Tăng cường trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho trẻ em trong dịp hè

Tai nạn, thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Vào mùa hè, khi học sinh được nghỉ học, nguy cơ trẻ em xảy ra tai nạn thương tích càng tăng cao. Ðể kỳ nghỉ hè của các em bổ ích, an toàn, việc trang bị các kỹ năng cơ bản cho trẻ là điều hết sức cần thiết, nhất là khi tình hình cháy nổ đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Dạy trẻ kỹ năng thoát nạn khi có hỏa hoạn

Trong những tiết học cuối năm tại trường THCS Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, sau khi các em hoàn thành bài thi cuối kỳ, Công an huyện Đan Phượng đã phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện tổ chức các tiết học tăng cường giáo dục kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng thoát nạn trong các đám cháy, sơ cấp cứu người bị thương trong các đám cháy… cho các em học sinh toàn huyện.

Ngay trong tiết học về kiến thức phòng cháy, chữa cháy, Cô giáo chủ nhiệm kết hợp với cán bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) cùng đứng lớp để truyền giảng cho học sinh về kiến thức cơ bản nhận biết các dấu hiệu của đám cháy, nguy cơ gây tai nạn và có kỹ năng báo động khi xảy ra cháy; cách sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy với thiết bị chữa cháy mô hình, thực hành kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc; kỹ năng sử dụng thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ; cách phòng tránh, sơ, cấp cứu các tai nạn, sự cố thường gặp…

Thông qua các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, có thể lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho trẻ

Thông qua các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, có thể lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho trẻ

Là người luôn trăn trở về công tác tuyên truyền PCCC, Thượng tá Đặng Trung Kiên, Phó Trưởng Công an huyện Đan Phượng, chia sẻ, thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội xảy ra một số vụ cháy, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng có nhiều nạn nhân là trẻ em. Qua đó cho thấy tầm quan trọng trong việc trang bị kỹ năng phòng cháy cho trẻ - những đối tượng dễ tổn thương nhất.

“Trong các vụ hỏa hoạn, trẻ em thường là đối tượng có phản xạ kém, tâm lý hoảng hốt, sức khỏe yếu hơn nên việc trang bị cho các em những kỹ năng thoát hiểm trong hỏa hoạn là điều vô cùng cần thiết. Chính vì lý do đó, ngay từ đầu năm, CAH Đan Phượng đã phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện triển khai lồng ghép các tiết học ngoại khóa cho các con. Thông qua các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, giáo viên có thể lồng ghép nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy nhằm giúp trẻ tiếp nhận một cách nhẹ nhàng, thoải mái”, Thượng tá Đặng Trung Kiên chia sẻ.

Hiệu quả tích cực từ những buổi học kỹ năng

Ngay sau khi triển khai, các tiết học hấp dẫn và thu hút các em học sinh chăm chú nghe. Là một trong những học sinh tiếp thu bài nhanh nhất, em Nguyễn Công Tùng, học sinh lớp 7, trường THCS Tân Hội, cho biết: “Con vừa được chú Cảnh sát hướng dẫn cách thoát nạn khi có khói khí độc. Con thấy rất dễ tiếp thu và con cũng dễ dàng áp dụng vào thực tế”.

Trải nghiệm kỹ năng của các em nhỏ tại Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Trung tâm Văn hóa quận Thanh Xuân

Trải nghiệm kỹ năng của các em nhỏ tại Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Trung tâm Văn hóa quận Thanh Xuân

Chia sẻ với phóng viên sau khi dự tiết học về kỹ năng PCCC và CNCH, cô giáo Đỗ Khánh Huyền, Giáo viên trường THCS Tân Hội cho biết, trong năm học, nhà trường đã sắp xếp lịch dạy kỹ năng cho học sinh vào một số buổi đan xen các tiết dạy chính khóa giúp học sinh giảm bớt căng thẳng trong học tập; lồng ghép trong những buổi sinh hoạt và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. “Những buổi học kỹ năng như thế này không chỉ học sinh mà giáo viên chúng tôi khi dự giờ học như thế này cũng thấy rất ý nghĩa”, cô giáo Đỗ Khánh Huyền bộc bạch.

Hướng dẫn trẻ thực hành kỹ năng đeo mặt nạ phòng độc

Hướng dẫn trẻ thực hành kỹ năng đeo mặt nạ phòng độc

Hiện nay, công tác giáo dục, hướng dẫn kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…đang được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội triển khai rộng khắp tại nhiều trường học. Các mô hình trường học an toàn PCCC và các lớp ngoại khóa về kỹ năng thoát nạn, chữa cháy cho học sinh, sinh viên… đều được duy trì và hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn đó các vụ cháy đau thương vừa qua, cướp đi sinh mạng của nhiều em nhỏ… Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và sự cần thiết về việc đưa kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH vào giảng dạy trong các nhà trường.

Nhận định về tầm quan trọng trong việc dạy kỹ năng thoát nạn cho trẻ, Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng - Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội cho rằng, thông qua từng tiết học như vậy, chính các em học sinh tiếp tục là những “tuyên truyền viên” tại gia đình và cộng đồng dân cư nơi các em sinh sống. Để kỹ năng, kiến thức về PCCC ngày được lan tỏa. Đây chính là cơ sở để ngành giáo dục đẩy mạnh tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN triển khai nhiều hoạt động với hình thức đa dạng, phong phú để tiếp cận đến đối tượng là các em học sinh, sinh viên.

Thực hành thoát nạn cho trẻ trong môi trường nhiều khói, không gian hạn chế

Thực hành thoát nạn cho trẻ trong môi trường nhiều khói, không gian hạn chế

“Việc trang bị kiến thức cho các cháu như thế này không chỉ sử dụng trong trường học mà các cháu còn là kênh thông tin để tuyên tải cho các gia đình những kỹ năng mà các cháu tiếp thu được để ứng biến tại khu dân cư của các cháu khi xảy ra sự cố”, Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng nhấn mạnh thêm.

Hiện nay, CATP Hà Nội vẫn đang duy trì mô hình trải nghiệm thực tế tại Trung tâm giáo dục cộng đồng về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đây là chương trình vừa học, vừa chơi, có ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ tại gia đình, cơ quan và trường học. Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức hoạt động định kỳ vào các ngày cuối tuần tại Trung tâm Văn hóa quận Thanh Xuân (số 166 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sau hơn 3 tuần đi vào hoạt động, Trung tâm đã thu hút gần 3.500 lượt khách tới tham quan và trải nghiệm, đặc biệt là các em nhỏ.

Việc nỗ lực đưa kiến thức PCCC &CNCH cho trẻ em sẽ giúp các em dần hình thành một lứa công dân mới với hành trang là những kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH, có thể tự cứu mình, cứu gia đình mình khi có sự cố cháy, nổ xảy ra để từ đó không còn nỗi đau do hỏa hoạn gây ra nữa.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tang-cuong-trang-bi-ky-nang-phong-chay-chua-chay-cho-tre-em-trong-dip-he-post578318.antd