Tám 'liên minh năng lực' viện trợ Ukraine: Thiết giáp, pháo binh, dò mìn

Ngoài không quân, các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tích cực trợ giúp Ukraine trên phương diện xe bọc thép, pháo binh, rà phá bom mìn…

Xe tăng, xe bọc thép: Đức, Ba Lan

Mục đích: Cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Kiev. Một số thông tin chi tiết về liên minh thiết giáp đã xuất hiện từ khi Đức và Ba Lan chính thức đồng ý thiết lập quan hệ đối tác thiết giáp vào tháng 3. Động thái này củng cố sự hợp tác vững chắc giữa hai nước liên quan việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2.

Là một phần trong nỗ lực chung, được triển khai vào tháng 2/2023, Berlin đã đồng ý cung cấp xe Leopard 2A6, trong đó Ba Lan cam kết cung cấp nền tảng 2A4.

Xe tăng Leopard của Lữ đoàn trình diễn thiết giáp số 9 trong buổi thuyết trình về khả năng của đơn vị vào ngày 20/5/2019 tại Munster, Đức. Ảnh: Getty Images.

Quan điểm của chuyên gia: Leopard 2 đã được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ca ngợi là “thiết kế xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hiện đại thành công nhất của phương Tây”, và tổ chức nghiên cứu này cho rằng ngay cả cấu hình lỗi thời nhất, 2A4, cũng cung cấp cho Ukraine nhiều khả năng tiên tiến hơn so với các dòng xe tăng hiện có được sản xuất từ thời Liên Xô. Điểm nổi bật của dòng xe tăng mới là “hệ thống điều khiển hỏa lực và quang học hiện đại hơn”.

Xe tăng Leopard 2A4 của Đức. Ảnh: Knds.de.

Các đối tác khác: Ý, Thụy Điển và Anh đã nộp đơn xin gia nhập liên minh thiết giáp.

Hiện trạng: Các quan chức chưa cho biết liên minh thiết giáp đã tiến triển như thế nào. Xe tăng Leopard 2 có tỷ lệ tổn thất tương đối thấp trong cuộc xung đột với Nga, cho thấy nó có khả năng sống sót cao và có hiệu quả chiến đấu tốt như các nhà phân tích dự đoán.

Theo blog tình báo nguồn mở Oryx (trang blog chuyên lập biểu đồ tổn thất thiết bị trong chiến tranh), dựa trên bằng chứng trực quan, từ khi Đức bắt đầu giao hàng cho Ukraine vào tháng 3/2023, Nga đã phá hủy tổng cộng 15 phương tiện. Vào tháng 2/2024, IISS ước tính Nga đã mất 3.000 xe tăng từ khi xung đột bắt đầu.

Mỹ đang cung cấp riêng xe tăng Abrams cho Ukraine, nhưng tin tức gần đây cho thấy tình hình không được tốt. Ukraine đã bắt đầu đưa xe tăng Abrams khỏi tiền tuyến vì chúng rất dễ bị máy bay không người lái phát hiện.

Xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ. Ảnh: Military.com.

Pháo binh: Pháp, Mỹ

Mục đích: Đáp ứng nhu cầu đạn pháo trước mắt của Ukraine và cung cấp 78 khẩu pháo Caesar 155mm, một phần được tài trợ bởi các quốc gia khác. Ukraine đặt mua 6 khẩu pháo trước khi liên minh pháo binh được triển khai.

Pháp đã cam kết 50 triệu euro (53 triệu USD) để mua 12 trong số 72 khẩu pháo còn lại và muốn 60 khẩu còn lại được các đồng minh khác hoặc Cơ quan Quốc phòng Châu Âu tài trợ.

Thiếu tướng quân đội Pháp Jean-Michel Guillotin, người đứng đầu liên minh pháo binh, cho biết trong cuộc họp báo ngày 25/1 rằng, có hai mục tiêu ngắn hạn đang được ưu tiên. Một là thu hẹp tỷ lệ bắn đạn pháo 6 trên 1 hiện nghiêng về phía Nga (Nga bắn 6 quả thì Ukraine mới bắn được 1). Hai là cải thiện khả năng sửa chữa, bảo trì để tận dụng các hệ thống bị hỏng, không sử dụng được.

Tại buổi họp báo, tướng Guillotin cho biết, 3.000 quả đạn pháo 155mm sẽ được Pháp chuyển giao cho Ukraine mỗi tháng.

Lựu pháo tự hành Caesar 155mm. Ảnh: Wikipedia.

Quan điểm của chuyên gia: Ukraine từ lâu đã phải chịu tình trạng thiếu đạn dược do các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu không thể đáp ứng kịp nhu cầu, đồng thời vẫn không thể sánh kịp với tỷ lệ sản lượng vượt trội hơn nhiều của Nga, ước tính khoảng 10.000 quả đạn mỗi ngày.

Có rất ít triển vọng ngắn hạn về việc phương Tây phá vỡ ưu thế sản xuất đạn dược của Nga. Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), một tổ chức tư vấn quân sự của Anh, ước tính rằng, “tổng sản lượng pháo binh của Nga có khả năng ổn định ở mức 3 triệu viên đạn mỗi năm” và lưu ý rằng Bộ Quốc phòng Nga không tự tin về việc tăng sản lượng “đáng kể” ở tương lai trước mắt “trừ khi các nhà máy mới được thành lập và việc khai thác nguyên liệu thô được đầu tư với thời gian thực hiện trên 5 năm”.

Tuy nhiên, Ukraine thậm chí còn ở thế kém thuận lợi hơn. Theo một quan chức tình báo cấp cao của châu Âu, những nỗ lực kết hợp sản xuất của Mỹ và châu Âu có thể tạo ra “1,2 triệu quả đạn mỗi năm”, CNN đưa tin.

Sự ngang bằng với Nga sẽ là một triển vọng thực tế hơn khi việc giao thêm 1,5 triệu viên đạn (được cam kết từ một sáng kiến đạn hỗ trợ nhưng riêng biệt do Cộng hòa Séc dẫn đầu, được thực hiện cho Ukraine) diễn ra trước thời điểm dự kiến là tháng 4/2025. Kế hoạch đó có sự tham gia của Chính phủ Séc giao dịch môi giới đạn pháo 155mm và 122mm với các quốc gia ngoài châu Âu, không muốn bán đạn trực tiếp cho Ukraine mà thay vào đó làm việc với một bên trung gian.

Các đối tác khác: 21 quốc gia bao gồm Canada, Đức, Ba Lan, Anh…

Hiện trạng: Pháp dự kiến sẽ giao tất cả 78 khẩu pháo Caesar vào cuối năm 2024. Bộ Quốc phòng Pháp nói với Breaking Defense vào tháng 4 rằng “việc giao đạn pháo đang diễn ra theo kế hoạch”, cho thấy mục tiêu 3.000 viên đạn 155mm mỗi tháng của liên minh pháo binh là đang đúng hướng, đúng tiến độ.

Theo Thủ tướng Séc Petr Fiala, đối với nỗ lực của Séc, đến nay 500.000 trong số 1,5 triệu viên đạn pháo mục tiêu đã được bảo đảm. Những đợt giao hàng đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 7 và tháng 8.

Bộ Quốc phòng Canada cho biết họ đã cam kết hơn 53 triệu đô la Canada (38,7 triệu USD) cho liên minh pháo binh.

Lựu pháo 2S19 của Nga. Ảnh: BQP Nga.

Rà phá bom mìn: Iceland, Litva

Mục đích: Trang bị cho quân đội Ukraine hệ thống kích nổ từ xa và huấn luyện khoảng 2.800 quân Ukraine vào cuối năm nay.

Quan điểm của chuyên gia: Một quan chức quốc phòng cấp cao của Anh hồi tháng 1 nhận định, thời gian phản ứng tấn công do thám ngắn hơn, phát triển một mặt trận dài 966 km với dày đặc bãi mìn và vũ khí chống tăng, cũng như các bài học chiến đấu kéo dài hai năm đã góp phần đưa quân đội Nga trở thành một lực lượng “tinh nhuệ” hơn.

Henrik Faerch, giám đốc điều hành của công ty rà phá bom mìn Damasec Global Group của Đan Mạch, cho rằng việc rà phá bom mìn, vật liệu chưa nổ ở Ukraine sẽ là “thách thức hậu xung đột lớn nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại” và “không giống” bất kỳ cuộc xung đột nào trước đây.

Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, Nga đã triển khai một lượng lớn mìn sát thương và chống xe với mạng lưới bãi mìn được phát hiện ở 11 khu vực trên khắp Ukraine: Chernihivska, Dnipropetrovska, Donetska, Kharkivska, Khersonska, Kyivska, Luhanska, Mykolaivska, Odeska, Sumska và Zaporizka.

Quân nhân Ukraine dò mìn trong một khu rừng ở ngoại ô Izyum, miền đông Ukraine, năm 2022. Ảnh: Getty Images.

Các quốc gia đối tác khác: Tổng cộng có 22 quốc gia tham gia, và “một vài quốc gia nữa” đang cân nhắc tham gia liên minh rà phá bom mìn, Laurynas Kasciunas, Bộ trưởng Quốc phòng Litva, cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 26/4.

Hiện trạng: Cuộc họp “điều phối” lần thứ ba của liên minh rà phá bom mìn được tổ chức tại Vilnius, Lithuania ngày 25/4 để đánh giá “sự hỗ trợ hiện tại và tương lai” từ các quốc gia cung cấp hoạt động rà phá bom mìn cho Ukraine. Kế hoạch đào tạo và cam kết trang thiết bị cho năm 2025 cũng đang được tiến hành.

Lithuania đến nay đã đầu tư gần 17 triệu euro (18,1 triệu USD) để tài trợ cho liên minh rà phá bom mìn.

Huấn luyện dò mìn ở Ukraine. Ảnh: Getty Images.

Thái An (theo Breaking Defense, CNN)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tam-lien-minh-nang-luc-vien-tro-ukraine-thiet-giap-phao-binh-do-min-post1636729.tpo