Tăng trưởng có thể không phản ánh đúng nền kinh tế

Tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản đều giảm so với năm 2022 có thể là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng năm 2023 thiếu thực chất, không phản ánh đúng sức khỏe của nền kinh tế.

Xuất siêu tăng, nhập khẩu giảm mạnh năm 2023 là dấu hiệu cho thấy sản xuất đang suy yếu. Ảnh: Hoàng Anh

Xuất siêu tăng, nhập khẩu giảm mạnh năm 2023 là dấu hiệu cho thấy sản xuất đang suy yếu. Ảnh: Hoàng Anh

Vượt qua năm 2023 được đánh giá là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế, Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng tương đối cao so với khu vực và thế giới với những dấu hiệu đặt nền móng cho sự phục hồi.

Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, tăng trưởng kinh tế năm 2023 vẫn chưa được cải thiện về chất lượng, lộ rõ sự suy yếu ở những yếu tố cầu như tiêu dùng và đầu tư.

Cụ thể, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng khoảng 3,5%, chưa bằng một nửa năm 2022. Tích lũy tài sản (phản ánh đầu tư tài sản) cũng giảm tốc khi chỉ tăng trưởng gần 4,1%.

Tốc độ tăng của cả hai chỉ tiêu nói trên đều thấp hơn tốc độ tăng GDP, cho thấy tăng trưởng năm 2023 chủ yếu đến từ xuất khẩu ròng, do xuất khẩu giảm hơn 2,5% trong khi nhập khẩu giảm đến hơn 4,3%. Tuy nhiên, mức nhập khẩu suy giảm là dấu hiệu của việc sản xuất đang gặp khó khăn.

Do đó, mức tăng trưởng năm 2023 có thể không đánh giá thực chất về sức khỏe của nền kinh tế. Trái lại, sự suy yếu từ phía cầu được thể hiện qua các số liệu có thể gây ra nhiều hệ lụy như sụt giảm sản xuất công nghiệp, giảm thu nhập và chi tiêu, là hiện tượng hết sức nguy hiểm trong bối cảnh năm 2024 với những khó khăn, bất định vẫn còn bủa vây nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Với tình hình này, ông Chương đánh giá, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6 – 6,5% như Quốc hội đề ra cho năm 2024 là rất thách thức.

Đồng quan điểm, GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng quản lý khoa học, Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho biết, việc quản lý tổng cầu trong giai đoạn vừa qua bộc lộ nhiều vấn đề.

Trong khi đó, đầu tư tư nhân lại gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo sự chững lại của cả nền kinh tế. Điều này được phản ánh rõ nét trong bức tranh quý I/2024 theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khi số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động không ngừng tăng và đã vượt qua số thành lập mới hoặc quay lại thị trường.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào bất động sản. Do đó, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa qua cũng là yếu tố khiến cộng đồng doanh nghiệp suy yếu và kiệt quệ.

Các kênh huy động vốn khác như hệ thống tài chính tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng cũng bộc lộ nhiều vấn đề và tiềm ẩn không ít rủi ro. Hệ quả, doanh nghiệp thiếu vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong khi lượng lớn tiền của nền kinh tế đang “mắc kẹt”.

Trước tình thế chất lượng tăng trưởng không có chiều sâu và động lực tăng trưởng vẫn còn chưa rõ ràng, theo ông Trung, Việt Nam vẫn cần tập trung vào các chính sách thúc đẩy từ phía cầu để đạt được mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn, trước mắt là mục tiêu 2024.

Trong đó, chính sách tài khóa nghịch chu kỳ (nới lỏng tài khóa để tăng cung tiền khi nền kinh tế gặp nhiều lực cản) cần tiếp tục được đẩy mạnh khi nợ công có xu hướng giảm và ngân sách không gặp tình trạng căng thẳng. Ông Trung lưu ý, Chính phủ nên đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt chứ không thể là động lực tăng trưởng trong dài hạn. Do đó, trong ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2023, nhóm chuyên gia Trường đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh cần phải tập trung đầu tư cho khu vực tư nhân, từ đó tạo ra tính lan tỏa cho nền kinh tế.

“Cần khơi thông lại nguồn lực để đưa đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất”, ông Trung nhấn mạnh.

Nhật Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tang-truong-co-the-khong-phan-anh-dung-nen-kinh-te-1713427230728.htm