Tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024-2025

UBND tỉnh Long An đề nghị các địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng Kế hoạch chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó với tình hình hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024 - 2025 nhằm triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân được kịp thời, hiệu quả.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia: Từ tháng 02-5/2025, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Cửu Long về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5-12%.

Mực nước sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế xuống dần. Xâm nhập mặn vào sâu tại các cửa sông ở khu vực ĐBSCL vào giữa tháng 02/2025, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu.

Do đó, các địa phương ở Vùng ĐBSCL cần triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, cập nhật các thông tin dự báo hàng ngày, dự báo tháng đề phòng tình hình KTTV có những diễn biến phức tạp.

Ngành chức năng kiểm tra độ mặn trên các tuyến sông (Ảnh: Minh Tuệ)

Ngành chức năng kiểm tra độ mặn trên các tuyến sông (Ảnh: Minh Tuệ)

Theo bản tin dự báo KTTV thời hạn mùa khu vực tỉnh Long An của Đài KTTV tỉnh (từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025), về độ mặn trên 2 sông Vàm Cỏ: Trong mùa khô 2024-2025, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn TBNN.

Mực nước đầu nguồn các sông Vàm Cỏ, Rạch Cát, sông Tra, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ TBNN, xâm nhập mặn vùng cửa sông Soài Rạp, Vàm Cỏ ở mức cao hơn TBNN.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn. Lân cận Cầu Nổi không có nước ngọt trong suốt mùa khô kể cả vào lúc triều thấp.

Thực hiện Công điện số 128/CĐ-TTg, ngày 08/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL, để chủ động phòng, chống, ứng phó với hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024 - 2025 nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh trong tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong suốt mùa khô.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình chất lượng nước, độ mặn trên các tuyến sông, kênh, rạch... để chủ động thông tin tình hình chất lượng nước đến người dân; vận hành, điều tiết các công trình thủy lợi hợp lý nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Khuyến cáo người dân tuyệt đối không tiếp tục xuống giống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, thiếu nước, chỉ tổ chức xuống giống khi có mưa hoặc nguồn nước đảm bảo, không còn nhiễm mặn nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác vận hành công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra các cống đầu mối ngăn mặn, đảm bảo không để nước mặn xâm nhập vào khu vực nội đồng và theo dõi liên tục tình hình nguồn nước, chất lượng nước để có kế hoạch vận hành hợp lý các cửa cống, trạm bơm góp phần tích trữ đủ nước phục vụ sản xuất trong các đợt mặn cao điểm theo khuyến cáo của cơ quan Trung ương.

Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, cơ quan trực thuộc phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt, chỉ đạo ngành chuyên môn ở tuyến huyện, xã hướng dẫn người dân các kỹ năng phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe trong thời gian xảy ra nắng nóng; bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng…

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An (LAWACO), Công ty Cổ phần Nước Biwase - Long An và các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu nước sinh hoạt; chủ động phối hợp các địa phương và cơ quan có liên quan triển khai phương án để từng bước chủ động cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn trong suốt mùa khô 2024-2025.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Đài KTTV tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước kịp thời cung cấp thông tin về tình hình hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, các bản tin dự báo ngắn hạn, dự báo mùa để các cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Phối hợp các địa phương tăng cường công tác kiểm tra (định kỳ/đột xuất) theo phân cấp quản lý về bảo vệ môi trường, kiểm tra các trường hợp xả nước thải chưa qua xử lý vào nguồn nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn cho phép vào nguồn nước theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh đề nghị, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp UBND cấp xã thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV, triều cường, hạn, xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên môn về dự báo KTTV như Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, Đài KTTV khu vực Nam Bộ, Đài KTTV tỉnh; đồng thời, theo dõi thông tin được cập nhật trên trang website Thông tin phòng, chống thiên tai tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Báo Long An và các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh,… nhằm kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động các giải pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Bên cạnh đó, theo dõi, thường xuyên đo đạc độ mặn tại các công trình đầu mối và kênh mương nội đồng; vận hành hợp lý hệ thống công trình thủy lợi nội đồng bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt; giữ gìn vệ sinh nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm đảm bảo nguồn nước đủ phục vụ sản xuất trong các giai đoạn cao điểm của mùa hạn, mặn theo khuyến cáo của các cơ quan dự báo Trung ương, tỉnh.

Tổ chức kiểm tra khoanh vùng xác định khu vực có khả năng thiếu nước sản xuất (đặc biệt khu vực trồng cây ăn trái) để có kế hoạch vận hành công trình lấy nước hợp lý, tránh trường hợp độ mặn tăng cao làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Xác định các khu vực mà người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt từ đó chuẩn bị phương án chuyển nước, hỗ trợ trang bị các dụng cụ trữ nước cần thiết, đảm bảo không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt trong suốt mùa khô.

Riêng Đài KTTV tỉnh, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình KTTV, xâm nhập mặn, triều cường; tăng cường phát hành các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời thông tin, tuyên truyền đến mọi người dân biết để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả./.

A.K

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tang-cuong-cac-giai-phap-phong-chong-han-thieu-nuoc-xam-nhap-man-trong-mua-kho-2024-2025-a188577.html