Tăng cường hợp tác đối ngoại để nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn
Tiếp nối các hoạt động đối ngoại trong năm qua, những tháng đầu năm nay, Công đoàn Công Thương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Chuyên nghiệp và hiệu quả
Là công đoàn ngành tập hợp nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Công đoàn Công Thương Việt Nam đang có quan hệ hợp tác với trên 30 công đoàn ngành và tổ chức quốc tế trên thế giới.
Những năm qua, hoạt động đối ngoại tại Công đoàn Công Thương Việt Nam được đánh giá hiệu quả, bài bản, mang tính chuyên nghiệp cao. Nhiều mối quan hệ truyền thống được kế thừa từ các công đoàn ngành cũ như quan hệ với công đoàn CHLB Đức, các công đoàn ngành của Nhật Bản, Lào…
Mới đây, thực hiện Quyết định số 963/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc cử cán bộ đi công tác nước ngoài; nhận lời mời của Công đoàn Công nghiệp và sản xuất toàn cầu (IndustriALL) - tổ chức đại diện cho 50 triệu lao động tại 140 quốc gia trên thế giới, đoàn đại biểu Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tới dự Hội nghị Điện, Điện tử và Công nghệ Truyền thông.
Trước đó, đoàn đại biểu Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng đã dự Hội nghị lần thứ 5 của Công đoàn Hiệp hội Ô tô khu vực châu Á.
Ngoài ra, Công đoàn Công Thương Việt Nam còn phối hợp cùng Công đoàn Kim khí Phlenđơ - Bỉ (ABVV-Metaal) tổ chức Khóa tập huấn cơ bản về kỹ năng đàm phán, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Lớp học có sự tham gia gần 30 học viên của các công đoàn khu vực phía Bắc. Đặc biệt, trong lớp học lần này có sự tham gia của ông Rohnny Champagne - Chủ tịch ABVV-Metaal. Điều này một lần nữa khẳng định những dấu ấn tốt đẹp của Công đoàn Công Thương Việt Nam và Công đoàn ABVV-Metaal trong công tác thỏa ước lao động tập thể.
Công đoàn Công Thương Việt Nam và Công đoàn ABVV-Metaal chính thức thiết lập quan hệ đào tạo từ năm 2008. Từ đó đến nay, hàng năm, Công đoàn Công Thương Việt Nam phối hợp cùng chuyên gia, giảng viên đến từ Công đoàn ABVV-Metaal tổ chức nhiều khóa tập huấn cơ bản và nâng cao về kỹ năng thương lượng, đàm phán, ký kết thỏa ước lao động tập thể cho hàng trăm lượt cán bộ công đoàn ngành Công Thương.
Thông qua tập huấn, cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là khối doanh nghiệp có thêm kiến thức, kỹ năng trong tổ chức, đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Qua đó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 15 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa Công đoàn Công Thương Việt Nam và Công đoàn ABVV-Metaal, diễn ra mới đây, ông Rohnny Champagne – Chủ tịch Công đoàn ABVV-Metaal bày tỏ niềm vui khi công đoàn hai bên đã cùng nhau đi qua được chặng đường khá dài 15 năm và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ông Rohnny Champagne mong muốn, Công đoàn Công Thương Việt Nam và Công đoàn ABVV-Metaal tiếp tục cùng nhau xây dựng một lộ trình mới. Lộ trình mới chắc chắn có nhiều thách thức nhưng công đoàn hai bên sẽ cùng nhau vượt qua thách thức, cùng học tập, cùng chia sẻ, cùng mạnh mẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Củng cố tình đoàn kết hữu nghị
Qua các chuyến thăm làm việc, trao đổi kinh nghiệm, khóa tập huấn, lớp tập huấn với chuyên gia nước ngoài, cán bộ công đoàn ngành Công Thương có thêm sự hiểu biết về mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn các nước; được giao lưu, học hỏi về giao tiếp, kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể, toàn cầu hóa và vai trò của công đoàn; phương pháp đào tạo, an toàn vệ sinh lao động, công tác nữ công, tài chính, tuyên truyền kết nạp đoàn viên…
Theo ông Phan Văn Bản – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam: Những kết quả của hoạt động đối ngoại đã góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với người lao động và nhân dân các nước; tranh thủ sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của các công đoàn ngành, tổ chức quốc tế, tăng cường hiểu biết, nâng cao uy tín của Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Công Thương Việt Nam nói riêng.
Tiếp tục minh chứng cho sự hợp tác tốt đẹp trong hoạt động đối ngoại của Công đoàn Công Thương Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế, những ngày đầu tháng 7/2024, Công đoàn Công Thương Việt Nam và các đơn vị trực thuộc ngành Công Thương đã đón Đoàn đại biểu cấp cao Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào.
Hoạt động này nhằm thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào giai đoạn 2023 - 2028 và Kế hoạch hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam năm 2024.
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam bày tỏ niềm cảm kích khi được đón, tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào; đồng thời nhấn mạnh: Trong trái tim của mỗi người Việt Nam và Lào hôm nay và mai sau luôn khắc sâu quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào, Lào - Việt vô cùng cao đẹp, như Hoàng thân, Chủ tịch Souphanouvong đã từng nói "cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất". Mối quan hệ thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai nước đã trở thành quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới...
Cùng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào nói chung và giữa Công đoàn Công Thương Việt Nam và Ban Tuyên truyền Giáo dục Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào nói riêng cũng ngày càng được củng cố.
Nhằm tăng cường tình đoàn kết giữa người lao động, đoàn viên và công đoàn hai nước, cũng như góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa Lào và Việt Nam, được sự nhất trí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo giảng viên kiêm nhiệm cho Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào. Các khóa đào tạo được tổ chức thường niên ở Lào và Việt Nam.
Để phát huy kết quả đạt được, Công đoàn Công Thương Việt Nam đề nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn tiếp tục quan tâm giúp đỡ để Công đoàn Công Thương Việt Nam và Ban Tuyên truyền Giáo dục và các cơ quan, đơn vị của Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào tiếp tục triển khai chương trình hợp tác đào tạo giảng viên cho Công đoàn Lào; duy trì, gắn bó và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác thông qua việc trao đổi đoàn hàng năm, tham dự các hội nghị quan trọng, tăng cường trao đổi thông tin.
Đề nghị cho phép Công đoàn Công Thương Việt Nam triển khai đón đoàn học viên Khóa 8 bước 2 sang Đà Nẵng tập huấn và bế mạc khóa học vào tháng 9/2024 - đã có công văn đồng ý của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Khóa 8 bước 1 đã được tổ chức đào tạo vào tháng 11/2023 tại Thủ đô Viêng Chăn Lào). Đồng thời cho phép cử đoàn đại biểu, giảng viên sang phối hợp tổ chức khóa tập huấn cơ bản cho các học viên Khóa 9 bước 1 tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào tháng 11/2024.
Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng đề nghị Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào và Liên hiệp Công đoàn các địa phương của Lào tạo điều kiện, giúp đỡ doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên của ngành Công Thương Việt Nam tại Lào được thuận lợi hơn nữa trong quá trình kinh doanh, làm ăn và sinh sống tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.