Tăng trưởng tín dụng tăng đột phá, 6 tháng đạt gần 10%
Tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2022 đến nay.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà thông tin tại họp báo
Sáng ngày 8/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025.
Phát biểu tại họp báo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Đồng thời đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2022 đến nay.
Theo Phó Thống đốc, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh. Tính đến tháng 5/2025, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 6,54%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 10,39%; xây dựng chiếm 7,77% (bao gồm cả các dự án đầu tư hạ tầng và các lĩnh vực Chính phủ khuyến khích đầu tư); bán buôn, bán lẻ chiếm 23,86% tổng dư nợ.
Xét theo các lĩnh vực ưu tiên, tính đến tháng 5/2025, các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của nền kinh tế và có sự tăng trưởng quan trọng, trong đó nông nghiệp, nông thôn chiếm 23%, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 19%, công nghiệp hỗ trợ chiếm 15,69%, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 17,59%.
Theo lãnh đạo NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2025, NHNN tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.
Đến nay, lãi suất cho vay bình quân (đối với các khoản vay mới) đã giảm 0,64%, xuống còn 6,24%.
Trong những tháng cuối năm, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay; tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.