Tại sao vẫn lừng khừng sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP?

Hơn 11 năm thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, không thể phủ định hiệu quả nhất định, nhưng hậu quả dẫn đến thị trường vàng ngày càng bị thao túng.

Ảnh minh họa. Ảnh: Hương Thủy

Ảnh minh họa. Ảnh: Hương Thủy

Nếu không sửa đổi Nghị định này, thì không có lối thoát cho việc kiểm soát tình trạng thao túng giá vàng. Nghị định 24/2012/NĐ-CP với mục tiêu là chống “vàng hóa” nền kinh tế nhưng chống được "vàng hóa" thực tế không phải kết quả từ thực hiện Nghị định này, mà do Ngân hàng Nhà nước quy định không cho phép các tổ chức tín dụng huy động và cho vay vàng.

Hệ lụy từ độc quyền để chống "vàng hóa"

Tinh thần của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP là giao Ngân hàng Nhà nước quản lý, độc quyền sản xuất vàng miếng. Nếu vàng miếng đó là loại vàng ngoại hối (dự trữ) thì câu chuyện không có gì để nói, nhưng ở đây đang có sự lẫn lộn giữa vàng miếng ngoại hối và vàng miếng hàng hóa. Chính sự lẫn lộn này nên Ngân hàng Nhà nước lấy nhãn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia và chuyển một phần độc quyền nhà nước sang độc quyền doanh nghiệp. Mặc dù mới đây, Tổng Giám đốc Công ty SJC Lê Thị Thúy Hằng đã bộc bạch, SJC không được hưởng lợi gì từ độc quyền này, nhưng rõ ràng ở đây có sự vi phạm Luật Cạnh tranh.

Mục đích độc quyền của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát nguồn cung, chống “vàng hóa” thông qua khống chế nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đó là chính sách không phù hợp. Hạn chế nguồn cung vàng hàng hóa là nguyên nhân chính dẫn đến thao túng giá vàng không thể kiểm soát. Khi nguồn cung thắt chặt, được tiếp sức bởi xu hướng giá vàng thế giới tăng, nhất định sẽ tạo tâm lý đầu cơ, thao túng giá vàng. Không chỉ thao túng giá, tình trạng nhập khẩu vàng lậu sẽ nảy nở, khó có thể kiểm soát là điều tất yếu.

Đấu thầu có hạ giá vàng thị trường?

Ngân hàng Nhà nước năm 2013 từng tổ chức đấu thầu vàng miếng để bình ổn giá vàng, với 76 phiên đấu thầu, bán thành công gần 1.820.000 lượng vàng miếng. Lần đó, Ngân hàng Nhà nước ổn định được giá vàng leo thang. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ, thành công này là nhờ, thời gian đó, giá vàng trong nước tăng bị "kìm chân" bởi giá vàng thế giới giảm. Còn hiện nay, khi giá vàng thế giới đang xu hướng tăng, bài toán đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước như lần trước khó thành công, hơn nữa còn có thể bị tác dụng ngược.

Nguyên tắc đấu thầu buộc phải đặt giá sàn theo giá thị trường. Đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước tiếp sức nên giá thị trường vàng đang bị "lái" bởi hiệu ứng kép. Một là tâm lý giá vàng thế giới đang xu hướng tăng trong trung hạn nên mua vàng đầu cơ sẽ có lãi. Hai là với cách đấu thầu vàng, vô hình trung, giá sàn đã tạo hiệu ứng tâm lý, xác nhận mặt bằng giá tối thiểu của thị trường. Khi giá sàn không giảm nhiều thì không thể giảm được giá vàng thị trường.
Việc kìm giá vàng thông qua đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước lúc này đòi hỏi nguồn vàng ngoại hối dự trữ rất lớn. Điều này gây bị động trong bảo đảm nguồn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Điểm khác, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng với khách hàng doanh nghiệp ngoài các tổ chức tín dụng, vô hình trung, chức năng điều hành chính sách tiền tệ thông qua trung gian trở thành trực tiếp, nảy sinh câu hỏi: Liệu Ngân hàng Nhà nước đang là ngân hàng trung ương, hay như một loại hình doanh nghiệp đặc biệt? Việc Ngân hàng Nhà nước cần làm hiện nay là thông qua các công cụ để kiểm soát dòng tiền đổ vào thị trường vàng (nội và ngoại tệ) tác động tiêu cực tới lãi suất và tỷ giá.

Sao vẫn chưa sửa đổi?

Việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP chính thức được đặt ra từ cuối năm 2023. Đến nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đồng thuận ý kiến cần phải sửa đổi Nghị định này. Công ty SJC được hưởng độc quyền cũng muốn từ chối quyền lợi độc quyền đó. Vậy thì vướng mắc gì mà Ngân hàng Nhà nước vẫn lừng khừng trong câu chuyện này? Dư luận đang mong Ngân hàng Nhà nước giải trình lý do vì sao chưa trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.

Trên thế giới, không có ngân hàng trung ương nào độc quyền sản xuất vàng miếng hàng hóa. Việc ra đời Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để chống “vàng hóa” nền kinh tế nhưng nay không còn tình trạng này nữa thì phải bỏ. Ngân hàng Nhà nước chỉ nên độc quyền sản xuất, quản lý loại vàng miếng ngoại hối thông qua hoạt động của nhà máy in tiền quốc gia. Việc can thiệp thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước tưởng chừng như cần thiết nhưng xét ở góc độ chức năng ngân hàng trung ương thì cần phải xem xét lại.

Khâu cốt lõi của sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP là xóa độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng, sản xuất vàng miếng hàng hóa. Các doanh nghiệp được quyền tự do chọn thương hiệu vàng miếng riêng, đồng thời cũng xóa thương hiệu quốc gia trong sản xuất vàng miếng hàng hóa là SJC. Đối với vàng miếng ngoại hối, do Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất theo tiêu chuẩn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tai-sao-van-lung-khung-sua-doi-nghi-dinh-24-2012-nd-cp-667052.html