Tăng cường các giải pháp hạn chế tình trạng ly hôn

Đại diện đơn vị TAND huyện Kế Sách thường xuyên kiến nghị, đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế việc án hôn nhân, gia đình gia tăng.Ly hôn không chỉ là nỗi đau, mất mát của hai vợ chồng mà còn là nỗi bất hạnh của những đứa con, vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách và tương lai sau này của trẻ. Không những vậy, hôn nhân tan vỡ còn ảnh hưởng nặng nề đến xã hội, bởi gia đình là tế bào của xã hội, khi tế bào không 'khỏe' thì xã hội bị ảnh hưởng nhiều mặt.

Vì đâu hôn nhân tan vỡ?

Quan hệ hôn nhân là một trong những quan hệ cơ bản của sự hình thành và phát triển gia đình. Tình trạng ly thân, ly hôn gần đây có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Hôn nhân tan vỡ thường rơi vào các gia đình trẻ (từ 25 đến 35 tuổi) và tỷ lệ người vợ đứng đơn yêu cầu xin ly hôn cao gấp nhiều lần so với người chồng. Cụ thể, năm 2018, TAND huyện Kế Sách thụ lý giải quyết 871 vụ việc (án hôn nhân, gia đình 524 vụ, chiếm 60,2%); năm 2019 thụ lý, giải quyết 1.000 vụ việc (án hôn nhân, gia đình 540 vụ, chiếm 54%); năm 2020 thụ lý, giải quyết 1.072 vụ việc (án hôn nhân, gia đình 593 vụ, chiếm 51,43%). Như vậy, liên tục những năm gần đây, tỷ lệ thụ lý vụ án hôn nhân, gia đình chiếm tỷ lệ rất cao, trên 50% tổng số vụ việc thụ lý, giải quyết và đáng nói là tỷ lệ thuận tình ly hôn rất cao.

Thực tế, có khá nhiều nguyên dân dẫn đến tình trạng án hôn nhân, gia đình trên địa bàn huyện Kế Sách gia tăng. Trước hết, do điều kiện kinh tế - xã hội và sự phát triển về tâm sinh lý, giới trẻ thường yêu nhanh, cưới vội nên họ chưa hoặc có rất ít thời gian tìm hiểu kỹ về nhau cũng như các kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Khi xảy ra mâu thuẫn, họ không biết cách xử lý, giải quyết cho gia đình ổn thỏa mà chọn giải pháp ly hôn. Ở Kế Sách, có một thực tế là do không có công việc ổn định, vợ hoặc chồng hoặc cả vợ lẫn chồng đều phải đi làm ở xa như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, làm công nhân trong các khu công nghiệp, xí nghiệp... Khi đó, vợ chồng không có điều kiện sống chung, một hay các bên có cơ hội tiếp xúc với nhiều người khác giới hoặc do bị dụ dỗ, lôi kéo nên vợ chồng phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Rồi bạo lực gia đình cũng là một nguyên nhân gây ra nhiều rạn nứt trong hôn nhân, làm tổn thương nặng nề về tâm lý, thân thể, làm cho đời sống tình cảm vợ chồng lạnh nhạt. Họ không tìm thấy được sự hòa hợp mà chỉ còn sự ức chế và sợ hãi, dần họ không thể chịu đựng nữa, dẫn đến ly hôn. Có trường hợp do mâu thuẫn trong quan hệ với bên vợ hoặc bên chồng, trong mối quan hệ giữa mẹ chồng với nàng dâu, do một bên không được tôn trọng, bị coi thường hoặc là những bất đồng trong cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Hay do một bên mắc vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, ma túy, không dành nhiều thời gian cho công việc cũng như việc chăm sóc gia đình, vợ con nên dẫn đến xin ly hôn...

Đại diện đơn vị TAND huyện Kế Sách thường xuyên kiến nghị, đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế việc án hôn nhân, gia đình gia tăng.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, về lòng thủy chung, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội chưa được quan tâm, thực hiện đúng mức. Công tác hòa giải cơ sở chưa xem trọng việc hàn gắn tình cảm vợ chồng. Hiện nay, điều kiện ly hôn theo quy định của pháp luật là khá thoáng, chỉ cần một bên nộp đơn xin ly hôn và cương quyết ly hôn thì tòa án có thể cho ly hôn mà chưa có quy định vợ chồng sống ly thân bao lâu mới được ly hôn hoặc chỉ quy định con dưới 12 tháng tuổi chồng không được nộp đơn xin ly hôn mà không kéo dài hơn để các cặp vợ chồng có thời gian suy nghĩ, hồi tâm chuyển ý.

Giải pháp hạn chế tình trạng “đường ai, nấy đi”

Để xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc, các cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình và phải biết yêu thương, lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng, nhường nhịn, thủy chung với nhau. Mỗi người nên tự biết điều chỉnh, bỏ cái tôi, khi có mâu thuẫn, xung đột xảy ra cần bình tĩnh, khéo léo giải quyết các vấn đề. Nói không với những tệ nạn xã hội. Điều quan trọng nhất là phải biết nghĩ về con cái, tôn trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Trước khi kết hôn cần trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, có nghề nghiệp và thu nhập ổn định.

Cần khuyến khích các cặp vợ chồng trước khi làm đơn xin ly hôn tại tòa án thì cần hòa giải ở cơ sở. Hòa giải viên là những người thường xuyên gắn bó, gần gũi với các cặp vợ chồng ở nơi sinh sống. Họ sẽ đưa ra những lời khuyên đúng đắn, cần thiết cho người trong cuộc, tạo điều kiện hàn gắn mối quan hệ trong gia đình. Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình; đặc biệt, chú trọng về giáo dục đời sống gia đình thông qua các nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc về lòng thủy chung, trách nhiệm của vợ chồng và trách nhiệm với con cái, xã hội. Thực hiện hiệu quả các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ”; ngăn chặn sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, các tệ nạn xã hội vào gia đình. Cần biểu dương, nhân rộng những tấm gương sáng về đạo lý gia đình, điển hình trong khó khăn vươn lên xây dựng gia đình hòa thuận, giữ vững hạnh phúc, nuôi dạy các con ngoan, học giỏi, thành đạt, hiếu thảo, chăm lo phụng dưỡng ông bà...

Bên cạnh đó, cần lồng ghép và tổ chức tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, vai trò của gia đình thông qua các cuộc họp, sinh hoạt đoàn thể ở cơ sở và thường xuyên mở các cuộc thi về chủ đề hạnh phúc gia đình để gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Làm tốt công tác an sinh xã hội, mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm để nhân dân có thu nhập ổn định, không phải bỏ địa phương tìm công việc.

Thẩm phán giải quyết án ly hôn phải là những người có kinh nghiệm, có kiến thức pháp lý và xã hội; khi hòa giải, xét xử, thẩm phán phải kiên trì hòa giải đoàn tụ, giải thích, chỉ rõ hậu quả khi ly hôn; cần nắm vững căn cứ cho ly hôn trước khi quyết định. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy định bắt buộc phải qua hòa giải ở cơ sở trước khi khởi kiện xin ly hôn, thời gian ly thân bao lâu mới được ly hôn, kéo dài thời gian vợ đang nuôi con nhỏ thì chồng không được xin ly hôn...

Gia đình là tổ ấm mang lại giá trị hạnh phúc, là sự hài hòa cho đời sống của mỗi thành viên trong gia đình, mỗi cá nhân trong xã hội. Gia đình êm ấm, hạnh phúc sẽ là hành trang, là nền tảng để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực của mình, góp phần xây dựng xã hội ổn định, phồn vinh và phát triển. Vì vậy, việc hạn chế ly hôn không chỉ là suy nghĩ, quyết định của vợ chồng, của những bậc cha mẹ mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

THẠCH VIẾT TÂM (Tòa án nhân dân huyện Kế Sách)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/tang-cuong-cac-giai-phap-han-che-tinh-trang-ly-hon-44104.html