Tăng lương cơ sở: Bệnh viện công chật vật
Trong khi các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước phấn khởi vì được điều chỉnh nâng mức lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng, thì các đơn vị tự chủ chi thường xuyên, trong đó có các bệnh viện, lại chật vật co kéo, tìm giải pháp tăng thu. Nhiều bệnh viện đã và đang phải cắt giảm khoản chi phúc lợi, hỗ trợ hoạt động đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất… Thực tế này rất cần sự quan tâm của Nhà nước trong việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) trên tinh thần tính đúng, tính đủ.
Là đơn vị thuộc nhóm 2 - nhóm tự chủ chi thường xuyên, với 173 cán bộ, viên chức, người lao động, sau khi Nhà nước điều chỉnh lương mới (từ tháng 7-2024), Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình phải chi thêm trên 500 triệu đồng tiền lương và các khoản phụ cấp khác mỗi tháng (tương đương mỗi năm cần tăng thêm ít nhất trên 6 tỷ đồng). Trong khi đó, giá dịch vụ KCB bảo hiểm y tế - nguồn thu chính của Bệnh viện vẫn giữ nguyên. Điều này khiến Ban Giám đốc Bệnh viện khá "đau đầu" trong việc đảm bảo lương, phụ cấp và các khoản chi khác cho hoạt động của đơn vị.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình: Nguồn thu của Bệnh viện những năm qua không hề dư dả, cơ bản đảm bảo chi lương và các khoản phụ cấp khác. Chỉ có một phần không nhiều dành cho chi hỗ trợ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; sửa chữa trang thiết bị và đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cấp phần mềm, phần cứng quản lý bệnh viện. Khi thực hiện theo lương mới, đơn vị không còn nguồn hoặc còn không đáng kể để đầu tư vào các nội dung công việc khác ngoài lương và phụ cấp. Càng khó khăn hơn trong việc có thu nhập tăng thêm cho cán bộ, người lao động vào dịp cuối năm.
Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa cũng gặp khó khăn tương tự. Chính vì thế, sau 2 tháng kể từ ngày áp dụng lương mới, Bệnh viện vẫn chưa thể bố trí được nguồn để trả cho 159 cán bộ, viên chức, người lao động do mỗi tháng cần thêm ít nhất trên 400 triệu đồng. Đây cũng là thực trạng tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ và nhiều cơ sở y tế công lập khác trên địa bàn tỉnh.
Bác sĩ Trần Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa, chia sẻ: Trong khi tổng thu của Bệnh viện không thay đổi, tổng chi lại tăng lên đáng kể khiến đơn vị gặp không ít khó khăn, mặc dù công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt từ 120-140%. Bệnh viện đã phải cắt giảm tối đa các chi phí, tạm dừng chi những khoản chưa cấp thiết, siết chặt quy trình đấu thầu… Trong khi hầu hết nguồn thu của Bệnh viện đều từ công tác KCB bảo hiểm y tế, nhưng giá viện phí theo quy định thì chưa tăng tương ứng. Để giải "bài toán" khó khăn này, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, thái độ phục vụ người bệnh, quan tâm đào tạo bác sĩ chuyên sâu... Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp cần, mà chưa đủ.
Cũng theo bác sĩ Trần Ngọc Thắng và lãnh đạo một số bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện và Sở Y tế, điều quan trọng nhất để giải bài toán này là giá viện phí được tính đúng, tính đủ. Chỉ có như thế thì bệnh viện công mới có nguồn lực để đầu tư, phát triển toàn diện, đảm bảo đời sống cho cán bộ, người lao động…, tránh tình trạng các bệnh viện phải "co kéo" từ các nguồn.
Thực tế cho thấy, trong khi có 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, thì hiện vẫn còn 2 yếu tố chưa được tính (chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định), 5 yếu tố còn còn lại tuy đã được tính nhưng chưa đủ. Theo tính toán của một số bệnh viện, giá các loại dịch vụ hiện cần tăng ít nhất 15% thì mới đảm bảo mức tăng lương hiện nay. Hiện, hầu hết người dân đều đã có thẻ bảo hiểm y tế nên việc tăng giá KCB không làm ảnh hưởng nhiều đến người dân.
Không chỉ các bệnh viện tuyến huyện, ngay cả các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương cũng không tránh khỏi khó khăn sau đợt điều chỉnh tăng lương cao nhất từ trước đến nay đối với cán bộ, công chức, viên chức. Để các bệnh viện công không phải "co kéo" từ các nguồn, thậm chí là tránh cả những tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động KCB, rất cần sự quan tâm, điều chỉnh sớm của Nhà nước đối với giá các dịch vụ, kỹ thuật, trên cơ sở tính đúng, tính đủ. Qua đó cũng sẽ giúp các đơn vị có khả năng, điều kiện đãi ngộ nhân viên, đặc biệt là giữ chân và thu hút bác sĩ về công tác. Cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở, để các bệnh viện có thêm nguồn lực nâng cao chất lượng KCB, giúp hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, gây quá tải không cần thiết cho tuyến trên như đã và đang xảy ra ở nhiều bệnh viện công hiện nay.