Tấm bia trên mộ Phạm Hồng Thái

(baodautu.vn) Phạm Hồng Thái - tên người chiến sĩ cách mạng Việt Nam với biết bao câu chuyện cùng cả những huyền thoại được lưu truyền.

Trong công viên Việt Tú, nằm trên đồi Hoàng Hoa Cương, Quảng Châu, Trung Quốc, là phần mộ của người liệt sĩ Việt Nam, nằm gần 72 ngôi mộ của các liệt sĩ Trung Hoa khi trước đã hy sinh trong cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911. Ngoài cổng Hoàng Hoa Cương hùng vĩ và tráng lệ, sừng sững tấm bia đá màu xanh với dòng chữ theo chiều đứng “Thất thập liệt sĩ chi mộ” (Mộ của 72 liệt sĩ) và dòng chữ theo chiều ngang “Hạo khí trường tồn”, đọc lên đã thấy vô cùng trang nghiêm và tự hào. Theo con đường nhỏ ở phía bên phải cổng chính, chúng tôi như được sống giữa những cánh rừng nguyên sinh nhiệt đới đủ màu sắc, lúc ấy mới tin rằng, tại công viên lớn nhất thế giới với tiêu chí nằm trong lòng thành phố này, có đến 72 loài thảo mộc tiêu biếu, được người dân cả nước Trung Hoa vĩ đại đem về đây, tương ứng với con số 72 liệt sĩ đã được ghi tên và cũng là con số hết sức đặc biệt của văn hóa Á Đông. Chừng vài trăm mét, chúng tôi đã đến nơi an nghỉ của liệt sĩ, ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là đài kỷ niệm, ở trên có ghi dòng chữ vàng “Việt Nam Phạm Hồng Thái liệt sĩ chi mộ” (Mộ liệt sĩ Việt Nam Phạm Hồng Thái), bên trái có một bia lớn làm bằng đá cẩm thạch, trên viết văn bia do tác giả Hồ Yểm biên soạn. Hôm ấy, chúng tôi gặp một cụ bà đã 83 tuổi đang ngồi lần tràng hạt, thoạt nom rõ là người mộ đạo. Cụ tên là Chu Thu Trân, dân Quảng Châu gốc, là công nhân đường sắt đã về hưu, hàng ngày đến đây là cách tốt nhất để tĩnh tâm dưỡng già. Tôi chỉ vào đài kỷ niệm và hỏi cụ có biết ai nằm đó không, cụ nói không chú ý lắm, nhưng lại bảo tôi rằng, đối với người Trung Hoa, thì hễ ai được người đời làm cho một đài kỷ niệm như thế, chắc phải là người anh hùng lắm. Sau đó, cụ bà họ Chu đã cùng chúng tôi cung kính thắp hương bái kiến người anh hùng Việt Nam đã hy sinh cách đây ngót một thế kỷ. Hôm sau nữa, chúng tôi đã gặp một nhóm sinh viên Văn khoa tại Đại học Nhân dân, đến công viên Việt Tú thư giãn, khi hỏi về Tôn Trung Sơn và Phạm Hồng Thái, một chàng trẻ đã ứng biến rất linh hoạt, anh tỏ ra tự hào vì Tôn Văn được dân Trung Quốc xem là bậc “tổ phụ”, còn Phạm Hồng Thái là người anh hùng lẫm liệt của Việt Nam. Sau khi kính cẩn nghiêng mình trước đài kỷ niệm, chúng tôi cẩn thận chụp lại áng văn bia này để khi về nước sẽ có dịp tìm hiểu lại, qua đây cũng ít nhiều vỡ vạc từ một số nét dị biệt khi đọc đâu đó những thư tịch lịch sử. Sử sách có ghi rằng, Phạm Hồng Thái đã bám sát phái đoàn Merlin từ Hồng Kông đến Thượng Hải rồi sang Nhật Bản, nhưng chưa có cơ hội thuận tiện để ra tay. Khi Toàn quyền Merlin và đoàn tùy tùng trên đường về Hà Nội, ghé lại Quảng Châu và đêm 18/6/1924 dự tiệc tại nhà hàng Victoria ở Sa điện, Phạm Hồng Thái giả làm phóng viên ảnh lọt qua được hàng rào cảnh binh, ném một quả bom nhỏ vào giữa bàn tiệc làm một số người Pháp và quan khách chết ngay tại chỗ, riêng Toàn quyền Merlin chỉ bị thương nhẹ, chui xuống gầm bàn rồi thoát chết. Phạm Hồng Thái vọt ra ngoài, chạy về phía Tây, lính phòng vệ đuổi theo rất gấp. Khi gặp dòng Châu Giang chắn lối, ông liền nhảy xuống sông tự vẫn, quyết không chịu sa vào tay giặc. Giặc Pháp trả thù, chúng vớt xác Phạm Hồng Thái rồi đem phơi ở bờ sông, sau mấy ngày đã có một người Trung Hoa giàu nghĩa khí xin đem đi mai táng. Đến tháng 3/1925, tỉnh trưởng Quảng Đông là Hồ Hán Dân tổ chức cải táng hài cốt Phạm Hồng Thái vào nghĩa trang danh dự tại Hoàng Hoa Cương và trong lễ khánh thành bia mộ để tưởng niệm người liệt sĩ xả thân vì Tổ quốc, có rất nhiều nhà cách mạng Việt Nam tham dự cùng các quan chức của chính quyền Trung Hoa quốc dân đảng, bất kể sự dòm dỏ của mật thám Pháp. Văn bia mộ liệt sĩ Việt Nam họ Phạm. Hồ Yểm soạn, viết tại thành Phiên Ngung. Anh tên là Hồng Thái, người Bắc Việt Nam. Cha ông theo Nho học. Khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam đã lấy sự lộn xộn trong khoa cử để thi hành chế độ ngu dân, anh căm giận rồi bỏ học, trở thành công nhân trong cơ xưởng, lại thường thấy sự hà khắc thô bạo của pháp luật và thói hà hiếp của quan lại người Pháp nên hết sức phẫn nộ. Nhân gặp những người đang tổ chức chính đảng để vận động cách mạng, anh tự nguyện tham gia. Lúc đó, trong tổ chức lại chia làm 2 phái: một nhóm chủ trương vận động binh lính phản chiến chống lại người Pháp; một nhóm chủ trương ám sát tướng giặc và bọn quan lại tham tàn để trừ hại cho dân. Anh ủng hộ chủ trương vận động binh lính trong nước để khởi sự. Nhưng nếu không bắt đầu bằng sự việc mạnh mẽ thì không đủ làm cho kẻ thù khiếp đảm và làm phấn chấn tinh thần quốc dân. Vì thế, anh tán thành phái ám sát và thi hành mưu địch. l Khi biết tin tên Thống sứ Toàn quyền Pháp là Merlin sắp rời Nhật Bản du hành sang Thượng Hải, anh dũng cảm mang súng và tạc đạn sang Đông Kinh rồi Thượng Hải. Tuy nhiên, do được canh phòng nghiêm mật, nên không có cách gì hành động. Đến khi Toàn quyền đến Quảng Châu (Phiên Ngung) để chuẩn bị trở lại Việt Nam, là cơ hội cuối cùng để ra tay. Khi biết người Pháp sắp đãi tiệc Merlin ở khách sạn Victoria, anh nói với người đồng chí: “Sự việc tới lúc phải hành động, không thể trì hoãn. Tôi quyết không để lọt vào tay bọn Pháp, xin anh nói rõ tôn chỉ của đảng ta cho mọi người biết để người Pháp không hiểu sai mà xuống tay tàn sát bừa bãi”. Sau đó, vào ngày 19/6, vào lúc 8 giờ tối, anh đến khách sạn Victoria giả dạng vào được bên trong vũ trường, tung lựu đạn và bắn súng làm một số người chết, máu chảy khắp nơi. Anh cười nói: “Việc lớn đã thành tựu, ta chỉ còn cái chết mà thôi”, sau đó anh đã trầm mình tự vẫn. Người Quảng Đông cảm nghĩa khí, đem xác anh đi chôn, sau này cải táng ở Hoàng Hoa Cương, hướng về phía Tây Nam, ý muốn cho linh hồn anh được nhìn về cố quốc. Trung Hoa dân quốc năm thứ 14, tháng Giêng.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/chuyende/cd8b45357f000001010e35e90ad9d3d6