Tăng cường hoạt động phòng ngừa tội phạm mua bán người
Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ quản lý chặt địa bàn, đối tượng, chủ động đấu tranh triệt xóa tệ nạn mua bán người (MBN). Các sở, ngành liên quan, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác phòng ngừa của người dân, góp phần không để xảy ra tệ nạn MBN trên địa bàn tỉnh.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; duy trì đường dây nóng (02773.875111) để tiếp nhận thông tin của các nạn nhân cần giúp đỡ và tư vấn phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền phòng, chống tội phạm MBN. Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng thông qua truyền thông lưu động tại khu dân cư, khu vực chợ, tại hộ gia đình.
Đến nay, các đơn vị phối hợp tổ chức trên 210 cuộc tuyên truyền, thu hút gần 10.800 lượt người dự nghe; chia sẻ hơn 90 bài viết trên các Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của ngành, đơn vị. Cùng với đó, phát huy hiệu quả mô hình “Tiếng loa an ninh”, thường xuyên tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa đối với tội phạm MBN, hành vi lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài với mục đích MBN...
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm MBN. Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố chỉ đạo các đội nghiệp vụ chủ động nắm tình hình các hội, nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội về tuyển dụng việc làm với nội dung “không cần tay nghề, thu nhập cao”; tập trung xác định các địa bàn, khu vực tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn MBN để xây dựng kế hoạch chuyên đề đấu tranh với tội phạm MBN. Đồng thời thường xuyên phối hợp đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, massage, karaoke nhằm kịp thời phát hiện, phòng ngừa các đối tượng lợi dụng để hoạt động MBN.
Chủ động tham gia công tác phòng, chống MBN, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, nhất là tại địa bàn biên giới. Cùng với đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát các cửa khẩu, đường mòn, lối mở qua lại biên giới để phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xuất cảnh trái phép có liên quan đến tội phạm MBN. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Công an tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, điện đàm trực tiếp với các lực lượng chức năng tỉnh PreyVeng (Vương quốc Campuchia) nắm tình hình xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và phòng, chống tội phạm MBN qua biên giới... Nhờ triển khai hiệu quả nhiều giải pháp phòng ngừa, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát, không ghi nhận trường hợp nạn nhân tố giác bị mua bán.
Tuy nhiên, theo dự báo của ngành chức năng, trong thời gian tới, các đối tượng hoạt động MBN có xu hướng chuyển sang sử dụng không gian mạng, lập các trang quảng cáo, giới thiệu việc làm, ứng dụng hẹn hò... để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo đơn vị trực thuộc rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự và các đối tượng nghi vấn hoạt động MBN để có biện pháp quản lý, phòng ngừa từ sớm, từ xa; mở đợt cao điểm tấn công, triệt xóa các loại tội phạm, tệ nạn MBN. Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng Quân sự, Biên phòng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới; chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động đưa người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép có liên quan MBN, lừa đảo đưa người dân sang Campuchia làm việc. Các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN, tập trung tại các địa bàn trọng điểm, khu dân cư, vùng nông thôn...