Tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người

Dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam dự báo vẫn diễn biến khó lường trong thời gian tới và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao cùng với diễn biến thời tiết luôn thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, do đó UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch số 18/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, mục tiêu đưa ra giảm 5-10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình giai đoạn năm 2016-2020. Khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước.

Cụ thể áp dụng các quy định pháp luật, hướng dẫn chuyên môn vào công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Thực hiện các chỉ tiêu chung về chuyên môn, kỹ thuật như: Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô cấp xã; 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan qua các cửa khẩu. Thực hiện chỉ tiêu cụ thể đối với một số bệnh truyền nhiễm như: Covid-19, Ebola, Mers-CoV, cúm A, bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác.

Giải pháp thực hiện vẫn là tổ chức tiêm chủng, tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng; thực hiện tốt Chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các khu vực miền núi, biên giới có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các trung tâm bảo trợ xã hội,… bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng.

Cùng với đó là kiểm dịch y tế như quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào địa bàn tỉnh làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly các trường hợp theo hướng dẫn của ngành y tế; kiểm tra, kiểm soát động vật qua các cửa khẩu, đường bộ từ nước ngoài hoặc các tỉnh, thành phố có dịch bệnh từ động vật truyền sang người lưu hành nhằm phòng, chống các dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn… Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, khám chữa bệnh cũng là các giải pháp quan trọng trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người.

PV

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/153243/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-o-nguoi