Tăng cường phòng chống sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 412/SNNPTNT-CCTTBVTV gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về việc tăng cường các biện pháp phòng-chống sinh vật gây hại cây trồng giữa và cuối vụ Đông Xuân 2024-2025.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo tổ chức sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2024-2025 trên địa bàn đạt hiệu quả bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đồng thời, chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể của huyện và UBND cấp xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất thực hiện có hiệu quả các kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại cho từng loại cây trồng cụ thể như: tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, thường xuyên theo dõi diễn biến của một số đối tượng sâu bệnh có thể phát sinh gây hại mạnh theo các giai đoạn phát triển của các loại cây trồng và hướng dẫn nông dân thực hiện biện pháp phòng trừ phù hợp cho từng loại sâu bệnh để đạt hiệu quả…
![Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các hội, đoàn thể và UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại trên từng cây trồng cụ thể. Ảnh: Nhật Hào](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_425_51480513/0ab7708942c7ab99f2d6.jpg)
Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các hội, đoàn thể và UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại trên từng cây trồng cụ thể. Ảnh: Nhật Hào
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phân công cán bộ chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến tình hình sinh vật gây hại cây trồng; tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho địa phương để thực hiện; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan chuyên môn cấp huyện tập trung phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả để bảo vệ sản xuất.
Đối với các loại sâu bệnh nguy hiểm như bệnh khảm lá virus hại sắn, bệnh trắng lá mía gây hại cây mía, sâu keo mùa thu hại bắp, bệnh héo chết nhanh, vàng lá chết chậm trên cây hồ tiêu, bệnh Phytophthora hại sầu riêng, bệnh virus hại chanh leo phải cử cán bộ chuyên môn của Chi cục xuống phối hợp cùng địa phương để xử lý, không để lây lan ra diện rộng.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp; đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm dịch thực vật nội địa đối với các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các giống mì, mía...