Tăng bất chấp mọi quy luật, giá cà phê sẽ về đâu?

Giá cà phê trong nước đã vượt trên 90 triệu đồng mỗi tấn cà phê nguyên liệu, nhà vườn đã có lời trên 100% so với giá thành sản xuất. Quyền chủ động giá bây giờ nằm trong tay người bán. Giá cà phê tăng bất chấp các quy luật và chưa biết sẽ về đâu nhưng thử hình dung điều gì xảy ra nếu giá tăng mà hàng không thấy ra thị trường?

Sản lượng cà phê toàn cầu không thiếu; xuất khẩu từ các nước sản xuất tăng mạnh; Brazil dự báo năm kinh doanh tới 2024-2025 vẫn được mùa… vậy mà thị trường cà phê thế giới và trong nước dạo gần đây lại căng như dây đàn, giá cả nhảy dựng theo phương thẳng đứng.

Có lẽ nên xem xét mặt trái mặt phải của thị trường cà phê, nhất là robusta để lường được phần nào những rủi ro về giá cả và tình hình cung ứng cho những ngày tháng tới khi niên vụ cà phê mới 2023-2024 chưa đi được nửa đường.

Bức tranh cung – cầu

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) trong báo cáo định kỳ hàng tháng cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 1-2024 đạt 12,60 triệu bao (bao = 60 ki lô gam), tăng 32,20% so với cùng kỳ 2023. Con số này đã giúp cho lượng xuất khẩu thế giới bốn tháng đầu niên vụ tăng 13,10% so với cách đấy một năm.

ICO cũng lưu ý rằng sản lượng cà phê trên mọi vùng sản xuất niên vụ này đạt 178 triệu bao và tổng tiêu thụ đạt 177 triệu bao, thừa 1 triệu bao. Hai nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam cũng báo lượng cà phê bán đi đến tháng 2-2024 đều tăng. Cụ thể, Brazil trong kỳ đạt hơn 3,6 triệu bao, tăng 77,1%, còn Việt Nam trong năm tháng đầu niên vụ đạt 765.000 tấn các loại, tăng 1,5% so với năm cũ trong đó cà phê nhân robusta đạt 664.000 tấn.

Nhiều dự báo rằng sản lượng cà phê Brazil năm nay có thể đạt mức 65-69 triệu bao, trong đó thu hoạch robusta bắt đầu từ tháng Tư (ước đoán robusta đạt khoảng 22-25 triệu bao) và arabica vào tháng Bảy.

Trên thực tế, giá kỳ hạn cà phê robusta trên sàn London và giá nguyên liệu trong nước tuần qua đã có những phen nhảy dựng theo phương thẳng đứng.

Tăng bất chấp mọi quy luật

Dựa vào bức tranh trên, có thể nói rằng tình hình cung cầu cà phê thế giới chưa có gì bức bách. Ít ra các hãng chế biến có thể yên tâm đến nửa đầu tháng 3-2024 khi các đợt giao hàng tháng Hai từ từ cập cảng. Tuy nhiên, giá kỳ hạn London, nơi các nhà kinh doanh robusta thường sử dụng làm tham chiếu, đã nhảy từ 3.022 đô la Mỹ/tấn hôm 28-2-2024 lên đến 3.460 đô la/tấn vào ngày 7-3-2024, tăng 438 đô la tính giữa đáy và đỉnh, để rồi đóng cửa ngày 8-3-2024 với 3.297 đô la/tấn.

Trong khi đó, giá cà phê nguyên liệu trong nước “dựng ngược” từng ngày, từ 87 triệu đồng có lúc lên 95 triệu đồng/tấn giao hàng về các kho cảng quanh TPHCM. Đấy là mức đỉnh cao lịch sử của giá cà phê nội địa, cũng là mức giá cao nhất trên sàn kỳ hạn London tính từ thời sàn này chuyển hợp đồng giao dịch chuẩn từ 5 lên 10 tấn (xem đồ thị).

Xét về hoàn cảnh, nhiều người tin rằng giá robusta London men theo ý kiến của Thống đốc Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ông báo với các nghị sĩ tại cuộc điều trần trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào hai ngày 6 và 7-3-2024 sẽ hạ lãi suất điều hành đồng đô la trong thời gian phù hợp: “Fed chờ đợi để có thêm tự tin rằng lạm phát đang giảm xuống mức 2% một cách bền vững. Một khi không còn xa mục tiêu 2% đó nữa, đó là lúc thích hợp để bắt đầu thả dần những hạn chế để nền kinh tế đất nước không bị đẩy vào suy thoái”.

Các sàn kim loại vàng và cà phê thương phẩm, vốn rất nhạy với chính sách tiền tệ, bắt mạch rất nhanh, nhất là khi chỉ số đồng đô la Mỹ DXY rời mức cao nhất 104,75 điểm về 102,77 điểm vào ngày giao dịch cuối tuần 8-3-2024. Tuy nhiên, cũng ngày ấy, vàng thì tiếp tục lóng lánh tăng lên 2.186 đô la/ounce còn robusta lại phá quy tắc: thay vì tăng như kim loại vàng thì rời đỉnh 3.460 để lùi về 3.256, mất gần 200 đô la/tấn và chốt ở mức 3.297 đô la/tấn.

Trên đường tăng, sàn robusta đã lờ đi hiện tượng hai đồng nội tệ của hai nước sản xuất lớn nhất là Việt Nam và Brazil mất giá. VND trượt lên quá mức 25.000 đồng và BRL (đồng Reais Brazil) chạm giáp mí 4,99 BRL ăn 1 đô la Mỹ. Thông thường, giá trị đồng nội tệ tại nước sản xuất giảm, giá kỳ hạn càng giảm do nhà vườn bán mạnh để thu được đồng nội tệ nhiều hơn.

Chờ hoài sức ép từ phía người bán

Như mọi khi, giới kinh doanh cà phê đều tính toán lúc nào hàng ra nhiều để tìm cơ hội thu mua với lượng đủ cho các hợp đồng mình cần với giá rẻ nhất có thể. Sàn kỳ hạn tăng là một cơ hội, đồng nội tệ mất giá là dịp để gây sức ép bán ra (selling pressure) từ phía người có hàng. Nhưng từ đầu niên vụ này đến giữa đầu tháng 3-2024, cơ may này hoàn toàn không xảy ra, và thậm chí nếu không trả giá cao hơn thì không dễ và không cách chi gom hàng.

Lại nhớ một thời khi các hãng rang xay bỏ chính sách trữ hàng (stocking) để quay sang thực hiện chế độ “just in time – JIT”. JIT được hiểu là một khái niệm cung ứng nhanh và liên hoàn trong nền sản xuất hiện đại và toàn cầu hóa. Theo đó, người tiêu thụ cuối cùng trong chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu cà phê tức là các hãng rang xay cứ cần là có ngay cà phê “đúng sản phẩm, đúng số lượng, hàng đến đúng nơi và đúng thời điểm cần hàng”. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn qua, có thể thấy JIT bị phá sản vì hô giá mấy cũng không được đáp ứng một cách an lòng.

Quyền chủ động giá đã nằm trong tay người bán. Giá cà phê trong nước lên cao, vượt khỏi mọi mong đợi của nhà vườn từ trước đến nay. Có thể nói mức trên 90 triệu đồng mỗi tấn cà phê nguyên liệu, nhà vườn đã có lời trên 100% so với giá thành sản xuất. Giả sử mai này giá có xuống đi nữa, bán mức nào họ cũng có lời, miễn đừng về mức 50 triệu đồng/tấn. Nên thích thì bán mà không thích thì thôi!

Giá cà phê về đâu?

Đến mức này, đố ai biết nó về đâu. Đó là ý kiến của nhiều bạn hàng đang khát khao hạt cà phê để hoàn thành giao kèo với các hợp đồng đã ký. Riêng hợp đồng mới, chưa thấy ai dám ký tại thời điểm “khủng hoảng” như thế này.

Với mức 3.460 đô la/tấn, tạm thời được xem như đỉnh của các đỉnh từ 2008 đến nay. Nhưng vào ngày 8-3, thị trường robusta lục đục đi xuống và xuống mạnh chạm 3.256 và đóng cửa tại 3.297 đô la/tấn.

Nhiều người kinh nghiệm mua bán trên các sàn chứng khoán và hàng hóa tin rằng giá kỳ hạn robusta còn xuống nữa khi xét vị thế kinh doanh của giới đầu tư tài chính còn đặt cược quá nhiều. Lượng hợp đồng mua ròng của họ đang gần chạm mức cao kỷ lục 490.430 tấn và nay là 444.930 tấn, đó là chưa kể đợt tăng liên tù tì sau cuộc điều trần của Fed.

Nhưng cơ hội tăng trở lại và vượt đỉnh 3.460 đô la/tấn không phải là dễ biến mất. Giả như trong phiên họp đầu năm của Fed trong vòng mươi ngày tới, tự nhiên Fed quyết định hạ lãi suất vào tháng Ba hay Tư gì đó, thì rất dễ kích giá kỳ hạn robusta bùng phát vì thị trường đang tin lãi suất đô la Mỹ sẽ được hạ từ tháng 6-2024 trở đi.

Trên các chuỗi cung ứng hàng hóa, giá tăng bao nhiêu cũng đều tốt vì “trời mưa đất chịu”. Giá tăng mà không thấy hàng ra thị trường thì lại trở thành điều không hay vì các hãng rang xay phải tính toán đổi nguồn hàng đưa vào chế biến. Các công thức pha trộn trong ngành rang xay cà phê từ lâu được sử dụng với tỷ lệ hàng robusta rất cao từ Việt Nam. Khi để chuỗi cung ứng giảm khối lượng đưa vào chế biến hay đưa cà phê nước ta về hạng “dự phòng” thì e bấy giờ là quá trễ.

Nguyễn Quang Bình

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tang-bat-chap-moi-quy-luat-gia-ca-phe-se-ve-dau/