2024, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội sẽ ra mắt, đây là một bước đột phá mới để hướng tới nền hành chính phục vụ, hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại, giảm sự cồng kềnh về bộ máy, tiết kiệm kinh phí.
Hà Nội không phải là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình này. Thực tế, một số địa phương khi áp dụng mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ nét trong việc mang lại sự hài lòng cho tổ chức, công dân khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Với Hà Nội, trong những năm vừa qua, với mục tiêu “lấy sự hài lòng của người dân, DN là thước đo đánh giá hiệu quả công tác của các cấp chính quyền”, công tác cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đã được triển khai với nhiều giải pháp mới.
Trong đó, TP đã thực hiện đơn giản hóa, phân cấp, ủy quyền với hàng loạt TTHC; hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP…
Đặc biệt, TP đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: hệ thống thông tin báo cáo TP; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung TP; kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và DN qua ứng dụng Zalo; ứng dụng quản lý cuộc họp Ban Cán sự Đảng UBND TP…
Từ đó, đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của các cơ quan hành chính Nhà nước, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cơ quan trong cải cách hành chính; đổi mới phương thức, phong cách làm việc, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Với mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội sẽ tạo ra một tổ chức đủ mạnh, một đầu mối tập trung duy nhất trong thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; giúp TP kiểm soát toàn bộ quy trình giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng chính quyền số khi Trung tâm sẽ quản trị, phát triển các hạ tầng, nền tảng, ứng dụng dùng chung phục vụ người dân, DN: hệ thống thông tin giải quyết TTHC; nền tảng Công dân Thủ đô số; công cụ thanh toán số; hệ thống giám sát tập trung; hệ thống phân tích, chia sẻ dữ liệu; trợ lý ảo...
Hơn thế nữa, như việc tính toán từ Đề án của TP cho thấy, việc thành lập Trung tâm sẽ giảm số lượng bộ phận "một cửa" (giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh); giảm phí cho cơ sở hạ tầng, bảo trì và các chi phí vận hành khác, giảm nhân sự, góp phần tiết kiệm ngân sách… Những nguồn lực này có thể được sử dụng trong đầu tư công nghệ hỗ trợ quá trình số hóa và tự động hóa các TTHC, cải thiện chất lượng dịch vụ…
Điều người dân kỳ vọng ở mô hình này không chỉ bởi quy trình giải quyết TTHC sẽ tiếp tục minh bạch, rõ người, rõ việc hơn trong từng bước, không có khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết; kết quả giải quyết được trả đúng và trước thời gian theo quy định, mà còn bởi tiến đến sự hiện đại trong quản trị.
Người dân và DN sẽ không cần phải đi lại nhiều nơi, mất nhiều thời gian khi giải quyết những thủ tục liên thông. Với những giải pháp hiện hữu cùng với sự ra đời của mô hình này, công tác cải cách hành chính tại Hà Nội sẽ có thêm những bước tiến mới, đặc biệt là việc nâng cao các chỉ số quan trọng phản ánh sự hài lòng của người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ người dân, DN.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-buoc-dot-pha-moi.html