Tăng cường hợp tác Việt Nam-Thái Lan vì lợi ích chung

Từ ngày 7-10/12/2023, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan phỏng vấn học giả Thái Lan Kavi Chongkittavorn, chuyên gia Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Bangkok, Thái Lan) về chuyến thăm và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan.

Học giả Thái Lan Kavi Chongkittavorn, chuyên gia Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Bangkok, Thái Lan). (Ảnh: ĐINH TRƯỜNG)

Phóng viên: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ dự kiến thăm chính thức Thái Lan từ ngày 7 đến 10/12. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa Thái Lan và Việt Nam, đặc biệt sau 10 năm hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược?

Học giả Kavi Chongkittavorn: Trước hết, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường quan hệ Thái Lan-Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha, gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Thái Lan, chào Nhà vua Thái Lan.

Trong chuyến thăm chính thức Thái Lan lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm tỉnh Udon Thani trong hai ngày. Nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phố Việt Nam (Vietnam Town) đầu tiên trên thế giới sẽ chính thức được khai trương. Phố Việt Nam đi vào hoạt động thể hiện sự ghi nhận của Thái Lan, đặc biệt là của Udon Thani đối với những đóng góp của cộng đồng hơn 100.000 người gốc Việt.

Hơn thế nữa, tôi cho rằng chuyến thăm lần này sẽ tiếp nối di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào tháng 7/1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến các tỉnh đông bắc của Thái Lan hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Vì vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất có ý nghĩa vì không chỉ là sự tiếp nối quá khứ, thúc đẩy tương lai của quan hệ Thái Lan-Việt Nam, mà còn là bước đệm để Thái Lan tiến tới nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, điều mà tôi nghĩ sẽ diễn ra vào năm tới.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế? Hai nước có thể làm gì để tăng cường sự hợp tác này?

Học giả Kavi Chongkittavorn: Trước hết, phải hiểu rằng Thái Lan và Việt Nam đều nằm ở vị trí rất chiến lược ở Đông Nam Á. Thái Lan nằm ở trung tâm của Đông Dương và Việt Nam nằm ở khu vực bờ biển rất quan trọng nhìn ra Biển Đông. Vì vậy, Thái Lan và Việt Nam có thể cùng nhau hợp tác và cân bằng mối quan hệ với tất cả các cường quốc.

Thứ hai, Thái Lan và Việt Nam là những nước đóng vai trò quan trọng trong ASEAN. Năm 2019, Thái Lan là Chủ tịch ASEAN, ngay sau đó Việt Nam giữ cương vị này. Vì vậy, hai nước thực sự bắt kịp và củng cố lẫn nhau trong việc tăng cường quan hệ đối ngoại.

Cuối cùng, điều cần đề cập là Thái Lan và Việt Nam đều là thành viên của tiểu vùng sông Mê Công. Điều này rất quan trọng và trong thời gian gần đây Việt Nam đã có cam kết rất lớn trong việc thúc đẩy hợp tác ở Mê Công, phối hợp cùng Thái Lan trong Chương trình ACMES hay Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mê Công.

Cả hai quốc gia đều có thể góp phần quản lý để tài nguyên nước trở nên bền vững và duy trì môi trường xanh. Hai nước có thể cùng nhau thúc đẩy tiến trình này hơn nữa, và đây là điểm tôi muốn nhấn mạnh. Hai bên có thể tăng cường sự kết nối và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng Mê Công có thể mở rộng ra mạng lưới toàn cầu. Vì vậy, tôi nghĩ Thái Lan và Việt Nam có thể hợp tác cùng nhau. Trên thực tế, Thái Lan và Việt Nam đã cùng thúc đẩy một số lĩnh vực đổi mới, đẩy mạnh liên kết giữa khu vực tư nhân với chính phủ và cấp địa phương cũng như các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp.

Diễn đàn Doanh nghiệp Thái Lan-Việt Nam 2023 được tổ chức ngày 15/8, tại Bangkok của Thái Lan. (Ảnh: ĐINH TRƯỜNG)

Phóng viên: Ông nhận định thế nào về triển vọng hợp tác song phương trong mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Thái Lan trong những năm tới?

Học giả Kavi Chongkittavorn: Mối quan hệ giữa Thái Lan và Việt Nam có thể được xem là tốt nhất trong số các quốc gia ASEAN. Tôi cho rằng, Thái Lan có thể sẽ là nước ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước, gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Điều gì quan trọng hơn khi Thái Lan và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau? Cần có sự cụ thể hóa, chứ không chỉ trở thành đối tác toàn diện rồi không làm gì cả. Tôi nghĩ đã đến lúc Thái Lan và Việt Nam tăng cường hợp tác vì chúng ta có những lợi ích chung. Thí dụ, trong đổi mới, khởi nghiệp, chúng ta có những điểm tương đồng. Vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là trở thành đối tác chiến lược toàn diện với các mục tiêu cụ thể và các chương trình chung.

Phóng viên: Về hợp tác nghị viện, ông đánh giá thế nào về những tiềm năng được mong đợi từ hai bên sau chuyến thăm sắp tới?

Học giả Kavi Chongkittavorn: Tôi nghĩ có hai điểm. Đầu tiên, sự hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp rất quan trọng. Sự hội nhập của ASEAN rất quan trọng và điều này phụ thuộc rất nhiều vào các nhà lập pháp.

Nhiều người không nhận ra rằng Việt Nam hội nhập với ASEAN rất nhanh là do Quốc hội Việt Nam đã điều chỉnh các biện pháp lập pháp hướng tới mục tiêu hội nhập ASEAN, nhất là kể từ sau năm 2010. Tôi đã theo dõi tiến trình phát triển của ngành lập pháp Việt Nam, cách Việt Nam điều chỉnh luật để thích ứng theo quy định rộng hơn của ASEAN. Vì vậy, việc hội nhập diễn ra rất suôn sẻ.

Thứ hai, Thái Lan và Việt Nam hiện có rất nhiều cơ chế hợp tác song phương, trong đó có hợp tác giữa Ủy ban Đối ngoại của cơ quan lập pháp hai nước. Những cơ chế này hoàn toàn có thể được thúc đẩy đi vào chiều sâu trong thời gian tới. Việc Quốc hội hai nước dự kiến ký biên bản ghi nhớ trong chuyến thăm sắp tới sẽ góp phần mở rộng tiềm năng hợp tác hai bên.

Đây là sự khởi đầu thuận lợi để Thái Lan có được con đường hợp tác toàn diện hơn trong mối quan hệ với Việt Nam. Việc trao đổi đoàn cấp cao giữa cơ quan lập pháp hai nước cũng rất quan trọng. Cùng với đó, hoạt động trao đổi, giao lưu nhân dân được tăng cường cũng sẽ giúp quan hệ hai nước ngày càng bền chặt hơn.

Sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2023, do Bộ Công thương Việt Nam đồng tổ chức ở Bangkok vào tháng 8/2023, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thái Lan. (Ảnh: ĐINH TRƯỜNG)

Phóng viên: Ông có thể đánh giá về những thành tựu đối ngoại Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua?

Học giả Kavi Chongkittavorn: Đây là một câu hỏi rất thú vị, bởi Việt Nam cũng phát huy bản sắc “cây tre Việt Nam” trong việc triển khai đường lối đối ngoại. Ngoại giao cây tre là khái niệm quen thuộc đối với người dân trong khu vực, tuy nhiên trường phái ngoại giao cây tre của Việt Nam lại có ứng dụng rộng rãi hơn nhiều và Việt Nam đã thể hiện điều đó trong suốt hai, ba thập niên qua. Chính sách đối ngoại của Việt Nam có một phạm vi rất rộng, trong đó có việc thiết lập mối quan hệ cân bằng chiến lược với tất cả các cường quốc. Điều đó giải thích vì sao Việt Nam đã mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới.

Việt Nam là một trong những nước có mặt trong nhiều hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, khoảng 17 hiệp định. Trong khi đó, Thái Lan là một nước tư bản, chỉ tham gia 7 hiệp định. Đây chính là sự năng động trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Và tôi nghĩ, hai nền ngoại giao tre sẽ càng làm cho mối quan hệ giữa hai nước gắn kết chặt chẽ hơn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-hop-tac-viet-nam-thai-lan-vi-loi-ich-chung-post786038.html