Tăng cường giám sát, chống tham nhũng, vi phạm trong triển khai các dự án quan trọng

'Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn vi phạm trong triển khai các dự án, nhất là việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu'…

Trong phiên họp sáng nay 25-5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến với các đại biểu tham dự kỳ họp

Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến với các đại biểu tham dự kỳ họp

Báo cáo nêu rõ, đến hết năm 2023, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 43, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; việc huy động, phân bổ và điều hòa sử dụng vốn đầu tư công giúp đưa nguồn lực vào nền kinh tế hợp lý; lạm phát được kiềm chế, lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, ổn định; bội chi ngân sách, nợ công thấp hơn so với mức dự kiến…

Bên cạnh đó, Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 như: Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu về thời hạn của Nghị quyết.

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm. Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo

Về một số dự án quan trọng quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Lê Quang Mạnh nêu rõ: Tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm so với yêu cầu, một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đối với một số dự án được phân chia thành các dự án thành phần do các địa phương khác nhau làm cơ quan chủ quản vận hành độc lập, nên khó khăn trong việc điều hòa, phối hợp, cân đối tổng mức đầu tư.

Công tác dự báo, chuẩn bị đầu tư một số dự án còn hạn chế; một số dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian ngắn đã phải đề xuất đầu tư mở rộng…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Đoàn giám sát kiến nghị tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp: Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư; đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Các địa phương tiếp tục quan tâm rà soát, có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh để hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát các hạn chế, bất cập trong các chính sách, pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung. Rà soát, hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, kịp thời phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn vi phạm trong triển khai thực hiện các dự án, nhất là các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu và đấu thầu, chỉ định thầu…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tang-cuong-giam-sat-chong-tham-nhung-vi-pham-trong-trien-khai-cac-du-an-quan-trong-post577453.antd