Tăng cường quản lý lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19
Ngày 14-5, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ký ban hành Công điện về tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Ngày 14-5, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ký ban hành Công điện về tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Công điện nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép và nhập cảnh với mục đích tìm việc làm không đúng quy định của pháp luật lao động đang xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước.
Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 2-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nội dung sau.
Thứ nhất: Rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài tại địa phương. Trên cơ sở đó, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký và làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp,… Kiên quyết không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp. Báo cáo kết quả rà soát về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Việc làm) trước ngày 25-5-2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai: Kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tại địa phương, bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30-12-2020 của Chính phủ và khoản 1 Điều 152 Bộ luật Lao động năm 2019 (Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh).
Thứ ba:Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động trái phép và các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động (hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động) và không tuân thủ các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ tư: Chỉ đạo tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn, bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và các quy định của cơ quan y tế. Kiên quyết đình chỉ và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp không bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, thực hiện tốt các nội dung nêu trên và báo cáo Chính phủ việc thực hiện qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tính đến 18 giờ chiều 14-5, Bộ Y tế cho biết, nước ta có tổng cộng 2.357 ca mắc Covid-19 ghi nhận trong nước và 1.459 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 787 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 83.415 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.433 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 34.252 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 47.730 người.