Tam Thanh: Phấn đấu xã nông thôn mới kiểu mẫu
Kinh tế thủy sản là lĩnh vực được chính quyền xã nông thôn mới (NTM) Tam Thanh, huyện Phú Quý khuyến khích đầu tư, phát triển và trở thành ngành mũi nhọn.
Tam Thanh
Tam Thanh có 3 thôn gồm Mỹ Khê, Hội An và Triều Dương có 2.302 hộ dân với trên 10.300 khẩu. Người dân sống tập trung ven các đường liên xã, thôn làm nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản là kinh tế chính. Năm 2010, Tam Thanh được huyện Phú Quý chọn làm xã điểm của tỉnh xây dựng NTM. Xuất phát điểm của xã rất thấp, từ cơ sở hạ tầng nông thôn đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. “Trước đây, chưa hình thành được các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Vì vậy mà thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt mức trung bình so với toàn tỉnh”, ông Nguyễn Thúc Đương - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh nhớ lại. Mục tiêu xây dựng NTM là làm sao phải thay đổi diện mạo nông thôn, giữ vững an ninh chính trị, nâng cao đời sống, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Xã đã vận động nhân dân thay đổi ngành nghề, đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm. Nhờ vậy, sản lượng năm sau luôn cao hơn năm trước, sản lượng khai thác hải sản bình quân hàng năm đạt 10.000 tấn, sản lượng hải sản nuôi hàng năm đạt 40 tấn (chủ yếu là cá mú). Toàn xã có 93 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, 15 doanh nghiệp tư nhân chế biến hải sản và 2 hợp tác xã vận tải biển… Những năm qua, duy trì 1 hợp tác xã thu mua sơ chế và chế biến hải sản thực hiện liên kết giữa ngư dân và các tàu dịch vụ hậu cần và doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Cơ sở hạ tầng xã đảo ngày càng khởi sắc
Thực hiện đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu. Một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi triển khai, bước đầu cho hiệu quả kinh tế giúp người dân tận dụng thời gian nhàn rỗi cũng như chuyển đổi nghề nghiệp theo hướng tích cực như: trồng cây măng tây, rau sạch, chăn nuôi gà thương phẩm, vịt đẻ trứng, nuôi heo… Ngoài ra, Tam Thanh còn thu hút nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, nhiều nhà hàng, khách sạn mọc lên, hàng năm thu hút trên 20.000 khách du lịch đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, giảm hộ nghèo. Thống kê của UBND xã Tam Thanh, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể năm 2011 từ 16 triệu đồng/người/năm đến năm 2019 lên 43,8 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm chỉ còn 0,67%.
Xã Tam Thanh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014; vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đây là động lực địa phương bắt tay ngay giữ chuẩn, nâng chuẩn các tiêu chí. Đến nay, Tam Thanh tiếp tục đạt chuẩn 15 tiêu chí xã NTM nâng cao. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình phục vụ dân sinh, kinh tế phúc lợi của người dân được đầu tư… Theo lãnh đạo địa phương này, thời gian tới, sẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lấy công tác tuyên truyền, vận động làm hàng đầu, khơi dậy nhận thức của người dân với vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư của tỉnh, Trung ương cũng như thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách xây dựng phấn đấu đạt mục tiêu xã NTM kiểu mẫu trong tương lai.
Thanh Duyên