Tăng trưởng xanh - lựa chọn chiến lược để Việt Nam vững bước tới Net Zero
Việt Nam đang hướng đến một tương lai thịnh vượng với mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này, Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức lớn, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. Thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính và phát triển kinh tế biển bền vững chính là ba trụ cột chiến lược cần đạt được cho con đường phía trước để hiện thực hóa lời cam kết với tương lai bền vững của đất nước và hành tinh.

Thích ứng với biến đổi khí hậu - ưu tiên không thể trì hoãn
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến các trụ cột kinh tế và xã hội của Việt Nam. Với hơn 3.260 km đường bờ biển, các vùng đất thấp và khí hậu nhiệt đới, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, nắng nóng, xâm nhập mặn đang đe dọa nghiêm trọng đến nông nghiệp, công nghiệp, hạ tầng và sinh kế của hàng triệu người dân.
Báo cáo “Việt Nam 2045 - Tăng trưởng Xanh hơn” của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cảnh báo rằng, nếu không có các hành động thích ứng kịp thời, thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu có thể làm suy giảm tăng trưởng GDP bình quân khoảng 0,5 điểm phần trăm mỗi năm trong thập niên 2020, và dần tăng lên, khiến GDP giảm 9,1% vào năm 2035 và lên tới 12,5% vào năm 2050 so với kịch bản cơ sở, tức là so với tình huống không bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Tác động này không chỉ đến từ suy giảm năng suất, mà còn từ tổn thất về hạ tầng, gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực và gia tăng rủi ro đói nghèo.

Tác động của biến đổi khí hậu đến GDP theo giá so sánh so với kịch bản cơ sở
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng hành động kịp thời và đầu tư thích ứng có thể tạo ra khác biệt lớn. Nếu Việt Nam triển khai các biện pháp thích ứng hiệu quả, như làm mát nơi làm việc, xây dựng hạ tầng chống ngập, cải tiến kỹ thuật canh tác và cải thiện nhà ở, thì có thể tránh được tới 5,8 điểm phần trăm tổn thất GDP so với kịch bản không hành động.
Tổng nhu cầu đầu tư cho thích ứng trong giai đoạn 2025-2050 ước tính vào khoảng 233 tỷ USD, tương đương khoảng 0,75% GDP mỗi năm, chủ yếu vào các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, cơ sở hạ tầng chống chịu và bảo vệ người lao động. Ngoài đầu tư công, khu vực tư nhân và hộ gia đình đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, họ đang gặp trở ngại lớn về thông tin khí hậu, tài chính và khả năng tiếp cận công nghệ. Một số nông dân đã áp dụng các phương thức canh tác thích ứng như tưới ướt khô xen kẽ (AWD), sử dụng giống lúa chịu hạn mặn, hay các doanh nghiệp cũng chủ động chống ngập bằng thiết bị bơm di động… Những hành động như vậy cần được nhân rộng, thông qua hỗ trợ bằng chính sách, tín dụng ưu đãi và phổ biến kinh nghiệm.

Tác động của các biện pháp thích ứng đến GDP theo giá so sánh
Do đó vai trò điều phối, tạo khung pháp lý và hỗ trợ tài chính trở nên then chốt để kích hoạt các nguồn lực xã hội hóa. Giai đoạn 2026-2030, Việt Nam cần khẩn trương lồng ghép các rủi ro khí hậu vào kế hoạch đầu tư công, phát triển chương trình bảo hiểm rủi ro dựa trên tham số, điều chỉnh thuế đất và tài khóa để khuyến khích đô thị hóa bền vững. Các hệ thống cảnh báo sớm, dữ liệu thời tiết, và công cụ tài chính dự phòng cần được triển khai rộng rãi để giúp doanh nghiệp và người dân hành động kịp thời.
Hài hòa giữa tăng trưởng và giảm phát thải: Không có lối tắt
Việt Nam đang đối mặt với bài toán kép: Duy trì tăng trưởng kinh tế cao trong khi phải giảm phát thải nhà kính. Phát triển kinh tế của Việt Nam trong các thập kỷ qua phần lớn dựa vào điện than và các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng. Dù phát thải bình quân đầu người còn thấp, cường độ phát thải của Việt Nam (tính theo đơn vị GDP) cao hơn 45% so với mức trung bình của các quốc gia thu nhập trung bình.
Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2022 và đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) đặt ra mục tiêu giảm 43,5% phát thải vào năm 2030 và đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tách tăng trưởng kinh tế khỏi tăng trưởng phát thải một cách căn cơ và nhanh chóng.
Các bước chuyển đang được thực hiện: Quy hoạch điện 8 đã tăng gấp 5 lần mục tiêu điện mặt trời lên 73 GW và gần gấp đôi mục tiêu điện gió lên 38 GW đến năm 2030. Việt Nam cũng đặt nền móng cho hệ thống giao dịch phát thải (ETS), sẽ thí điểm từ năm 2025 trong các ngành điện, xi măng và thép. Trong nông nghiệp, cam kết giảm phát thải mê-tan 30% vào năm 2030 đã được đưa ra phù hợp với cam kết tại COP26.

Cơ cấu phát thải ở Việt Nam theo từng ngành
Tuy nhiên, những nỗ lực này cần đi kèm với các điều kiện thể chế và tài chính vững mạnh. Đầu tư vào lưới điện, lưu trữ năng lượng, công nghệ tiết kiệm năng lượng và phương tiện giao thông xanh là những yếu tố bắt buộc. Việt Nam cần xây dựng thị trường tín chỉ các-bon hoạt động minh bạch, thúc đẩy định giá các-bon, và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đồng thời, các gói hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động trong ngành có cường độ phát thải cao là một phần không thể thiếu trong chiến lược chuyển đổi công bằng.
Trong giai đoạn 2026-2030, các chính sách cần tập trung vào định giá phát thải bằng thuế hoặc thị trường, cải cách ưu đãi đầu tư xanh, triển khai chương trình dán nhãn năng lượng, đồng thời hỗ trợ các ngành then chốt thực hiện lộ trình giảm phát thải hợp lý. Chính phủ có thể đóng vai trò tạo lập thị trường qua các “khoản mua xanh” (các chương trình mua sắm công ưu tiên hàng hóa, dịch vụ và công nghệ thân thiện với môi trường) hoặc đầu tư công định hướng phát triển sạch đóng vai trò như một "cầu nối thị trường", giúp lấp khoảng trống tài chính ban đầu, tạo tiền đề để khu vực tư nhân cùng tham gia.
Nhà nước có thể hỗ trợ định hướng thị trường thông qua các quy định về phân loại xanh, tiêu chuẩn sản phẩm, hoặc thậm chí các chương trình chia sẻ rủi ro, giúp các doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ sạch không phải gánh toàn bộ chi phí ban đầu. Điều này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực khó giảm phát thải như xi măng, thép, giao thông vận tải.
Báo cáo của WB cũng lưu ý rằng những hành động đầu tư của Chính phủ không chỉ nhằm “bơm vốn”, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa về mặt thể chế và hành vi, như nâng cao năng lực đánh giá dự án xanh trong hệ thống tài chính quốc gia, cải cách quy trình đấu thầu công theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn cho các dự án năng lượng sạch
Kinh tế biển - mắt xích chiến lược của phát triển xanh
Kinh tế biển là một phần không thể thiếu trong định hướng phát triển xanh hơn của Việt Nam. Với lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên sinh học và hệ sinh thái phong phú, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, việc làm và an ninh sinh thái. Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức, ô nhiễm và quy hoạch chồng chéo đang cản trở phát triển bền vững.
Nghị quyết 36 đã đặt ra chiến lược tổng thể về kinh tế biển bền vững, hướng đến xây dựng các vùng ven biển thành trung tâm phát triển văn hóa - kinh tế - sinh thái. Nhưng để hiện thực hóa tầm nhìn này, Việt Nam cần cải thiện quản trị biển, tăng cường giám sát và đầu tư bài bản hơn.
Trong giai đoạn 2026-2030, báo cáo của WB khuyến nghị các hành động cụ thể như: hỗ trợ nghề cá nhỏ và nuôi trồng thủy sản chuyển sang công nghệ sạch, cung cấp tín dụng xanh cho hạ tầng cảng biển, tích hợp hệ sinh thái vào quy hoạch không gian biển, và đặc biệt triển khai hệ thống chứng nhận bền vững định kỳ hai năm một lần để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và xã hội.
Cơ chế chia sẻ rủi ro, ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giám sát biển, và phát triển khu bảo tồn biển hiệu quả cũng cần được ưu tiên. Nếu được triển khai đồng bộ, kinh tế biển sẽ trở thành mắt xích quan trọng giúp Việt Nam đạt được cả ba mục tiêu: tăng trưởng, chống chịu và phát thải thấp.
Hành động đồng bộ cho tương lai bền vững
Việt Nam đang đối mặt với một bước ngoặt lớn. Ba trụ cột chiến lược - thích ứng với khí hậu, giảm phát thải và phát triển kinh tế biển - không chỉ là giải pháp ứng phó, mà là động lực để Việt Nam xây dựng mô hình tăng trưởng mới, hiệu quả và công bằng hơn.
Không có con đường tắt trong hành trình tiến đến phát triển bền vững. Đó là hành trình của các quyết định chính sách dũng cảm, đầu tư thông minh và đồng thuận xã hội sâu rộng. Mỗi đô thị chống chịu, mỗi cánh đồng lúa bền vững, mỗi nhà máy tiết kiệm năng lượng và mỗi tàu cá xanh đều là viên gạch xây nên tương lai chung.
Cửa sổ cơ hội đang mở, nhưng không chờ đợi. Việt Nam phải hành động ngay, không chỉ để ứng phó, mà để dẫn đầu. Tăng trưởng xanh không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn để năm 2045, Việt Nam không chỉ là quốc gia thu nhập cao, mà còn là hình mẫu phát triển xanh cho cả thế giới trong nỗ lực tìm kiếm con đường bền vững.