Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần lộ trình hợp lý để doanh nghiệp thích ứng
Chia sẻ tại Hội thảo 'Sửa thuế thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp' do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/8, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu một số kiến nghị.
Ông Hiếu cho rằng, việc tăng thuế là cần thiết, tuy nhiên tính thuế sao cho hợp lý để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp vẫn là một bài toán khó. Tại Hội thảo, vị chuyên gia này đã đưa ra 5 vấn đề cần cân nhắc khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt, đặc biệt là với đồ uống.
Một là, cần xem xét kỹ lưỡng lộ trình đánh thuế. Ông Hiếu cho rằng không thể chỉ dừng lại ở hai phương án đã đề xuất mà cần phải bổ sung thêm một lộ trình đánh thuế khác biệt. Lộ trình này nên có thời gian giãn cách khoảng 2 - 3 năm trước khi bắt đầu áp dụng thuế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ thời gian để thích ứng. “Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc bắt đầu đánh thuế từ năm 2027 là hợp lý”, ông Hiếu nói.
Hai là, cần xác định rõ ràng mức thuế suất cao nhất sẽ áp dụng đến năm 2030 là bao nhiêu? Nếu mức thuế được đặt quá cao có thể làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của Nhà nước. Hơn nữa, việc xác định mức thuế suất cao nhất cần dựa trên các cơ sở thuyết phục và khoa học.
Ba là, cần có sự khác biệt trong mức thuế áp dụng cho các loại đồ uống, đơn cử như bia so với rượu. Đối với bia, đặc biệt là các loại bia có nồng độ cồn 0%, không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Đề xuất này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, hướng tới các sản phẩm ít tác động tiêu cực hơn đến sức khỏe. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia nên thấp hơn mức thuế áp dụng cho rượu.
Bốn là, cần xem xét lại mức thuế nhập khẩu đối với rượu. Nếu hiện nay đang miễn thuế cho các loại rượu có nồng độ cồn dưới 20 độ, cần cân nhắc lại để đảm bảo sự công bằng giữa các sản phẩm trong nước và nhập khẩu.
"Hiện nay, thuế nhập khẩu rượu dưới 20 độ từ Hàn Quốc bằng 0, nếu đây là thông tin chính xác thì việc đánh thuế rất quan trọng. Tôi lăn tăn có nên tăng thuế với rượu không, tăng mức bao nhiêu là phù hợp. Ưu thế là gì, ảnh hưởng về hành vi tiêu dùng ra sao, nếu đánh thuế rượu đóng chai có thương hiệu, khiến giá tăng cao, thì nhu cầu rượu thủ công sẽ cao hơn, khiến mục tiêu không đạt, nhà sản xuất bị ảnh hưởng, điều này sẽ gây tác dụng ngược", ông Hiếu nêu quan điểm và kiến nghị có lộ trình tăng thuế riêng đối với rượu.
Năm là, việc chỉ tăng thuế là chưa đủ, cần phải đi kèm với các biện pháp quản lý khác. Ví dụ, cần tăng cường xử lý các hành vi gian lận thương mại và kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất rượu thủ công. Điều này không chỉ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đảm bảo các sản phẩm này phải chịu thuế như những sản phẩm được sản xuất trong nhà máy.
Có thể thấy, trong bối cảnh này, bất kỳ quyết định tăng thuế nào đều cần đến sự xem xét kỹ lưỡng về tác động xã hội và chủ trương chính sách của cơ quan quản lý. Việc duy trì chính sách hiện hữu trong vài ba năm tới là một trong những giải pháp bền vững, là một chủ trương đúng, được công luận đồng tình, các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế ủng hộ vì giúp Chính phủ nuôi dưỡng nguồn thu trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngành rượu, bia, đồ uống rất cần sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước để có thể duy trì, ổn định sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt đã phải mất rất nhiều năm để có thể gây dựng tên tuổi trên thị trường trong nước, dần vươn ra thị trường thế giới. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cần có chính sách phù hợp để doanh nghiệp thích ứng, ngược lại có thể khiến doanh nghiệp đánh mất vị thế, thậm chí suy yếu, phải rời bỏ thị trường.